Bắc Kạn: Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Trong những năm qua, công tác bình đẳng giới đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả đạt được tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện các mục tiêu liên quan đến bình đẳng giới vẫn còn những mặt hạn chế nhất định. Vẫn còn có sự khác biệt trong các chỉ số phát triển giữa nam và nữ, trong đó phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương, chịu bất bình đẳng kép cả về dân tộc và về giới.

 Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới tại xã Thanh Vận (Chợ Mới).

Thực hiện Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025” và kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện đề án này, Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai cụ thể. Đồng thời, tiến hành khảo sát tại 08/08 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh dựa trên các chỉ tiêu phản ánh mức độ bình đẳng giới như: Chỉ tiêu về quyền lao động, chỉ tiêu về thu nhập của phụ nữ, quyền bảo vệ an ninh và bảo vệ thân thể, quyền sở hữu về tài sản, quyền học tập, quyền tham chính, quyền được tiếp cận các dịch vụ y tế, văn hóa, xã hội…, từ đó lựa chọn 02 xã triển khai xây dựng 02 mô hình điểm là xã Đôn Phong (Bạch Thông) và xã Hoàng Trĩ (Ba Bể).

Trong 02 năm, từ năm 2019 - 2020, tổ chức được 04 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đội ngũ tuyên truyền viên tại cơ sở với gần 200 người tham dự. Tổ chức các hội nghị tuyên truyền trực tiếp tại các thôn thu hút được đông đảo người dân tham dự và nhiệt tình hưởng ứng, ủng hộ. Riêng trong năm 2019 đã tổ chức được 02 hội nghị tuyên truyền với tổng số 200 người tham dự. Cùng với đó, thực hiện cấp phát hàng trăm tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về nội dung bình đẳng giới.

Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và người dân về vấn đề bất bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từng bước nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực giới trong gia đình và cộng đồng. Tăng cường sự gắn kết và quan tâm trực tiếp của lãnh đạo địa phương đối với các vấn đề liên quan tới bình đẳng giới, bạo lực giới.

Tiếp tục thực hiện Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 29/01/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 42/KH-UBND về thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2021. Theo đó, sẽ triển khai 04 nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số, gồm: Duy trì hoạt động của 02 mô hình điểm về bình đẳng giới tại xã Đôn Phong (Bạch Thông) và xã Hoàng Trĩ (Ba Bể); khảo sát nhân rộng 02 mô hình điểm mới; tổ chức 02 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới tại các mô hình điểm mới; biên soạn và phát hành cuốn Sổ tay thúc đẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số.

Các nội dung này đã và đang được Ban Dân tộc tỉnh triển khai thực hiện. Cùng với duy trì hoạt động của 02 mô hình điểm về bình đẳng giới tại xã Đôn Phong (Bạch Thông) và xã Hoàng Trĩ (Ba Bể), đã triển khai 02 mô hình điểm mới tại xã Xuân Lạc (Chợ Đồn) và xã Thanh Vận (Chợ Mới); tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, gồm các chuyên đề: Bình đẳng giới; kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; kỹ năng phát hiện và tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình...

Đồng chí Lường Văn Thảo- Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Vận (Chợ Mới) cho biết: Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, hoạt động bình đẳng giới trên địa bàn trong những năm gần đây có chuyển biến tích cực, nhận thức chung về bình đẳng giới được nâng lên. Việc được chọn thực hiện mô hình điểm về triển khai Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025” trong năm 2021 chắc chắn sẽ góp phần tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới trên địa bàn, tạo tiền đề quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Có thể nói, các hoạt động cụ thể hóa Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025" theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã và đang tạo sự chuyển biến trong nhận thức, từng bước thay đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ nói chung và phụ nữ người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói riêng. Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục phối hợp đẩy mạnh các hoạt động lên quan tới đề án này, nhằm tạo cơ hội, điều kiện cho phụ nữ phát huy được năng lực bản thân, góp phần chung tay thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.../.

Hoàng Vũ