(Mặt trận) -Thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 05) về công tác dân tộc, tỉnh Lai Châu đã triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các chính sách về văn hóa, thể thao, du lịch tại vùng dân tộc thiểu số. Qua đó, từng bước khôi phục những giá trị văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của một số dân tộc đã bị mai một, đồng thời, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS), nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, mức hưởng thụ văn hóa trong đồng bào các DTTS.
|
Nhiều loại nhạc cụ truyền thống của các dân tộc thiểu số tại Lai Châu đã được bảo tồn và hiện hữu trong đời sống đương đại. |
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết, trên địa bàn có 20 dân tộc sinh sống, trong đó có 19 DTTS với nền văn hóa đặc sắc, phong phú. Thực hiện Nghị định 05 của Chính phủ, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống vùng đồng bào DTTS được quan tâm, triển khai đồng bộ và đã cho kết quả rất đáng ghi nhận.
Với nhiều nỗ lực, ngành Văn hóa tỉnh Lai Châu đã tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Giáy, Lào, Lự, Mảng, Khơ Mú, Si La, Cống, Hà Nhì, La Hủ, Dao trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Lễ Tủ Cải dân tộc Dao Tuyển, nghề dệt truyền thống dân tộc Lự, Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với đó, tỉnh Lai Châu đã kiểm kê, xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Then dân tộc Thái tỉnh Lai Châu” trong hồ sơ đề cử quốc gia “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đề nghị UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, đã nghiên cứu, sưu tầm 184 hiện vật bảo tàng thuộc các dân tộc Hà Nhì, Mông, Lào, Khơ Mú, Dao, Giáy. Ngoài ra, ngành văn hóa tỉnh Lai Châu cũng sưu tầm, bảo tồn, giới thiệu các làn điệu dân ca, dân vũ dân tộc Mông, Hà Nhì. Tỉnh Lai Châu đã tổ chức 1 lớp truyền dạy chữ Nôm Dao cho trên 40 học viên là người Dao sinh sống trên địa bàn huyện Sìn Hồ. Địa phương này còn tổ chức 4 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể các dân tộc; vinh danh những người thực hành và giữ gìn văn hóa. Tính đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 13 nghệ nhân là người DTTS được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể.
Song song với công tác sưu tầm hiện vật, từ năm 2017 tới năm 2020, ngành Văn hóa tỉnh Lai Châu đã phục dựng Lễ hội Lùng Tùng dân tộc Thái, lễ cúng bản - Gạ Ma Thú của dân tộc Hà Nhì, lễ cúng rừng của dân tộc Lự, lễ cúng lên nương - À Kha Me Lô của dân tộc Si La. Các lễ hội này sau đó được tổ chức thường niên tại không gian lịch sử truyền thống, theo đúng ý nghĩa và các giá trị chân thực, chính xác của lễ hội dân gian truyền thống, không cải biên về nội dung và hình thức của lễ hội. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết, đến nay, đã duy trì, tổ chức thường niên 40 lễ hội truyền thống của các dân tộc.
Trong nỗ lực bảo tồn nền văn hóa đa dạng của các dân tộc, tỉnh Lai Châu cũng dành một phần nguồn lực đầu tư khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống phù hợp với thế mạnh từng vùng, bản sắc văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc. Đến nay, địa phương này đã khôi phục và phát triển nghề dệt (dân tộc Lự, Thái); rèn, chạm khắc bạc (dân tộc Mông, Dao); nghề thêu, trồng hoa địa lan (dân tộc Mông); nghề làm bánh (dân tộc Giáy); nghề nấu rượu (dân tộc Mông). Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào DTTS. Hiện, người dân và chính quyền địa phương từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tìm hiểu của du khách, gia tăng giá trị cho các sản phẩm của làng nghề truyền thống.
Thông qua việc thực hiện Nghị định 05, hệ thống thiết chế văn hóa tại vùng DTTS của tỉnh Lai Châu được quan tâm đầu tư xây dựng từ tỉnh đến cơ sở. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh Lai Châu xây dựng mới được 287 nhà văn hóa thôn, bản và 24 nhà văn hóa xã. 100 % nhà văn hóa sau khi được xây mới đều được cấp trang thiết bị để có thể hoạt động hiệu quả.
Kết quả bảo tồn các di sản văn hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch ở vùng đồng bào DTTS phát triển. Trên cơ sở phát huy lợi thế, đặc điểm riêng có của địa phương, các cộng đồng DTTS ở Lai Châu đã xây dựng các điểm du lịch cung cấp dịch vụ du lịch cộng đồng, gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa danh lam thắng cảnh, làng nghề thủ công... Tính đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã khảo sát, công nhận16 điểm du lịch. Trong đó, có 11 điểm du lịch được xây dựng tại vùng đồng bào DTTS, gồm các bản: Bản Hon; Nà Khương; Nà Luồng; Sì Thâu Chải; Vàng Pheo; Sin Suối Hồ; Tả Phìn; San Thàng; Gia Khâu; Thẳm; Lao Chải. Các điểm du lịch cộng đồng này thường xuyên duy trì hoạt động văn nghệ, sinh hoạt văn hóa dân gian, giới thiệu ẩm thực địa phương thu hút khách tham quan, tìm hiểu.
Có thể nhận thấy, những kết quả thực hiện Nghị định 05 trong giai đoạn vừa qua sẽ tạo nền tảng cơ bản để công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của cộng đồng các DTTS ở Lai Châu đạt được nhiều kết quả tốt hơn trong tương lai.
Thu Hằng