An Giang: Dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Bằng nhiều cách làm linh hoạt, hiệu quả, công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) đã tạo chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Nhân dân thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý, điều hành của nhà nước, tích cực tham gia lao động, xây dựng quê hương.

Hướng Hóa tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đa dạng chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Yên Lập

Diện mạo mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận

Điểm sáng trong công tác dân vận

Tri Tôn là huyện miền núi, biên giới, dân tộc, đa tôn giáo. Dân số toàn huyện hơn 134.700 người, gồm 4 dân tộc chính là Kinh, Khmer, Hoa, Chăm. Trong đó, đồng bào DTTS Khmer chiếm hơn 34%. Với đặc thù là huyện có nhiều dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội riêng, đã tạo nên tính đa dạng và phong phú trong không gian văn hóa chung.

Những năm qua, huyện Tri Tôn đã triển khai, thực hiện một số chính sách nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình là hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống...

Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện; bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn; khối đại đoàn kết các dân tộc thêm thắt chặt; lòng tin của đồng bào đối với Đảng, nhà nước được giữ vững. Có được kết quả trên là nhờ công tác dân vận được triển khai hiệu quả trong thời gian qua.

 Công tác dân vận góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Điển hình tại Ô Lâm, địa phương được đánh giá là “điểm sáng” trong công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS của huyện Tri Tôn. Với hơn 97,4% dân số là đồng bào DTTS Khmer sinh sống, công tác dân vận luôn được Đảng ủy xã đặc biệt chú trọng.

Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng khối Dân vận xã Ô Lâm Phạm Thị Kiều Oanh cho biết, công tác tuyên truyền có những định hướng khác nhau; tùy vào nội dung tuyên truyền mà đối tượng hướng đến cũng khác nhau. Trong đó, tập trung lựa chọn sư sãi trong các chùa, những người có uy tín, người có tiếng nói trong địa bàn dân cư để có sức thuyết phục hơn.

Ngoài ra, địa phương còn sử dụng các kênh phát thanh, lồng ghép vào các sự kiện để phát huy hiệu quả tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền phải cô đọng, khái quát bằng tiếng Khmer. Ngoài tuyên truyền các chủ trương, chính sách, trong các đợt cao điểm: Tết Nguyên đán, Tết Chol Chnam Thmay, lễ Sen Dolta... địa phương  còn vận động sư sãi trong các chùa tuyên truyền người dân đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương...

“Thành công nhất trong công tác dân vận của địa phương là tuyên truyền, vận động đồng bào làm đường nông thôn. Đến nay, trên địa bàn xã có nhiều công trình được xây dựng do nhân dân đóng góp. Trong đó, công trình đường vào ấp Phước Thọ, được xây dựng với tổng kinh phí 300 triệu đồng. Toàn bộ kinh phí do nhân dân đóng góp”- bà Oanh thông tin.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Ô Lâm nhấn mạnh, công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS Khmer có nhiều điểm khác biệt so những địa phương khác. Thay vì thông báo bà con đến trụ sở chính quyền, cán bộ xã trực tiếp xuống địa bàn dân cư để tuyên truyền. Nhờ việc gặp gỡ thân tình mà công tác tuyên truyền phát huy hiệu quả hơn, người dân tiếp thu dễ dàng hơn. Tuy nhiên, do địa bàn dân cư nằm rải rác nên biện pháp này mất nhiều thời gian, công sức của cán bộ làm công tác tuyên truyền.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức và hành động của đồng bào DTTS được nâng lên rõ rệt. Người dân tích cực học tập, phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo; nâng cao tinh thần cảnh giác, giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng. Hoạt động của các tôn giáo trên địa bàn ổn định, tuân thủ pháp luật, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước…

Theo Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Tri Tôn Huỳnh Thị Cúc, công tác dân vận trong đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn. Một số cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chưa coi trọng công tác tuyên truyền. Một số còn trông chờ ưu đãi của nhà nước, chưa phát huy sáng tạo nên hiệu quả tuyên truyền, vận động các phong trào chưa cao

Mặt khác, nội dung, hình thức tuyên truyền chưa thật sự đổi mới, sâu sát, thấu hiểu với đồng bào. Trong khi đó, các phần tử xấu và thế lực thù địch lợi dụng những khó khăn về kinh tế và sự thiếu hiểu biết của bà con để mua chuộc, xúi giục, gây mất an ninh trật tự địa phương…

Để công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thật sự có hiệu quả, thời gian tới, Ban Dân vận Huyện ủy Tri Tôn sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai và thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc. Phát huy hơn nữa vai trò người có uy tín, các vị chức sắc, lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động người dân...

Tiếp tục nâng cao chất lượng tuyên truyền, chú trọng đổi mới nội dung, cách thức tuyên truyền đối với từng đối tượng theo hướng ngắn, gọn, dễ hiểu, dễ làm; lựa chọn những vấn đề sát với đời sống, sản xuất và giải quyết các vấn đề bức xúc của đồng bào. Tiếp tục tuyên truyền khơi dậy tính tự lực, tự cường của đồng bào trong việc phát triển kinh tế gia đình; xây dựng, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới”...  Đồng thời, xây dựng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào DTTS vững mạnh, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của đồng bào, có khả năng làm thay đổi, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào…

ĐỨC TOÀN