(Mặt trận) -Khai thác lợi thế về điều kiện đất đai, sản phẩm đặc trưng, nhiều hợp tác xã (HTX) tại vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi được thành lập, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa vai trò kinh tế tập thể ở địa bàn này rất cần trợ lực từ phía cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương.
Liên kết sản xuất để giữ nghề
Là xã miền núi duy nhất của huyện Lạng Giang với 56% dân số là đồng bào DTTS, cuộc sống của người dân xã Hương Sơn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Khai thác lợi thế về địa hình, vài năm gần đây, người dân mạnh dạn mở rộng diện tích trồng dứa và chăn nuôi gà thả đồi.
|
Thành viên Hợp tác xã Gà núi Hương Sơn chăm sóc đàn gà chuẩn bị xuất bán dịp cuối năm. |
Đến nay, toàn xã có 100 hộ trồng dứa với khoảng 150 ha, gần hai chục hộ chăn nuôi gà với quy mô 6-10 nghìn con/lứa; các hộ này đều có thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/năm.
Để khai thác thế mạnh này, mở rộng diện tích trồng dứa và nuôi gà, tháng 7/2021, UBND xã định hướng, hỗ trợ các hộ thành lập HTX Dứa sạch Hương Sơn và HTX Gà núi Hương Sơn. Tham gia HTX, các thành viên (chủ yếu là đồng bào DTTS) được hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, được kết nối tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó đầu ra của toàn bộ sản phẩm thuận lợi, giá bán cao hơn so với thị trường.
Bà Vũ Thị Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Sơn nói: “Trước đây, đồng bào phải chở từng chuyến dứa, mang từng lồng gà ra chợ bán thì nay thương nhân đến tận nhà thu mua. Nguyên liệu đầu vào cũng được các đối tác cung ứng, người dân hoàn trả sau khi thu hoạch sản phẩm. Đặc biệt, sau hơn một năm thành lập, sản phẩm dứa sạch Hương Sơn được địa phương lựa chọn tham gia phân hạng OCOP đợt 2 năm 2022 này”.
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, hiện số HTX ở vùng đồng bào DTTS, miền núi trong tỉnh là gần 140 đơn vị, trong đó 50 đơn vị tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn với tổng vốn điều lệ hơn 230 tỷ đồng. Qua đánh giá, các HTX đã khai thác tốt lợi thế, phát triển ổn định và giữ được nghề truyền thống của đồng bào.
Ví như để đáp ứng nhu cầu trồng mới từ 4,5 đến 4,7 nghìn ha rừng mỗi năm trên địa bàn huyện, nhiều hộ dân tại xã Yên Định (Sơn Động) làm vườn ươm giống cây lâm nghiệp. Trước đây, các hộ ươm đều “mạnh ai đấy làm”, nhiều hộ phát triển song cũng không ít trường hợp phải bỏ nghề do không tìm được chỗ đứng.
Được sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, giữa năm nay, HTX Yên Sơn được thành lập với 7 thành viên là những hộ đồng bào DTTS tham gia ươm giống cây trên địa bàn xã. Sau khi thành lập, thành viên HTX thường xuyên trao đổi kỹ thuật, chia sẻ khách hàng để cùng phát triển.
Hay như sau khi được thành lập (năm 2018), HTX Nấu rượu gạo truyền thống Núi Huyền ở thôn Xuân Phú, xã Bắc Lũng (Lục Nam) đã phát triển ổn định, bảo đảm cung ứng ra thị trường hàng trăm lít rượu/ngày.
Bà Nguyễn Thị Lâm, Giám đốc HTX Nấu rượu gạo truyền thống Núi Huyền cho biết: “Trước đây, các hộ chỉ sản xuất bán cho khách tại địa phương, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Từ khi tham gia HTX, các hộ phải tuân theo đúng quy trình sản xuất, đặc biệt phải sử dụng nước từ núi Huyền Đinh, men thuốc bắc và sử dụng củi để nấu. Nhờ đó chất lượng nâng lên, sản phẩm đã được nhiều nhà hàng, khách sạn trong vào ngoài tỉnh đặt mua”.
Trợ lực cho các HTX bứt phá
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, dù số HTX tại vùng DTTS và miền núi được thành lập mới tăng trong những năm gần đây, nhiều HTX đã khẳng định được hướng đi đúng và từng bước lớn mạnh song trên thực tế số lượng, chất lượng các HTX còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Hiệu quả hoạt động của nhiều HTX còn thấp, chưa có sức lan tỏa, chưa tạo sự gắn kết cho thành viên và người dân. Nhiều HTX chưa có kỹ năng xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, chủ yếu tập trung vào các dịch vụ truyền thống, tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, giống, vật nuôi mới vào sản xuất chậm.
|
Trong Chương trình mục tiêu phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Giang dành gần 110 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị cho các HTX, doanh nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và một số hộ không thuộc hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
|
|
Ngành nghề kinh doanh không đa dạng, sản phẩm tạo ra chưa có tính cạnh tranh cao, khó tiêu thụ, sản phẩm sản xuất ra còn mang tính tự phát, chưa được đăng ký nhãn hiệu hàng hoá.
Bà Lục Thị Độ, Giám đốc HTX Yên Sơn, xã Yên Định (Sơn Động) nói: “Do thiếu vốn, công nghệ nên các thành viên HTX vẫn duy trì phương thức thủ công để đóng bầu, vừa tốn nhân công, chất lượng lại không đồng đều. Cùng đó, quá trình hoạt động, chúng tôi còn thiếu nguồn lực, đặc biệt là vốn”.
Nhằm khai thác tối đa lợi thế tại vùng đồng bào DTTS, từ năm 2021, Ban Dân tộc và Liên minh HTX tỉnh có chương trình phối hợp, cùng hỗ trợ, tư vấn, tuyên truyền, vận động thành lập mới các HTX trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; xây dựng một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị.
Phối hợp các hoạt động khởi nghiệp, hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi trên nhu cầu thực tế, tiềm năng và lợi thế vùng.
Trong Chương trình mục tiêu phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Giang dành gần 110 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị cho các HTX, doanh nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và một số hộ không thuộc hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Ông Trần Quang Hùng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Trong giai đoạn 2021-2025, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang hỗ trợ thành lập mới 5-10 HTX tại vùng DTTS và miền núi, đồng thời tạo điều kiện cho các chủ thể tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, để khai thác tốt lợi thế, từng bước nâng cao thu nhập, người dân cũng cần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại; năng động hơn, mạnh dạn hơn trong sản xuất".
Sỹ Quyết