An Giang: Tiếp sức cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Đa phần học sinh Trường THCS Ô Lâm (xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) là con em đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, có cuộc sống khó khăn, nguy cơ bỏ học giữa chừng cao. Ngoài nguồn lực được phân bổ, nhà trường hỗ trợ điều kiện học tập, tiếp sức cho các em thêm động lực, nuôi dưỡng ước mơ qua từng con chữ.

Chư Prông đầu tư nguồn lực kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

Sức sống mới ở các thôn, làng đồng bào DTTS huyện Sa Thầy

 Học sinh Trường THCS Ô Lâm được trao tặng máy tính bảng phục vụ học tập

Mong muốn học sinh phải được đến trường, không vì chỉ tiêu được giao, mà vì để các em biết chữ, nâng cao dân trí, thầy Chau Mo Ni Sóc Kha (Hiệu trưởng Trường THCS Ô Lâm) cùng tập thể giáo viên đến tận nhà, vận động các em đừng bỏ học. Những em thuộc diện hộ nghèo nhận được sự hỗ trợ từ địa phương thì còn được nhiều nguồn hỗ trợ. Nhưng nếu nhà không có sổ hộ nghèo, các em không nằm trong danh sách được hỗ trợ.

Điển hình như 14 em học sinh ở ấp Phú Lâm (xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn) đang theo học tại trường. Gia đình các em phần lớn từ tỉnh Đồng Tháp sang đây, làm ăn, sinh sống. Đáng lẽ các em học tại xã Lương An Trà, nhưng do vị trí tiếp giáp, khoảng cách từ nhà đến trường gây trở ngại lớn. Vì vậy, các em đến xã Ô Lâm (khoảng 3km) là giải pháp thuận tiện hơn. “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nguy cơ bỏ học của học sinh rất cao. Bình thường đã khó, năm học này lại rơi vào thời điểm dịch bệnh ảnh hưởng. Các em thiếu thiết bị học trực tuyến, nguy cơ bỏ học càng rõ hơn” - thầy Chau Mo Ni Sóc Kha cho biết.

Từ thực tế đó, địa phương, nhà trường cố gắng vận động nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ, tiếp sức cho các em thêm động lực học tập. Từ việc trao học bổng, tập, 40 máy tính bảng của chương trình “Sóng và máy tính cho em”, đến tặng nhu yếu phẩm cần thiết, tất cả góp sức giúp các em học tập, nâng cao học vấn. Ngoài nguồn phân bổ, Trường THCS Ô Lâm vận động xã hội hóa từ nhà hảo tâm, phụ huynh học sinh để kịp thời hỗ trợ 6 điện thoại, máy tính bảng cho học sinh. Máy tính bảng được kèm theo 1 sim điện thoại có kết nối Internet, giúp các em học tập tốt hơn.

Trước đó, Hội Khuyến học xã Ô Lâm vận động tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện trao tặng 75 phần quà cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của nhà trường, với tổng kinh phí gần 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết An Giang trao 9 suất học bổng cho học sinh của trường. Ngoài ra, thầy Chau Mo Ni Sóc Kha còn kết nối với sư cả chùa Preahtheat (xã Ô Lâm) trao 20 phần quà, gồm: Tập, gạo, tiền mặt cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo.

“Đây là nét mới trong hoạt động vận động hỗ trợ học sinh của nhà trường. Do chùa ở gần trường, nên khi chúng tôi đến trao đổi, sư cả hết lòng hỗ trợ. Chùa và nhà trường cùng chăm lo giáo dục cho thế hệ trẻ là điều rất đáng trân quý” - thầy Chau Mo Ni Sóc Kha bày tỏ. Vào ngày 24-1, chùa Preahtheat tiếp tục trao tặng 27 phần quà cho học sinh của trường.

Cô Vanh Ma Lai, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Ô Lâm cho biết, hoạt động tiếp sức cho học sinh có sổ hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn được nhà trường tích cực thực hiện, nhiều sự hỗ trợ đa dạng. Qua đó, giúp đỡ các em học tập online hiệu quả hơn và hỗ trợ lâu dài trong học tập.

"Học sinh được hỗ trợ đa phần là con em đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, hoàn cảnh rất khó khăn nhưng luôn giữ học lực khá, giỏi. Khi được tiếp sức về học bổng, thiết bị phục vụ việc học, tập, gạo… các em đều rất phấn khởi, vui mừng, xem đây là động lực phấn đấu học tập tốt, vượt qua khó khăn. Đây sẽ là động lực phấn đấu cho các em học sinh yếu, trung bình thêm ý chí cố gắng học tập như bạn bè của mình” - cô Vanh Ma Lai thông tin thêm.

ÁNH NGUYÊN