An sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Văn Yên

(Mặt trận) - Với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, các hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn huyện Văn Yên đã đầu tư sản xuất, kinh doanh như: trồng mới và chăm sóc rừng, chăn nuôi trâu, bò, gia súc khác và gia cầm, chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp…

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Yên tổ chức giao dịch tại xã, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn.
Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách tín dụng ưu đãi (TDƯĐ) đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn, huyện Văn Yên đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan của huyện phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện làm tốt việc tuyên truyền, vận động và triển khai kịp thời các chương trình TDƯĐ đối với hộ DTTS trên địa bàn; chỉ đạo UBND các xã rà soát các hộ DTTS đặc biệt khó khăn đủ điều kiện có nhu cầu vay vốn để bình xét, lập danh sách đề nghị UBND huyện phê duyệt làm căn cứ cho NHCSXH tiến hành giải ngân cho vay kịp thời.
NHCSXH huyện phối hợp với Phòng Dân tộc hướng dẫn UBND cấp xã rà soát đối tượng vay vốn, bình xét để lập danh sách các hộ DTTS đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; từ đó, làm cơ sở để giải ngân.
Để giúp nhân dân tiếp cận với nguồn vốn vay, ngoài ưu đãi về mức lãi suất vay, thủ tục, quy trình vay vốn đơn giản, thuận tiện, rõ ràng, NHCSXH còn phục vụ khách hàng tại điểm giao dịch xã đặt tại trụ sở UBND xã và tạo điều kiện cho hộ nghèo, nhất là hộ DTTS đặc biệt khó khăn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thuận lợi nhất.
Bà Lã Thị Liền - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên chia sẻ: Xuất phát từ thực tiễn, công cuộc xóa đói giảm nghèo ở huyện Văn Yên đã và đang đạt được những thành tựu quan trọng. Nhiều địa phương đã ra khỏi Chương trình 135 của Chính phủ; tuy nhiên, vốn chính sách vẫn là nguồn lực quan trọng giúp người dân vươn lên trong cuộc sống. Từ đó, huyện đã kiến nghị với NHCSXH tỉnh và chỉ đạo Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tập trung vào chương trình cho vay đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đây là một chủ trương sát hợp với tình hình thực tiễn, bởi đồng bào DTTS chiếm 50% dân số toàn huyện.
Theo Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Văn Yên, hiện đơn vị đang triển khai thực hiện 14 chương trình TDƯĐ, nguồn vốn TDƯĐ đã đến được 172/172 thôn của 25 xã, thị trấn. Bên cạnh các chương trình cho vay phát triển sản xuất như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn... các chương trình cho vay đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết nhu cầu thiết yếu về đời sống cho người dân được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, đặc biệt là nhóm các chương trình tín dụng dành riêng cho hộ đồng bào DTTS.
Đây là các chương trình ưu đãi đặc biệt nhằm tạo sinh kế, tạo phương thức sản xuất mới gắn với khuyến nông, khuyến lâm, giúp hộ DTTS phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề để ổn định cuộc sống; từ đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng nghèo cũng như ổn định an ninh, chính trị.
Đến 31/12/2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 535.159 triệu đồng, số hộ đang vay vốn tại NHCSXH là 13.671 hộ; trong đó, hộ đồng bào DTTS đang được vay vốn các chương trình TDƯĐ là 7.857 hộ, với số tiền 269.425 triệu đồng, chiếm 57,5% tổng số hộ vay vốn, 50,3% số dư nợ hiện nay, số dư nợ bình quân của hộ DTTS là 34,3 triệu đồng/hộ; chất lượng tín dụng tính đến 31/12/2020 gồm: nợ quá hạn là 387 triệu đồng, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,07% so với tổng dư nợ; nợ khoanh là 45 triệu đồng, tỷ lệ 0,001% so với tổng dư nợ.
Với nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, các hộ DTTS đặc biệt khó khăn đã đầu tư sản xuất, kinh doanh như: trồng mới và chăm sóc rừng, chăn nuôi trâu, bò, gia súc khác và gia cầm, chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp…
Từ việc sử dụng hiệu quả vốn vay, chất lượng cuộc sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Qua đó, đã dần thay đổi nhận thức, tư duy phát triển kinh tế của hộ nghèo và hộ đồng bào DTTS. Việc đầu tư cho sản xuất, kinh doanh cũng đa dạng hơn, kết hợp lấy ngắn nuôi dài, trồng trọt và chăn nuôi; sản xuất gắn với kinh doanh dịch vụ; các hộ vay vốn cũng đã chủ động hơn trong việc huy động nguồn lực để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và không còn trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đây là yếu tố quan trọng góp phần ổn định cuộc sống hàng ngày, đảm bảo có tích luỹ nguồn lực để trả nợ khi đến hạn, vươn lên thoát nghèo...
Tuy nhiên, chương trình cho vay hộ đồng bào DTTS không phải ở đâu, lúc nào cũng thuận lợi. Nguyên nhân chủ yếu là do đồng bào DTTS sinh sống, canh tác tại các vùng có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, cách xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn, những nơi thường xuyên xảy ra thiên tai làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, kết quả sản xuất, dẫn đến rất dễ gây ra rủi ro về tín dụng, ảnh hưởng đến hiệu quả đồng vốn.
Cùng đó, trình độ, dân trí, năng lực canh tác... còn rất nhiều hạn chế và nhiều thời điểm, nhất là hiện nay, lãi suất TDƯĐ còn khá cao so với lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại. Đây là những vấn đề cần được Chính phủ, NHCSXH Việt Nam xem xét, để người dân được hưởng lợi tốt nhất các chương trình TDƯĐ