Vị trí, vai trò của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư qua các kỳ Đại hội MTTQ Việt Nam

(Mặt trận) - Trải qua gần 50 năm hình thành và phát triển, căn cứ chức năng, nhiệm vụ hoạt động của mình, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đã góp phần to lớn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, vận động nhân dân chấp hành và thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập hợp quần chúng vào các tổ chức xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn dân cư và cả nước.

MTTQ Việt Nam chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Xoá nhà tạm, nhà dột nát: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt đại biểu tham dự Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022  

Theo số liệu thống kê, năm 2022, cả nước có gần 11.000 Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và hơn 90.000 Trưởng ban Công tác Mặt trận. Cơ cấu của Ban Công tác Mặt trận bao gồm: Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, phường, thị trấn cư trú tại các thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, đại diện chi ủy, những người đứng đầu của chi đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ, chi hội nông dân,  chi hội cựu chiến binh, chi hội người cao tuổi, chi hội chữ thập đỏ, một số cá nhân tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân, trong các tôn giáo, dân tộc,... cư trú, hoạt động, công tác ở khu dân cư.

Ban Công tác Mặt trận qua các kỳ Đại hội

Sau Đại hội Mặt trận toàn quốc lần thứ I (02-1977) tuy Điều lệ MTTQ Việt Nam chưa đặt ra về việc xây dựng tổ chức “liền kề” - dưới Ủy ban Mặt trận cơ sở, nhưng do yêu cầu khách quan của thực tiễn hoạt động, đã từng bước hình thành một loại hình thức tổ chức mới là Mặt trận xã và tương đương (gọi chung là cấp cơ sở). Thời gian sau, tổ chức này chính thức được thành lập trên phạm vi cả nước. Đây là những tổ chức tiền đề, có phương thức hoạt động phong phú, đa dạng và là cơ sở để hình thành mạng lưới công tác Mặt trận rộng khắp cả nước những năm tiếp theo.

Đến Đại hội Mặt trận toàn quốc lần thứ II (5-1983), Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thông qua Điều lệ, trong đó quy định: “Tuỳ tình hình cụ thể ở từng địa phương, theo sự hướng dẫn của Ủy ban Mặt trận cấp tỉnh hoặc thành phố và Ủy ban Mặt trận cấp huyện, quận, Ủy ban Mặt trận xã, phường, thị trấn có thể áp dụng những hình thức tổ chức linh hoạt để tập hợp, đoàn kết và động viên các tầng lớp nhân dân trong các khu vực dân cư” để cùng nhau tạo ra cuộc sống mới. Đây là lần đầu tiên Điều lệ MTTQ Việt Nam chính thức đề cập đến tổ chức liền kề dưới cấp cơ sở. Từ quy định trên, ngày 21-10-1983, Ban Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (khoá II) đã ra Thông tri số 12-TT/BTK hướng dẫn chi tiết về tổ chức và hoạt động để các cấp có căn cứ thực hiện. Sau một thời gian hoạt động, để sát hơn với tình hình cơ sở, ngày 01-3-1985, Ban Thư ký tiếp tục có Công văn số 18/MTTQVN hướng dẫn bổ sung hoàn chỉnh và cụ thể một số nội dung sau cho các địa phương để thực hiện trong quá trình tổ chức xây dựng mạng lưới hoạt động ở cơ sở. Đây là những văn bản đầu tiên hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của tổ chức Mặt trận liền kề cấp cơ sở đầy đủ nhất, chi tiết nhất, làm cơ sở cho việc tiến hành xây dựng mạng lưới công tác Mặt trận được triển khai ở hầu hết các địa phương trong cả nước.

Sau gần 10 năm triển khai xây dựng tổ chức mạng lưới hoạt động ở cơ sở, tại Đại hội toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ  III (11-1988) đã quy định cụ thể về việc thành lập Ban Công tác Mặt trận, theo đó: “Thành lập các Ban công tác Mặt trận khu vực (cụm, khóm, đường phố, thôn, xóm, ấp, bản, buôn, làng…) trong xã, phường, thị trấn để giúp Ủy ban Mặt trận xã, phường, thị trấn tiếp xúc rộng rãi với mọi người dân, đến với từng gia đình”. Đây là dấu mốc quan trọng trong việc xác định rõ những nơi tổ chức Ban Công tác Mặt trận. Ngày 18-6-1991, Ban Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ra Thông tri số 06 TT/MTTW hướng dẫn việc thành lập các Ban Công tác Mặt trận và tiếp tục khẳng định: Ban Công tác Mặt trận không phải là một cấp Mặt trận mà là mạng lưới công tác, một phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở. Để tiếp tục củng cố, phát huy vai trò vị trí của Mặt trận cơ sở và hoàn thiện tổ chức, hoạt động của Ban Công tác Mặt trận, từ năm 1989 đến năm 1992, Ban Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (khoá III) đã tập trung chỉ đạo việc tổng kết xây dựng tổ chức và hoạt động của Mặt trận cấp xã, phường; qua đó để tổng kết, đúc rút kinh nghiệm việc xây dựng tổ chức và hoạt động của Mặt trận cấp cơ sở, trong đó có vấn đề xây dựng tổ chức và hoạt động của Ban Công tác Mặt trận.

Phát huy những thành quả đã đạt được về việc xây dựng tổ chức Mặt trận cấp cơ sở và mạng lưới công tác Mặt trận, tại Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IV (nhiệm kỳ 1994-1999) quy định: “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn tổ chức mạng lưới Ban hoặc Tổ công tác Mặt trận ở từng thôn, bản, buôn, làng, cụm dân cư nhằm tiếp xúc với từng hộ gia đình và mọi công dân”. Điểm mới trong Điều lệ MTTQ tại đại hội lần này là đã quy định việc thành lập Ban hoặc Tổ Công tác Mặt trận tại cụm dân cư. Ngày 30-9-1995, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ra văn bản hướng dẫn thi hành Điều lệ số 311/MTTW, trong đó quy định về thành phần, số lượng, phạm vi hoạt động của Ban Công tác và Tổ Công tác Mặt trận. Riêng về Tổ Công tác Mặt trận được quy định cho từng cụm dân cư từ 10 đến 15 hộ sống liền kề nhau và chỉ áp dụng cho những nơi địa dư quá rộng, bản thân các thành viên trong Ban Công tác Mặt trận không thể tiếp xúc trực tiếp được với từng hộ gia đình, từng người dân thì mới thành lập các tổ để cùng cộng tác với các thành viên trong Ban Công tác Mặt trận ở thôn, ấp, bản… mình để tiếp cận trực tiếp được với người dân.

Kế thừa và phát huy những kinh nghiệm đã có trong hoạt động của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp cơ sở và Ban công tác Mặt trận trên địa bàn dân cư trong nhiều năm, hội nghị Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 2 (khoá IV) đã quyết định mở cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”. Ngày 03/5/1995 Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra thông tri số 04/TT/MTTW hướng dẫn triển khai cuộc vận vận động; trong đó năm nội dung  chủ yếu của cuộc vận động  là sự kế thừa, bổ sung và nâng cao từ những nội dung hoạt động của Ban công tác Mặt trận ở địa bàn dân cư đã được đúc rút từ  trước đến nay.

Nhiệm kỳ Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ V (nhiệm kỳ 1999-2004) quy định thêm việc thành lập tại ấp, bản, khu phố, cộng đồng dân cư, cụ thể: “Ban Công tác Mặt trận được tổ chức ở thôn, làng, ấp, bản, khu phố, cộng đồng dân cư khác ở cơ sở, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn ra quyết định thành lập”. Đại hội VI (nhiệm kỳ 2004-2009), quy định tổ chức thêm tại buôn, phum, sóc và gọi chung là khu dân cư: “Ban Công tác Mặt trận được thành lập ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, khu phố (gọi chung là khu dân cư)”. Từ đây tổ chức của Ban Công tác Mặt trận được hình thành rộng khắp ở hầu hết các vùng miền, khu vực… trong cả nước.

 

Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ IX  

Đến Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ VII (nhiệm kỳ 2009-2014) quy định thêm về tổ chức Ban Công tác Mặt trận ở khối phố, cụ thể: “Ban Công tác Mặt trận được thành lập ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố... (gọi chung là khu dân cư)”. Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2014-2019) quy định tổ chức thêm ở tổ dân phố và thời gian nhiệm kỳ: Ban Công tác Mặt trận được thành lập ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố... (gọi chung là khu dân cư), có nhiệm kỳ là 5 (năm) năm. Như vậy, đến Đại hội VIII, lần đầu tiên về nhiệm kỳ của Ban Công tác Mặt trận đã được quy định cụ thể về mặt thời gian.

Đặc biệt, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, tại mục 3, điều 6 nêu rõ: “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã thành lập Ban công tác Mặt trận ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (sau đây gọi chung là khu dân cư). Tổ chức và hoạt động của Ban Công tác Mặt trận do Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định”. Từ đây, việc tổ chức Ban Công tác Mặt trận đã được pháp luật quy định cụ thể.

Tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ IX (nhiệm kỳ 2019-2024) quy định về Ban Công tác Mặt trận so với Điều lệ đề ra tại Đại hội lần thứ VIII không thay đổi về hình thức nhưng có sự thay đổi về thời gian nhiệm kỳ, đã rút ngắn thời gian còn một nửa so với Đại hội lần thứ VIII.: Ban Công tác Mặt trận được thành lập ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố ... (gọi chung là khu dân cư) có nhiệm kỳ là hai năm rưỡi. Như vậy, có thể thấy, quan điểm của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về việc tổ chức Ban Công tác Mặt trận nói chung đã có sự thay đổi qua qua từng thời kỳ, theo hướng ngày càng sát hơn với thực tiễn tổ chức và hoạt động theo mô hình tổ chức của chính quyền và cơ sở.

Vai trò của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư trong giai đoạn hiện nay

Các đồng chí Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với đại biểu tham dự Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022  

Trải qua gần 50 năm hình thành và phát triển, căn cứ chức năng, nhiệm vụ hoạt động, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đã góp phần to lớn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, vận động nhân dân chấp hành và thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập hợp quần chúng vào các tổ chức xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn dân cư và cả nước.

Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đã phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tổ chức công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ban Công tác Mặt trận vận động nhân dân đoàn kết, phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, xây dựng quy ước, hương ước, nếp sống văn hoá.

Ban Công tác Mặt trận khu dân cư đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội điển hình như: Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”; cuộc vận động “Toàn xây đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế”; phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Xây dựng người cán bộ Mặt trận gần dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, thực hiện tốt nội dung “Rèn luyện tư cách người cán bộ Mặt trận”…

Trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Ban Công tác Mặt trận thường xuyên phát động nhân dân trong khu dân cư tham gia quét dọn, thu gom rác thải, phát quang cây bụi ven đường, khơi thông cống rãnh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm gắn với các mô hình “Ngày thứ bẩy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, mô hình “Sạch đường, sáng ngõ, sạch đồng”, mô hình đoạn đường tự quản... vận động nhân dân hiến đất làm đường, các công trình công cộng, trồng hoa dọc các trục đường liên thôn, khuôn viên các nhà văn hóa, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Trong thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Ban Công tác Mặt trận đã vận động các tầng lớp nhân dân ủng hộ bằng tiền, vật liệu xây dựng, công lao động trị giá hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ các hộ nghèo xây nhà đại đoàn kết, sửa chữa nhà dột nát... Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đã vận động các tầng lớp nhân dân tích cực phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, giúp nhau xoá đói giảm nghèo; động viên nhân dân phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tình làng nghĩa xóm giúp đỡ nhau về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất để phát triển sản xuất, góp phần giảm nhanh hộ nghèo, tăng hộ khá giả, hộ giàu.

Hội thảo khoa học "Giải pháp nâng cao chất lượng, hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư giai đoạn hiện nay" 

Ban Công tác Mặt trận còn làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, duy trì và phát huy hoạt động của Ban An ninh trật tự, Tổ liên gia tự quản với các hộ gia đình tham gia. Tuyên truyền, vận động nhân dân các khu dân cư lắp bóng điện thắp sáng đường làng, ngõ xóm, góp phần quan trọng vào công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở.

Hằng năm, vào dịp ngày 18-11, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” gắn với Ngày Pháp luật, các khu dân cư tổ chức “Bữa cơm đại đoàn kết” qua đó đã tăng thêm tình cảm gắn bó trong cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng đời sống văn hóa.

Với chức năng giám sát và phản biện xã hội được quy định trong Hiến pháp, các Quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Luật MTTQ Việt Nam, trong những năm qua Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã triển khai mạnh mẽ các chương trình giám sát, phản biện từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao vị thế, vai trò, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam. Từ năm 2013 đến năm 2021, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và một số tổ chức thành viên ở Trung ương đã tổ chức được 92 cuộc giám sát, 12 cuộc phản biện trên phạm vi toàn quốc. Ở cấp tỉnh đã tổ chức được 3.140 cuộc giám sát, 1.137 cuộc phản biện. Ở cấp huyện đã tổ chức được 21.833 cuộc giám sát, 6.876 cuộc phản biện. Ở cấp xã đã tổ chức được 137.573.436 cuộc giám sát và 38.343 cuộc phản biện. Qua công tác giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận và các đoàn thể đã có nhiều kiến nghị, đề xuất quan trọng với các cơ quan Đảng, Nhà nước góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách đáp ứng nguyện vọng các tầng lớp nhân dân. Quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy, giúp cho cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện tốt hơn phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Nhằm ghi nhận những thành tựu, sự đóng góp của các điển hình tiêu biểu với công tác Mặt trận, ngày 26-11-2022, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trao thưởng Bằng khen cho 236 điển hình là Chủ tịch MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu giai đoạn 2017-2022 đến từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là những tấm gương điển hình có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân để xây dựng và củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; vận động nhân dân thi đua học tập, lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước.

TS. Ngô Hoàng Nam - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam;

ThS. Nguyễn Thanh Minh - Trung tâm BDCB và NCKH Mặt trận Tổ quốc Việt Nam