Những cán bộ cơ sở gần dân, sát dân trong đại dịch

(Mặt trận) - Họ là các cán bộ cơ sở, những người gần dân, hiểu rõ hoàn cảnh dân nhất. Trong số họ, có người đã lớn tuổi nhưng vẫn miệt mài “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, đồng hành cùng dân vượt qua đại dịch.

MTTQ Việt Nam chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Xoá nhà tạm, nhà dột nát: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa

 Có mặt tại điểm test từ rất sớm, ông Dương Phước Trà tranh thủ hướng dẫn người dân làm thủ tục để nhận trợ cấp trong mùa dịch

Nỗ lực giữ vững “vùng xanh”

8 giờ sáng, điểm test trong khu phố 4, phường Tương Bình Hiệp (TP.Thủ Dầu Một), mới bắt đầu làm việc nhưng từ 7 giờ, người dân đã thấy hình ảnh người bí thư chi bộ có mái tóc bạc xuất hiện cùng các tình nguyện viên sắp xếp mặt bằng, chuẩn bị để test sàng lọc cho người dân. Ngay từ những ngày đầu đợt dịch, ông Dương Phước Trà, Bí thư Chi bộ khu phố 4, luôn cần mẫn với chiếc loa di động đi xe gắn máy, chạy vòng quanh khu phố để kịp thời tuyên truyền đến với các hộ dân những thông tin cần thiết trong công tác phòng, chống dịch. Có những ngày, ông lại rong ruổi trên chiếc xe máy để chở hàng, phân phát rau củ quả cho các hộ dân trong khu. Có ngày, ông tham gia trực chốt từ 6 giờ sáng, tới 18 giờ mới về nhà…

Bám sát tinh thần “chống dịch như chống giặc”, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, ông Trà luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu tích cực tuyên truyền về phòng, chống dịch. Qua đó, giúp người dân hiểu, đồng thuận và chấp hành các quy định phòng chống dịch, khu phố đã giữ vững “vùng xanh”, không có người bị nhiễm bệnh trong một khoảng thời gian dài.

Mới đây, TP.Thủ Dầu Một nới lỏng giãn cách, các chốt chặn liên khu phố được tháo gỡ. Buổi sáng ngày tháo chốt, tới trưa ông Trà bất ngờ nhận được thông tin có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong khu phố 4 từ 1 đám tang. Sau khi nhận được thông báo trong khu phố có trường hợp F0, ông Trà đã cùng các thành viên trong Tổ Covid cộng đồng vận động, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch, yêu cầu khai báo y tế, kê khai nhân khẩu theo từng tổ, nắm danh sách những người thuộc diện F1, F2; đồng thời giám sát, phát hiện các trường hợp nghi nhiễm để có biện pháp can thiệp kịp thời.

Ông luôn dành nhiều thời gian tiếp nhận và trả lời, giải đáp trực tiếp những thắc mắc, lo lắng của người dân. “Đây cũng là một bài học mà chúng tôi rút ra trong công tác phòng, chống dịch. Không thể lơ là một phút giây nào. Tình hình dịch bệnh rất nguy hiểm, vì vậy sau khi có ca nhiễm đầu tiên, khu phố đã kết hợp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của phường truy vết thần tốc, chậm ngày nào thì nguy cơ cho chính mình, cho khu dân cư của mình càng lớn chừng đó. Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được khống chế”, ông Trà chia sẻ.

35 năm tham gia công tác ở khu phố, 16 năm làm Bí thư Chi bộ khu phố, nhân dân trong khu phố thường nhắc đến ông Trà bằng niềm tin yêu, bởi ông là một cán bộ gương mẫu, trách nhiệm, nhiệt tình với nhân dân.

Cái tình đến kịp lúc

Chiều tối, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Quang Dy, Trưởng ban Điều hành khu phố 6, phường Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một) khi ông vừa tham gia hỗ trợ test sàng lọc cho 400 người dân xong. Trong niềm vui, ông Dy thông báo: “Hôm nay không có ca nào dương tính hết”. Giúp mỗi người dân, mình phải là một “lá chắn”, đó là suy nghĩ của ông Dy khi nói về công tác tham gia phòng, chống dịch của mình ở địa phương. Ông Dy cũng xác định sự chung sức, đồng lòng của mỗi người dân là yếu tố then chốt để đẩy lùi dịch bệnh.

74 tuổi, ở cái tuổi mà nhiều người đã tranh thủ nghỉ dưỡng, nhưng ông Dy lại lao đi chống dịch, đối mặt với biết bao hiểm nguy. Hàng ngày, ông phải thường xuyên tiếp xúc, đối mặt với nguy cơ lây nhiễm. Ai cũng có gia đình, ai cũng muốn mình phải an toàn, khỏe mạnh nhưng người trưởng khu này còn mang thêm trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội. Trong đợt dịch này, khu phố 6 có tất cả khoảng 30 ca F0, có 2 ca mất do căn bệnh này gây ra. Nhằm chia sẻvới những mất mát to lớn của gia đình có người thân qua đời do dịch Covid-19, ông Dy cùng các ban, ngành, đoàn thể trong khu phố vận động trao tặng mỗi nhà hơn 30 triệu đồng nhằm động viên họ vượt qua mất mát, đau thương.

Theo chân ông Dy len lỏi vào các con hẻm mới thấy được sự sâu sát và sự vất vả của người trưởng khu “vác tù và hàng tổng”. Khi có chỉ đạo của phường về việc lập danh sách để chi hỗ trợ người dân gặp khó khăn, không ngại ngày hay đêm, ông đi đến từng nhà, hỏi từng người, bảo đảm mọi người thuộc diện hỗ trợ đều có tên trong danh sách.

Khi nhắc đến gia đình ông Nguyễn Quang Dy, người dân trong vùng còn dành những lời khen ngợi đến người “y tá thôn”, đồng hành cùng ông trong mùa dịch này, đó là bà Nguyễn Thị Lan, vợ ông Dy. Từng công tác trong ngành quân y, sau khi nghỉ hưu, bà Lan về địa phương làm y tá, tổ trưởng tổ dân phố cùng cộng tác viên dân số. Những ngày dịch bệnh căng thẳng, bà Lan tất bật đến từng khu phong tỏa, khu cách ly phối hợp với Trạm Y tế phường để đưa F0 đi cách ly, điều trị mặc dù bà đang có bệnh nền. “Vợ chồng chúng tôi cũng muốn nghỉ ngơi rồi nhưng vì cộng đồng nên cứ động viên nhau ráng thêm xíu”, ông Dy nói.