Bắc Kạn phát huy vai trò của người có uy tín

(Mặt trận) -Những năm qua, đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã phát huy tốt vai trò của mình trong tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương, chính sách, thi đua phát triển kinh tế và giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn thường xuyên tổ chức gặp mặt đối với người có uy tín trên địa bàn tỉnh

Để phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (người có uy tín), trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tăng cường định hướng nhiệm vụ, nội dung tuyên truyền, vận động và thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đang thực hiện, mới ban hành. Các hoạt động tập huấn bồi dưỡng kiến thức, gặp mặt, đối thoại... với người có uy tín cũng thường xuyên được tổ chức. Qua đó, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn tỉnh thường xuyên được củng cố, kiện toàn.

Hiện toàn tỉnh Bắc Kạn có hơn 1.300 người có uy tín, phần lớn là bí thư chi bộ, trưởng thôn, cán bộ đã nghỉ hưu, trưởng dòng họ, người làm kinh tế giỏi... Đây đều là những người được cộng đồng tín nhiệm, có phạm vi ảnh hưởng tích cực, có khả năng tập hợp Nhân dân.

Thực tế cho thấy, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn tỉnh không chỉ gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước mà còn là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động người dân xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường sống… Ở khắp các địa phương đâu cũng có những cá nhân người có uy tín tiêu biểu, được người dân và cấp ủy, chính quyền đánh giá cao bởi có nhiều đóng góp cho cộng đồng.

Có thể kể đến một số người có uy tín tiêu biểu như: Ông Sằm Văn Nhất ở thôn Nặm Cắm, xã Cao Thượng (Bao Bể) đã vận động 12 hộ dân hiến 9.900m2 đất, vận động các hộ dân tham gia đóng góp ngày công lao động để làm 02 tuyến đường với tổng chiều dài 3.300m; huy động được 80 ngày công lao động xây dựng nhà họp thôn; vận động 18 hộ xây rãnh dọc đường nội thôn với tổng chiều dài 400m. Ông Hoàng Văn Cầu ở thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố (Pác Nặm) thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân trong thôn, nhất là thanh niên thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình nên trong thôn không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Hay như ông Lục Văn Vui ở thôn Suối Hón, thị trấn Đồng Tâm (Chợ Mới) tích cực vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; đến nay Suối Hón đã được công nhận là thôn nông thôn mới.

Đội ngũ người có uy tín có rất nhiều đóng góp cho cộng đồng, thực sự là "cầu nối" quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể với Nhân dân. Thông qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, đội ngũ người có uy tín đã có nhiều ý kiến đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng, chính quyền ở địa phương.

Người có uy tín đã có đóng góp tích cực vào giữ gìn khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Tích cực, chủ động phối hợp cùng các lực lượng chức năng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở. Nhiều người bằng kinh nghiệm của mình đã chủ động, tham gia giải quyết kịp thời những vướng mắc từ cơ sở, không để hình thành "điểm nóng"; luôn phối hợp với chính quyền để tuyên truyền, vận động Nhân dân đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, không nghe theo những luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu.

Để phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, định hướng nhiệm vụ, nội dung hoạt động, bảo đảm chế độ, chính sách đối với người có uy tín; thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình thời sự chính trị, kinh tế - xã hội cho người có uy tín, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa. Tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức về pháp luật, dân tộc, tôn giáo, an ninh - quốc phòng và những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, chính quyền.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có uy tín theo quy định. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Biểu dương kịp thời những đóng góp và tạo điều kiện thuận lợi để người có uy tín phát huy vai trò của mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội…/.

H.V