Bắc Giang: Phát huy vai trò của những người uy tín

(Mặt trận) -Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang đã quan tâm phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Qua đó, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang trao giấy chứng nhận người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số cho các cá nhân tiêu biểu.

Hiện nay, toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 522 người có uy tín trong đồng bào DTTS được UBND tỉnh công nhận, tập trung ở các huyện: Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế, Lục Nam, Lạng Giang, Tân Yên. Đội ngũ này đã có những đóng góp quan trọng, là cầu nối gắn kết giữa chính quyền các cấp với nhân dân trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương. Với vai trò của mình, người có uy tín không chỉ là “hạt nhân” tập hợp, đoàn kết nhân dân mà còn trực tiếp góp phần vào sự ổn định, phát triển của vùng sâu, vùng xa, miền núi. Đặc biệt, trong 5 năm qua, người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã tham gia hơn 1 nghìn buổi vận động người dân chung tay xây dựng NTM; trực tiếp vận động hơn 4.000 hộ hiến hàng chục nghìn m2 đất để mở rộng, cứng hóa các tuyến đường.

Tiêu biểu trong số đó là ông Nông Minh Hiên ở bản Tam Kha, xã Xuân Lương, huyện Yên Thế. Từ nhiều năm nay, ông Hiên được bà con nhân dân trong bản tin tưởng bầu là người có uy tín. Từ khi nghỉ hưu, ông cũng tham gia nhiều hoạt động tại địa phương như Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận bản. Qua các công việc tại cơ sở cũng như tiếp xúc với bà con dân bản, ông nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của công cuộc xây dựng NTM tại bản miền núi nhiều khó khăn này. Vì vậy, ông đã tự nguyện hiến 460m2 đất của gia đình để địa phương làm nhà văn hóa.

Với phương châm cán bộ, đảng viên đi trước, làng nước theo sau nên sau khi gia đình hiến đất, ông Hiên đã cùng Chi bộ, Ban Công tác Mặt trận đến vận động các hộ gia đình khác cùng tham gia hiến đất. Do đó, chỉ trong thời gian ngắn, bà con trong bản đã đồng ý hiến 1.450m2 đất để làm nhà văn hóa và đóng góp 125 triệu đồng tiền đối ứng xây dựng công trình. Khi HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về hỗ trợ những xã đặc biệt khó khăn làm đường bê tông, ông Hiên đề xuất với chi bộ và các hộ dân tranh thủ cơ hội tập trung làm đường. Năm 2019, bản Tam Kha đã hoàn thành 100% đường bê tông với chiều dài 3km, nhân dân đối ứng 600 triệu đồng.

Còn bà Tăng Thị Sửu, thôn Xé Mòng, xã Sa Lý, huyện Lục Ngạn cũng là “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền. Trước đây, đời sống khó khăn, tập tục tồn tại một số lạc hậu đã ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con. Để xây dựng nếp sống văn minh, bà Sửu lúc nào cũng như con thoi đi vận động hết nhà này đến nhà khác. Nhờ có sự kiên trì vận động đó mà nhận thức của bà con trong thôn từng bước thay đổi. Đặc biệt, mỗi khi trong thôn có việc hiếu, hỉ bà đều đến nhà động viên, thăm hỏi và giúp gia đình tháo gỡ phần nào khó khăn.

Bà Sửu cho biết, muốn người dân tin và làm theo, gia đình mình phải gương mẫu, kinh tế phải vững bền. Là người có uy tín, bà luôn cố gắng phát huy tốt vai trò trong cộng đồng gương mẫu đi đầu trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa mới.

Ông Vi Thanh Quyền - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang cho biết, trong những năm qua, đại đa số người có uy tín trong đồng bào DTTS đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, gương mẫu đi đầu thực hiện và tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, đội ngũ người có uy tín còn tích cực tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương…

Thực tế cho thấy, người có uy tín đóng vai trò to lớn giúp thay đổi nhận thức cũng như hành động của người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi. Những việc làm của họ đã tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, mang đến nhiều đổi thay ở vùng khó khăn.

PHƯƠNG NGUYÊN