(Mặt trận) - Đóng góp vào cuộc chiến đẩy lùi dịch COVID-19, để có được sự bình yên hôm nay, là sự góp sức không nhỏ của những tình nguyện viên tôn giáo, trong đó có các tăng, ni, cư sỹ Phật giáo trên tuyến đầu và cả những sự trợ giúp to lớn ở tuyến sau…
|
Các tình nguyện viên Phật giáo tại lễ xuất quân hỗ trợ y bác sỹ tại Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu COVID-19. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN |
Từ "cởi áo cà sa khoác chiến bào" đến phong trào "cởi áo cà sa khoác blouse trắng"
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều người con Phật đã rời bỏ thiền môn, tòng quân cứu nước. Bao lớp nhà sư "cởi áo cà sa khoác chiến bào" đã trở thành hình ảnh hùng tráng của Phật giáo Việt Nam gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.
Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 cũng vậy, một lần nữa, tinh thần nhập thế, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam lại hiển hiện với phong trào "cởi áo cà sa khoác blouse trắng", như lời Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ "khi đất nước có giặc ngoại xâm, tăng ni cởi cà sa mặc áo bào cùng đánh đuổi quân xâm lăng. Khi có thiên tai, tăng ni, phật tử khắp mọi miền tới những nơi bị ảnh hưởng để hỗ trợ người dân. Thời dịch bệnh, tăng ni cởi cà sa, khoác áo blouse, cùng xông pha vào nơi tuyến đầu chống dịch".
Ngày 22/7, khi đại dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh bước vào thời kỳ căng thẳng nhất, sư cô Thích nữ Nhuận Bình - tu sĩ Tu viện Tâm Không (Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) cùng 299 tình nguyện viên tôn giáo khác lên đường đến các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 ở Thành phố. Sư cô được phân công chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 12, thành phố Thủ Đức.
"Tại bệnh viện dã chiến, cứ sau bữa cơm chiều, các bệnh nhân thường ra đứng ngoài cửa sổ để được giao lưu với mọi người. Họ tâm sự, có khi la hét rất lớn, bởi họ quá căng thẳng khi nhìn bệnh nhân khác sáng vẫn ăn uống bình thường, vẫn gọi video về cho gia đình, tới trưa đã trở nặng, khó thở, nếu không được cấp cứu kịp thời là mất rất nhanh. Nhất là gia đình nào có nhiều người dương tính, nhưng mỗi người lại được đưa đi điều trị ở một bệnh viện khác nhau, thì sự căng thẳng càng lớn bởi họ lo lắng cho nhau", sư cô Thích Nữ Nhuận Bình chia sẻ.
Bao nhiêu ngày tham gia chống dịch ở Bệnh viện Dã chiến là bấy nhiêu ngày sư cô phải chứng kiến những nỗi đau quặn thắt, sự lo lắng, sợ hãi, suy sụp tinh thần của những bệnh nhân COVID-19 nơi đây. Mong manh giữa lằn ranh sinh tử, thiếu vắng người thân ở bên, có người chịu hợp tác với y, bác sỹ, hộ lý, nhưng cũng có người tuyệt vọng, buông xuôi, bất hợp tác. Hiểu được nỗi đau về thể xác và tinh thần mà mỗi bệnh nhân đang phải gánh chịu, không chỉ dừng lại ở việc tiêm thuốc, đo các chỉ số sinh tồn, phục vụ người bệnh, sư cô còn dành thời gian thăm hỏi, động viên, cổ vũ tinh thần họ lạc quan hơn, kiên trì chiến đấu với tật bệnh, sớm hồi phục sức khỏe để trở về với gia đình.
Có những khi trắng đêm chăm sóc bệnh nhân, đôi tay đã nhăn nheo, khuôn mặt hằn sâu do mang đồ bảo hộ, thậm chí có những lúc ngột ngạt, thiếu oxy, nhưng sư cô vẫn tâm niệm cố gắng hết sức, làm bằng tất cả tấm lòng chân tình, tâm thế dịu dàng nhất có thể để bệnh nhân được thoải mái, được an ủi, không cảm thấy lo lắng và tủi thân. Chia sẻ được với những khó khăn của bệnh nhân là niềm hạnh phúc nhất của sư cô.
Sư cô Thích nữ Nhuận Bình chỉ là một trong số hàng ngàn chức sắc, tín đồ, tình nguyện viên tôn giáo tham gia vào tuyến đầu chống dịch, hỗ trợ nhân dân các khu cách ly phong tỏa. Tại tâm điểm của đợt dịch, hưởng ứng lời kêu gọi của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, đã có 600 tăng, ni, phật tử xuất quân và có mặt tại các bệnh viện dã chiến. Bên cạnh đó là biết bao việc làm thấm đẫm tinh thần "từ bi", "bác ái" của đồng bào Phật giáo trong mùa dịch với những bữa cơm yêu thương trong vùng tâm dịch, hỗ trợ an táng những người qua đời vì đại dịch, siêu thị không đồng, ATM oxy tại các cơ sở thờ tự, cùng nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế đã được Giáo hội các cấp quyên góp ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Những thành tựu ích đạo, lợi đời
|
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận 10 xe cứu thương do Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố và các nhà hảo tâm trao tặng (2021). Ảnh: Xuân Khu/TTXVN |
Vì mục đích cứu khổ, độ sinh của đạo Phật, từ ngày thành lập, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn quan tâm đến việc vận động cứu trợ nhân đạo, góp một phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Giáo hội hiện có trên 150 Tuệ Tĩnh đường, 655 phòng chẩn trị Y học Dân tộc, 01 phòng khám Đa khoa đang hoạt động có hiệu quả, khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân.
Phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, thiết thân cùng xã hội, hiện hữu trong lòng dân tộc, quyết tâm giữ vững tinh thần độc lập dân tộc, phụng sự chúng sinh là cúng dường Chư Phật, đồng thời, để phát huy vai trò thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện hữu hiệu phương châm hoạt động của Giáo hội "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", các thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp, tăng ni và phật tử cả nước đã tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào ích nước lợi dân, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi sinh, môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng nếp sống văn hóa trên địa bàn khu dân cư, tham gia tích cực vào phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vận động tăng ni, tín đồ phật tử ở trong và ngoài nước đóng góp nhân tài, vật lực và tham gia có hiệu quả định hướng xã hội hóa các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo và các hoạt động xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trên cả nước. Hàng năm, số tiền Giáo hội Phật giáo Việt Nam huy động dành cho các hoạt động cứu trợ, an sinh xã hội lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Số liệu báo cáo tổng kết công tác Phật sự năm 2020 cho thấy, tổng số tiền từ thiện Giáo hội đã thực hiện lên đến 2.439 tỷ đồng.
Theo Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, đại dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam từ cuối năm 2019 đến nay, Giáo hội đã có nhiều thông bạch vận động Ban Trị sự các tỉnh, thành phố, tăng ni, phật tử các tự viện tích cực tham gia phòng, chống dịch, đóng góp nguồn lực cho Quỹ vaccine và Quỹ phòng, chống dịch COVID-19, mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc cho bệnh nhân... trị giá gần 1.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, Giáo hội còn thực hiện công tác cứu trợ quốc tế như cứu trợ nhân dân các nước Đông Nam Á bị sóng thần, đồng bào vùng Đông Bắc Nhật Bản bị động đất và sóng thần, động đất tại Népal. Gần đây nhất, trong làn sóng đại dịch COVID-19 tại Ấn Độ, Giáo hội đã ủng hộ hàng trăm máy thở, máy tạo oxy và vật tư y tế cho đồng bào Ấn Độ trong công tác phòng, chống dịch.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết, trong mỗi giai đoạn lịch sử, dù có những thăng trầm, nhưng mạng mạch Phật giáo luôn gắn với vận mệnh dân tộc. Phật giáo cũng luôn thể hiện là một tôn giáo yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, xứng đáng với sự tôn vinh là một tôn giáo có truyền thống hộ quốc, an dân. Trong suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Lịch sử Phật giáo Việt Nam càng vẻ vang khi các bậc danh tăng với hạnh Bồ tát đã mang đạo hạnh và trí tuệ của mình phò vua, giúp nước.
Hình ảnh tu sỹ Phật giáo cởi áo cà sa khoác áo lính trong cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, hay những tăng ni, phật tử trong màu áo blouse trắng nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19 là những hình ảnh cao đẹp, minh chứng sinh động cho lý tưởng phụng sự chúng sinh, đồng nguyện đồng hành của Phật giáo Việt Nam với dân tộc Việt Nam. Đó cũng chính là việc hiện thực hóa đường hướng "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội" để góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Chu Thanh Vân