An Giang chăm lo đời sống đồng bào dân tộc

(Mặt trận) -Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách đầu tư, hỗ trợ nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh An Giang từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3-4%/năm; tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Gia Lai thăm, chúc mừng các cơ sở Công giáo và Tin lành nhân dịp lễ Phục sinh năm 2024

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Yên thăm các tổ chức Công giáo, Tin Lành nhân lễ Phục sinh 2024

Ủy ban MTTQ Tây Ninh thăm, chúc mừng lễ Phục sinh 2024

 Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng thăm, tặng quà chúc mừng Tết Roya Haji của đồng bào dân tộc Chăm

An Giang có 38 xã thuộc khu vực vùng DTTS và miền núi, ở huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn và TX. Tân Châu. Toàn tỉnh có 20.074 hộ nghèo (tỷ lệ 3,81%) và 31.046 hộ cận nghèo (tỷ lệ 5,89%), trong đó có 3.969 hộ nghèo DTTS (chiếm 14,51% tổng số hộ DTTS) và 1.871 hộ cận nghèo DTTS (chiếm 6,84%).

Ban Dân tộc tỉnh An Giang cho biết, thực hiện Chương trình dân tộc (2001-2003), tỉnh đã giải quyết về đất đai, tổ chức lại sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hỗ trợ vốn và hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường cán bộ cho cơ sở… Qua đó, đã cấp 2.471ha đất sản xuất cho 4.580 hộ DTTS Khmer, tương ứng số tiền 73 tỷ đồng; cho 117 hộ Khmer vay vốn, số tiền 525 triệu đồng để chuộc 38ha đất.

Về đất ở và nhà ở, đã cấp 900 căn, quy hoạch bố trí tái định cư cho 2.400 hộ ở 9 xã thuộc huyện Tri Tôn và 1.940 hộ ở 9 xã thuộc huyện Tịnh Biên để bà con DTTS Khmer vào sinh sống được thuận lợi. Về nước sinh hoạt, tỉnh đã đầu tư kinh phí gần 4,7 tỷ đồng để xây dựng trên địa bàn huyện miền núi Tri Tôn, Tịnh Biên 5 hệ thống cấp nước, 170 giếng khoan tay, 17 tuyến ống phân phối.

Tỉnh còn tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) vùng đồng bào DTTS Khmer, thực hiện tốt các chương trình đầu tư. Đối với Chương trình 135, tổng vốn đầu tư 262,2 tỷ đồng, đầu tư trên 300 công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, trung tâm cụm xã. Tỉnh thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt, giải quyết việc làm, di dân thực hiện định canh, định cư, vay vốn sản xuất ưu đãi cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn.

Với tổng kinh phí hơn 287,2 tỷ đồng, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 5.420 căn nhà và 73 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại  huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và An Phú, giúp 3.395 hộ DTTS nghèo thụ hưởng; hỗ trợ đất ở cho 1.891 hộ, dạy nghề cho 7.680 lao động; hỗ trợ vốn vay chuyển đổi nghề cho 8.016 lao động, mua máy móc nông cụ 197 hộ; hỗ trợ cho lao động đi làm việc ngoài tỉnh là 1.516 người; cho vay để chăn nuôi, buôn bán nhỏ, khung định suất cao nhất 5 triệu đồng/hộ (có 501 hộ ở các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, An Phú vay vốn)...

An Giang còn quan tâm hỗ trợ trực tiếp cho 185.447 người nghèo của 5 huyện, thị xã với số tiền trên 15,17 tỷ đồng, giúp bà con cải thiện một phần khó khăn trong đời sống; hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng và hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo với 55.105 lượt hộ, trong đó có 17.970 hộ DTTS với tổng số tiền trên 4,47 tỷ đồng; đã đầu tư hỗ trợ cho 18 xã của 5 huyện, thị xã biên giới xây dựng kết cấu hạ tầng các xã tuyến biên giới, bình quân mỗi xã đầu tư 500 triệu đồng.

Tỉnh đã đầu tư xây dựng trạm bơm điện và hệ thống thủy lợi vùng cao ở huyện Tri Tôn, Tịnh Biên với kinh phí trên 50 tỷ đồng, đưa vào hoạt động các trạm bơm điện công suất lớn, như: Trạm bơm 3/2 ở xã An Cư, Vĩnh Trung, Văn Giáo (huyện Tịnh Biên); trạm bơm xã Lê Trì, Châu Lăng, An Tức của huyện Tri Tôn, giúp bà con chủ động trong việc bơm tưới.

Thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KTXH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020, An Giang đã hỗ trợ 250 hộ có nhu cầu về đất ở của các huyện An Phú (42 hộ), Tri Tôn (99 hộ), Tịnh Biên (110 hộ) với tổng kinh phí 7,5 tỷ đồng. Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 19 hộ tại huyện Tịnh Biên, tổng kinh phí 28,5 triệu đồng. Hỗ trợ 648 bồn chứa nước dung tích 1.000 lít cho 648 hộ đồng bào DTTS nghèo tại các huyện: An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Thoại Sơn, TX. Tân Châu, tổng kinh phí 972 triệu đồng. Hỗ trợ vốn vay chuyển đổi nghề 12,2 tỷ đồng cho 372 hộ huyện Tri Tôn, Tịnh Biên.

Trong đầu tư phát triển KTXH, tỉnh An Giang luôn quan tâm đến vùng đồng bào DTTS, như đầu tư các cụm, tuyến dân cư vượt lũ nhằm sắp xếp, bố trí cho hộ dân có nơi ở ổn định. Hoạt động tín dụng phục vụ thực hiện chính sách được đảm bảo, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn, sử vốn đúng mục đích, hiệu quả.

Thông qua các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào DTTS đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, bộ mặt nông thôn có bước thay đổi, nhiều hộ được cấp nhà ở, đất ở, được hỗ trợ vốn, vay vốn tập trung phát triển sản xuất, mức sống của đồng bào DTTS trên địa bàn An Giang ngày càng được nâng cao. Nhiều hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, số hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh dần được cải thiện.

Đến nay, các tuyến đường chính vùng DTTS đều được bê-tông, nhựa hóa; 100% xã đã có đường giao thông cho xe cơ giới từ trung tâm huyện đến xã. Vào mùa khô, những khu vực trước đây không đủ nước tưới nay nhờ có hệ thống thủy lợi vùng cao, một số vùng bà con nông dân có thể sản xuất lúa từ 1 vụ/năm lên 3 vụ/năm, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS trên địa bàn An Giang.

HẠNH CHÂU