An Giang chăm lo, phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(Mặt trận) -Giai đoạn 2021-2030, An Giang tiếp tục ưu tiên phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); khai thác tốt tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế so sánh của vùng, bảo vệ môi trường và không gian sinh sống của đồng bào DTTS.

Phú Yên: Đẩy mạnh hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, đất ở, đất sản xuất

Đức Cơ nỗ lực giúp người nghèo an cư

Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ninh

 Thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

 Chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng không chỉ hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, mà còn phát huy các giá trị truyền thống quý báu của từng dân tộc, của mỗi thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, tạo thành sức mạnh tổng hợp. Đó là cơ sở để thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách dân tộc của Đảng, là động lực mạnh mẽ của tiến trình phát triển đất nước hiện nay.

Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược của chính sách đoàn kết các dân tộc trên cơ sở “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”. Giai đoạn 2021-2030, An Giang phấn đấu rút ngắn khoảng cách về mức thu nhập giữa vùng đồng bào DTTS so với vùng phát triển; giảm dần số xã, ấp đặc biệt khó khăn, cải thiện rõ rệt đời sống và nâng cao sinh kế của nhân dân, chú trọng thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (KTXH) đồng bộ, kết nối với các vùng phát triển.

Đẩy mạnh phát triển đồng bộ lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS (bao gồm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS). Xóa bỏ dần hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, đồng thời bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp đặc trưng của các dân tộc. Tập trung xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Bên cạnh đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 7%/năm. Năng suất lao động xã hội vùng đồng bào DTTS tăng bình quân 6,5%/năm. Thu nhập bình quân người DTTS bằng 1/2 bình quân chung của cả tỉnh; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2%. Cơ bản không còn xã, ấp đặc biệt khó khăn; trên 90% xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuổi thọ trung bình người DTTS đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Trên 90% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế. Giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi xuống dưới 15%. Tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt 35-40%, trong đó ít nhất 50% là lao động nữ. Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn vùng đồng bào DTTS, hàng năm thu hút 3% lao động sang làm việc ngành, nghề: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ...

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, để đạt các mục tiêu trên, thời gian tới, tỉnh tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào DTTS; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng, đặc thù của vùng đồng bào DTTS, hướng tới phát triển bền vững và thúc đẩy tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào DTTS trong phát triển KTXH, giảm nghèo nhanh, bền vững và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Đồng thời, tập trung phát triển nguồn nhân lực; phát triển đồng bộ hạ tầng thiết yếu, phục vụ sinh hoạt, sản xuất, giao thương, tăng cường kết nối thị trường, lưu thông hàng hóa bảo đảm yêu cầu phát triển KTXH của các địa phương vùng đồng bào DTTS. Trong đó, ưu tiên phát triển hệ thống giao thông đường bộ liên tỉnh, liên huyện, kết nối với hệ thống đường bộ quốc gia, kết nối liên vùng và liên thông vận tải với nước bạn có chung đường biên giới. Phát triển mạnh hạ tầng kinh tế số, đẩy mạnh chuyển đổi số vùng đồng bào DTTS; xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia về dân tộc phục vụ công tác quản lý, điều hành, chỉ đạo của cơ quan chức năng.

Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ; khuyến khích khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, đổi mới, sáng tạo, phát minh, sáng chế phù hợp điều kiện đặc thù của vùng đồng bào DTTS. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân vùng đồng bào DTTS; tăng cường đồng thuận xã hội; củng cố lòng tin của đồng bào DTTS với Đảng và nhà nước.

THU THẢO