(Mặt trận) - Sáng 30/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì Diễn đàn Chính sách quốc gia về thanh niên với chủ đề “Đào tạo nghề cho thanh niên” (Diễn đàn Thanh niên 2022). Diễn đàn do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam tổ chức.
|
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu tham dự Diễn đàn |
Tham dự diễn đàn có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng; Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (TNCS Hồ Chí Minh), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn.
Cùng dự có: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy cùng Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo UBND một số địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các tổ chức quốc tế, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu…
|
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn |
Đẩy mạnh đào tạo nghề cho thanh niên, gắn với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao sáng kiến tổ chức diễn đàn chính sách quốc gia về thanh niên với nội dung ý nghĩa, thiết thực; thông qua Diễn đàn sẽ có được bức tranh tổng thể về thực trạng, cơ hội, thách thức đối với công tác đào tạo nghề cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay và thống nhất về quan điểm, định hướng, giải pháp trong thời gian tới.
Trong những năm qua, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách để thanh niên trở thành lực lượng hùng hậu, trung thành, kế tục sự nghiệp cách mạng vinh quang của Đảng và dân tộc. Quốc hội đã thông qua Luật Thanh niên, Luật Giáo dục nghề nghiệp... Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược phát triển Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và nhiều chương trình, đề án, tạo cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, phát huy sức trẻ, trí tuệ, sự sáng tạo của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước phổ cập nghề cho thanh niên.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, thực tiễn còn đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết như: tỷ lệ thanh niên có kỹ năng nghề chỉ có 19% so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước là 24,1%; lao động trong thanh niên chưa qua đào tạo nghề còn cao, nhất là thanh niên nông thôn chưa tiếp cận được nhiều thông tin đào tạo nghề, cơ hội tìm kiếm việc làm sau đào tạo còn hạn chế; cơ cấu đào tạo còn bất hợp lý về trình độ, ngành nghề, vùng miền, tâm lý thanh niên; một số ngành nghề, kỹ năng của người học chưa phù hợp hoặc chưa đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động; dự báo về nhu cầu lao động thanh niên chưa thực sự sát với nhu cầu thị trường lao động và doanh nghiệp; đào tạo nghề nghiệp cho thanh niên yếu thế, người dân tộc thiểu số, phụ nữ chưa được quan tâm đúng mức…
Bên cạnh đó, do tác động nặng nề của dịch Covid-19 dẫn đến nhiều thanh niên mất việc làm hoặc phải chuyển đổi nghề nghiệp; số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, trong đó tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%, tăng 0,54% so với năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 8,48%, tăng 0,52%; sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều đột phá về công nghệ dẫn tới chuyển dịch cơ cấu lao động, các hệ thống tự động dần thay thế lao động thủ công, ảnh hưởng đến việc làm của lao động kỹ năng.
Trên cơ sở Diễn đàn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, địa phương nghiên cứu có những giải pháp hiệu quả, chuyển các ý tưởng, lời nói thành hành động, kết quả cụ thể nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai thực hiện thật tốt và giám sát thực hiện về đào tạo nghề cho thanh niên; đồng thời nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ ban hành những giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, những chính sách đột phá để đẩy mạnh đào tạo nghề cho thanh niên, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
|
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn phát biểu khai mạc Diễn đàn |
Trong phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, Diễn đàn là hoạt động tiếp nối những nỗ lực và ưu tiên của Quốc hội, Chính phủ trong chủ trương duy trì, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp và người dân nói chung, thanh niên Việt Nam nói riêng. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam tin tưởng, Diễn đàn sẽ góp phần nâng cao nhận thức của thanh niên và toàn xã hội về chính sách đào tạo nghề, cung cấp cho Quốc hội, Chính phủ các cơ sở thực tiễn trong quá trình hoạch định, xây dựng chính sách cho thanh niên ngày càng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: tác động của đại dịch Covid - 19 và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với công tác đào tạo nghề và tương lai việc làm cho thanh niên; thông tin chính sách và kinh nghiệm của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị nhằm chăm lo, hỗ trợ thanh niên trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên; xác định các hệ giá trị và hành trang để thanh niên tự tin, thích nghi, thích ứng trong nghề nghiệp, việc làm; những khuyến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ xây dựng các chính sách phù hợp để hỗ trợ thanh niên trong đào tạo nghề, xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao.
Diễn đàn cũng đã trực tiếp lắng nghe ý kiến của đại diện các nhóm thanh niên cả nước trao đổi về những vấn đề được thế hệ trẻ quan tâm như: đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số; chuẩn hóa lực lượng lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế; định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong đào tạo nghề cho thanh niên…
Ưu tiên ban hành cơ chế, chính sách phổ cập nghề cho thanh niên
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn |
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thanh niên không chỉ là chủ nhân tương lai của đất nước mà còn là rường cột của nước nhà, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong 5 năm qua, giáo dục nghề nghiệp cho thanh niên ở nước ta đã có những tiến bộ đáng ghi nhận. Khẳng định điều này, song Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh chúng ta không vội hài lòng với kết quả đạt được mà cần nhìn thẳng vào những mặt hạn chế, tồn tại trong giáo dục nghề nghiệp. Nhằm nâng cao hiệu quả, chất của hoạt động dạy nghề trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng, các trường dạy nghề cần triển khai liên thông giáo dục nghề nghiệp với giáo dục văn hóa; tiến tới cởi bỏ quy định phải tốt nghiệp trung học phổ thông mới vào được cao đẳng. Quan tâm tới công tác hướng nghiệp, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp ngay từ bậc học Trung học phổ thông; thậm chí, cần giáo dục lý tưởng, đạo đức nghề nghiệp ngay từ cấp Trung học cơ sở. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, trong thời đại ngày này, việc học tập không chỉ hướng tới phục vụ xây dựng, phát triển đất nước mà hướng tới công dân toàn cầu.
Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, Diễn đàn đã thành công tốt đẹp. Thay mặt Ban tổ chức tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành chỉ thị về đổi mới, tăng cường công tác đào tạo nghề trong tình hình mới. Đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo rà soát các luật có liên quan như Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục, Luật Việc làm, Luật Thanh niên…; bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật, chính sách tạo thuận lợi cho việc đào tạo nghề. Ưu tiên ban hành cơ chế, chính sách phổ cập nghề cho thanh niên. Rà soát, điều chỉnh ban hành cơ chế, trong đó có các chính sách miễn giảm học phí cho thanh niên học nghề; chính sách về đào tạo, đào tạo lại cho thanh niên. Có cơ chế để lồng ghép các hoạt động đào tạo nghề cho thanh niên trong các Chương trình mục tiêu quốc gia thuộc thẩm quyền phê duyệt, quyết định của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, ưu tiên phát triển giáo dục nghề nghiệp, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, góp phần thực hiện đột phá chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
|
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự Diễn đàn |
|
Nhân dịp Tháng Thanh niên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tặng bó hoa tươi thắm cho đại diện Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh |
Theo Đại biểu Nhân dân