Bảo Lạc nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Với đặc thù là huyện vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn, hơn 94% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), những năm gần đây, nhờ triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án đặc thù của Đảng, Nhà nước, đời sống đồng bào DTTS huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng không ngừng nâng lên.

Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang thăm, tặng quà cho người uy tín huyện Yên Sơn

Phát huy vai trò của nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trong kỷ nguyên mới

Ủy ban MTTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai thăm, tặng quà Tết người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số

 Từ các chính sách dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Bảo Lạc tập trung phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Khuổi Chủ là xóm vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của xã Thượng Hà với 100% là người Sán Chỉ. Trước đây, cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, không có điện, nước sinh hoạt phụ thuộc vào thiên nhiên, đường lên xóm rất dốc và hiểm trở. Phó Bí thư Chi bộ xóm Khuổi Chủ Tần Văn Ạch cho biết: Được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền triển khai các chính sách dân tộc, lồng ghép các Chương trình 135, Nghị quyết 30a… hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, đời sống bà con trong xóm đã có nhiều đổi thay. Đến nay, đường vào xóm được mở rộng, người dân được sử dụng nước sạch, xóm có điện lưới quốc gia, trẻ em trong độ tuổi được đến trường, an ninh trật tự được giữ vững. Nhiều hộ trước đây chỉ trồng ngô nay chủ động trồng sắn, hồi; đầu tư chăn nuôi thêm trâu, bò vỗ béo, lợn, gà… mang lại hiệu quả kinh tế, chất lượng cuộc sống được nâng lên.

Bà Hoàng Thị Xím, xóm Khuổi Chủ, xã Thượng Hà phấn khởi chia sẻ: Những năm gần đây, gia đình tôi và bà con trong xóm được các chương trình, dự án hỗ trợ giống, được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, vì vậy có thêm cơ hội phát triển kinh tế, từ đó đời sống được nâng cao. Hiện, xóm đã có điện lưới quốc gia và có sóng điện thoại, cuộc sống ngày càng khởi sắc.

Để đồng bào DTTS có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, Bảo Lạc nỗ lực triển khai hiệu quả Chương trình 135, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người DTTS thuộc hộ nghèo; chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn. Đồng thời, lồng ghép với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững… Nhờ đó, hạ tầng cơ sở, đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS thay đổi tích cực, thu nhập ngày càng nâng lên. Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bảo Lạc Nguyễn Minh Châu cho biết: Dựa trên điều kiện thực tế tại địa phương, nhu cầu của đồng bào DTTS, huyện tập trung giải quyết hiệu quả những vấn đề bức thiết trong vùng đồng bào dân tộc; lấy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân làm mục tiêu. Chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch phân bổ chi tiết vốn thực hiện các chương trình, chính sách về hỗ trợ trực tiếp cho người dân nghèo vùng khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư hạ tầng cơ sở, đảm bảo triển khai hỗ trợ đúng đối tượng, đủ số lượng, công khai, minh bạch, hiệu quả.

Từ năm 2016 đến nay, từ các nguồn vốn Chương trình 135, Nghị quyết 30a, các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên, chính sách an sinh xã hội…, huyện hỗ trợ nhân dân trên 70 tỷ đồng thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với hơn 14.000 hộ được hưởng lợi. Riêng năm 2022, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS, huyện đầu tư trên 4 tỷ đồng hỗ trợ vật nuôi, xây dựng chuồng trại cho các hộ DTTS khó khăn đặc thù; hỗ trợ 529 triệu đồng mua 174 téc nước cho các hộ khó khăn về nước sinh hoạt tại các xã Xuân Trường, Khánh Xuân, Sơn Lập… Nhờ đó, đời sống của đồng bào các dân tộc từng bước được nâng cao, nhân dân tích cực tham gia các phong trào do các cấp phát động, chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.

Ngoài các chính sách hỗ trợ sản xuất đảm bảo an sinh xã hội, huyện quan tâm triển khai đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở. Từ năm 2016 đến nay, huyện bố trí nguồn lực gần 600 tỷ đồng đầu tư, nâng cấp, xây mới hệ thống giao thông nông thôn trục xã, liên xã, liên xóm, đường nội đồng, nội vùng sản xuất. Đầu tư trên 2,2 tỷ đồng xây mới, nâng cấp, sửa chữa các trạm y tế xã, xây mới, sửa chữa nhà văn hóa xóm... Nhờ vậy, hệ thống hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hệ thống đường nông thôn ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và phát triển sản xuất.

Tuy nhiên, công tác dân tộc trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn do xuất phát điểm KT - XH thấp, trình độ dân trí không đồng đều, khả năng tiếp cận áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của đồng bào DTTS còn hạn chế, tập quán sản xuất dựa nhiều vào điều kiện tự nhiên. Địa bàn vùng đồng bào dân tộc rộng, có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai; nguồn lực đầu tư còn hạn chế... Năm 2022, huyện còn 53,46% hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, cơ bản số hộ nghèo, hộ cận nghèo đều là người DTTS.

Theo Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc Nguyễn Mạnh Hùng, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, huyện được giao 671,2 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt; đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp… Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đạt 36 triệu đồng/người/năm, 99% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế, 50% người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề; 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…

Hoài An