(Mặt trận) - Đợt mưa lũ lịch sử khiến toàn tỉnh Lào Cai bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề, địa phương nào cũng gặp khó khăn, cơ cực bởi lũ, trong đó có các xã vùng cao Bát Xát.
|
Một hộ dân làm nhà bên tỉnh lộ 156 kịp di chuyển tới nơi trú ẩn trước khi lũ lớn tràn về. Ảnh: A Pìn. |
Ngày 11/9...
Chúng tôi có mặt tại trung tâm huyện Bát Xát từ sáng sớm với dự định tới một địa bàn vùng cao để phản ánh đời sống đồng bào bị ảnh hưởng thiên tai. Thời điểm này thông tin vẫn bị gián đoạn ở nhiều nơi, tình hình ở một số xã ra sao bên ngoài chưa nắm bắt được, thậm chí một số đoàn công tác của huyện, của tỉnh người cũng chưa thể trở về, liên lạc cũng bị cắt đứt.
|
Một người bị thương được cõng qua điểm sạt lở trên tỉnh lộ 156. |
Về giao thông, tỉnh lộ 156 tắc lớn ngay Km2 xã Bản Vược, lối đi Mường Hum, trong khi hướng đi A Mú Sung vừa thông đoạn Trịnh Tường thì có thêm điểm sạt lở tại xã Cốc Mỳ dù lúc này trời đang tạnh ráo.
Tại điểm tắc đường Km2, xã Bản Vược tỉnh lộ 156, những người đang đứng đây đều có lý do cấp thiết và có điểm chung sự mòn mỏi, thẫn thờ. Cuộc hội thoại ngắn của chúng tôi có câu trả lời là người đang chờ trở về nhà chịu tang người thân mất bởi bão lũ, kẻ muốn trở về nhà vì liên lạc với gia đình chưa thể kết nối, cô giáo, cán bộ mong trở lại cơ quan, trường học sau bão lũ. Ở chiều ngược lại là những người đang chờ chở người bị thương, bị ốm tới bệnh viện, người đi mua thuốc chữa bệnh, mua lương thực, nhu yếu phẩm...
|
Nỗ lực giải phóng các điểm sạt lở trên tỉnh lộ 156. |
|
Lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo giải phóng các điểm sạt lở, đảm bảo sớm lưu thông các phương tiện tại vùng cao Bát Xát. |
Đúng 11 giờ. Điểm sạt lở chính thức được giải phóng đủ cho các phương tiện qua lại ở mức tối thiểu. Vội nhưng từ hai đầu mọi người lưu thông một cách trật tự, ý thức, nhường cho người ốm, bị thương, cho xe chở người cao tuổi, trẻ em qua trước, tiếp đó tránh đường cho xe công vụ...
|
Một xe máy cố gắng vượt qua điểm sạt lở trong bùn đất nhão nhoét trên tỉnh lộ 156. |
Xe máy của chúng tôi tiếp tục vượt qua hàng trăm điểm sạt lở đầy đất đá, bùn đất trên tỉnh lộ 156 lúc này đã được máy, thiết bị huy động tại chỗ san gạt tạm. Sau hơn 1 giờ chúng tôi cũng đã vượt qua quãng đường dài hơn 8km để tới được điểm sạt trượt tại thôn Lâm Tiến, xã Mường Vi. Tại đây, các phương tiện cơ giới như máy xúc, máy ủi, máy xúc lật đang nỗ lực giải phóng hàng trăm m3 đất đá, cây que chặn ngang hướng đi. Hình ảnh phóng viên có được là đồng chí Nguyễn Trọng Hài, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo UBND huyện Bát Xát đang đeo ủng, lội bùn ra tận nơi trực tiếp chỉ đạo việc thi công giải phóng điểm sạt lở.
|
Đoàn giáo viên tạm rời xã Pa Cheo để về nhà sau 1 tuần bị tắc lại trường học trong điều kiện thiếu thốn nhiều thứ. |
Thôn Lâm Tiến vốn an bình là thế, dân cư ổn định là thế nhưng từ hôm trước đến nay là không khí tang thương đang bao trùm. Dưới một mái nhà bên tỉnh lộ 156, toàn bộ 3 người gồm bố, mẹ và con trai đang trong cơn giấc nồng đã bị một lượng lớn đất đá vùi lấp. Đoàn người đưa tang lặng lẽ trở về qua điểm đang san gạt đã phải đưa tay lên bịt mũi vì đúng lúc này máy xúc cuốc phải xác một chú ngựa đang kỳ phân hủy lẫn trong bùn đất.
Vùng cao trời tối rất nhanh, lúc này trời lại có mưa, không thể chờ đợi thêm, chúng tôi chỉ còn cách men theo tuyến đường nội đồng để tới xã tiếp theo là Bản Xèo. Ông Tẩn Láo San, Bí thư Đảng ủy xã Bản Xèo tiếp chúng tôi bằng một tin khái quát: “Bản Xèo chỉ có một người bị thương nhẹ nhưng đến giờ vẫn bị chia cắt với các thôn, nặng nhất là Cán Tỷ và San Lùng”.
|
Một cán bộ Công ty Quản lý đường bộ đi nắm tình hình giao thông tại xã Bản Xèo. |
Đêm vùng cao ngày hậu lũ không dành cho những người “yếu tim”. Thi thoảng có âm thanh ì ầm giống như tiếng sấm, tiếng nổ mìn trên lưng núi. Âm thanh đó đến từ nhiều hướng, lúc xa, lúc gần, khi dài, khi ngắn. Trong căn phòng công vụ hẹp xếp 4 giường 2 tầng tôi hỏi một cán bộ cơ sở: “Tiếng gì đấy em!?”. “À, đá lăn, đất lở anh ạ. Sau lũ còn sạt lở nhiều” - trả lời. Tôi bỗng thấy như có đàn kiến đang đốt vào hai bàn chân giữa đêm muộn.
|
Một người dân ở Cán Tỷ sau một buổi sáng thức dậy bỗng thấy góc nhà bị tụt sâu, nhà bỗng nhiên bên miệng vực. |
Ngày 12/9...
6 giờ 15 phút. Thường trực Đảng ủy, UBND xã Bản Xèo tổ chức cuộc họp giao ban toàn cơ quan sớm hơn thường lệ để bàn nhiệm vụ duy nhất: Chia tổ công tác tỏa đến các thôn hỗ trợ người dân khắc phục bão, lũ. Yêu cầu với các tổ công tác là nêu cao tính chủ động, “Làm vì dân, chỉ vì dân thì không sợ làm sai”, Bí thư Đảng ủy xã Tẩn Láo San nhấn mạnh.
|
Nam, phụ, lão, ấu xã Bản Xèo cùng nhau giải phóng đường liên thôn bị đất đá sạt lở, chèn lấp. |
7 giờ 40 phút. Các tổ công tác của xã lên đường, cánh phóng viên chúng tôi theo một tổ tới thôn Cán Tỷ, thôn bị chia cắt nặng nhất, thôn nghèo, xa xôi, có độ cao nhất của Bản Xèo. Tổ công tác gồm cán bộ văn phòng, Bí thư Đoàn xã, một cán bộ công an xã, phía huyện có ông Phạm Tất Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy, cán bộ được Huyện ủy phân công giúp đỡ xã Bản Xèo.
Thôn Cán Tỷ có 72 hộ thì có 38 hộ nghèo, 24 hộ cận nghèo, các hộ nằm rải rác khắp các lưng núi. Thật may mắn đợt lũ vừa qua ngoài thiệt hại về nhà cửa, hoa màu thôn không có thương vong. Một số hộ phải di chuyển đến ở tạm nhà văn hóa thôn, khi nhà văn hóa này sụt lún, nứt, nghiêng về hướng miệng vực thì các hộ lại trở về nhà của mình, nơi có nguy cơ thấp hơn.
|
Nhà văn hóa thôn Cán Tỷ, nơi nhiều hộ dân lánh nạn cũng bị sụt lún. |
Mặt trời đứng bóng, bóng mây đen kéo đến từ hướng Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, đã bắt đầu có mưa lắc rắc sau một buổi sáng yên ả. Trong đoàn người đang lần xuống dốc từ hướng xã Pa Cheo tôi để ý một phụ nữ đang mang thai, một tay ôm bụng bầu, tay chống gậy tránh bị ngã khi cố gắng vượt qua những ụ đất đá chắn ngang đường.
|
Cô giáo Cao Thanh Huyền cười trong đẫm nước mắt khi gặp lại người thân sau cơn bĩ cực. |
Đó là cô giáo Cao Thanh Huyền, giáo viên Trường Mầm non xã Pa Cheo. Cô Huyền chờ sau ngày khai giảng năm học mới sẽ làm thủ tục nghỉ chế độ thai sản nhưng phải đến ngày 12/9, tức là sau dự kiến 1 tuần mới có thể trở về nhà ở phường Pom Hán, thành phố Lào Cai để chờ sinh. Chồng cô Huyền đi làm ăn xa, bị cắt liên lạc, nên khi đường thông, chỉ có bố và em trai của cô đi đón. Dù không hẹn trước nhưng họ đã gặp nhau ngay tại thôn Cán Tỷ trong nước mắt mừng vui. Cô Huyền vừa trải qua gần 4 giờ đi bộ, leo dốc, vượt qua thách thức lớn nhất của tự nhiên.
|
Người dân xã Pa Cheo đi bộ hơn 2 giờ ra xã Bản Xèo để nhận hàng cứu trợ. |
Trong lúc này, đoàn người từ xã Pa Cheo tới thôn Cán Tỷ chờ nhận hàng cứu trợ ngày một dài hơn. Tôi hỏi thanh niên Hầu A Mình, 25 tuổi, thôn Tả Lèng, xã Pa Cheo 25 tuổi: “Em mong điều gì từ đồ tiếp tế, cứu trợ?”. “Sạt lở đất nên nhà em dỡ mất rồi, mưa làm ướt hết thóc, ngô dự trữ. Mấy hôm cả nhà đi ăn nhờ người nhà, anh em. Em mong nhận được gạo, mì tôm, cái gì có thể ăn thay cơm được trong ít ngày”, Mình nói.
Trên cung đường tỉnh 155 từ ngã ba Cán Tỷ tới lối rẽ vào xã Pa Cheo là minh chứng rõ nhất cơn cuồng nộ của tự nhiên. Đó là những mảng khoét sâu vào lòng đường từ phía taluy âm, rồi những mảng, khối khổng lồ, những núi đất, đá, bùn nhão, cây, que sừng sững chặn ngang tuyến đường. Gần thủy điện Cán Tỷ, một vết trượt cắt ngang mặt đường, lõm sâu cả chục mét, rộng cả trăm mét thành một vết chém lớn cắt đôi tỉnh lộ 155. Đến như ống dẫn nước cao áp bằng siêu thép của nhà máy thủy điện to cỡ 3 người ôm, dày mấy cm bị lũ bẻ nát, cong queo như một gọng cỏ may đủ thấy sức mạnh của lũ đến mức nào.
|
Người dân xã Pa Cheo đi bộ hơn 2 giờ ra xã Bản Xèo để nhận hàng cứu trợ. |
16 giờ 30 phút. Chúng tôi có mặt ở Pa Cheo sau mấy tiếng bộ hành, lúc này một vài tốp đi nhận hàng cứu trợ cũng vừa trở về trung tâm từ xã. Hàng cứu trợ được ưu tiên phân phát ngay cho các hộ bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa bão, những hộ mất nhà, phải chuyển nhà, hộ có nguy cơ cao thiếu đói.
“Mưa lũ làm Pa Cheo trở lại đủ 4 không. Không điện, không nước, không đường giao thông, không sóng điện thoại. Trưa nay còn 2 không, không nước, không đường, mà chưa biết đến khi nào mới có trở lại”, ông Trần Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Pa Cheo thông tin.
Mưa lũ đã phá hủy toàn bộ các công trình cấp nước của các thôn, trong đó có công trình cấp nước cho trung tâm xã. “Hơn 400 học sinh bán trú của 2 trường, chỉ có 2 giếng khoan, đầu tuần các cháu sẽ đến trường, cán bộ không thể tranh nước của học sinh được. Hiện chúng tôi chưa có phương án tạm thời nào khả thi hơn”, ông Thắng nói.
|
Đường lên vùng cao Bát Xát sau ngày bão lũ. |
|
Nhiều đoạn đường bị lõm sâu bề mặt. |
|
Ống áp lực làm bằng siêu thép bị bẻ cong vì lũ. |
Ngày 13/9...
Dù không có dấu hiệu của nắng, nhưng vừng đông hửng sáng từ rất sớm. Từ trung tâm xã Pa Cheo nhìn về phía nam, dải mây trắng ngần vắt ngang sườn núi như dải buộc. Phía trên cao là 5 đỉnh Ngũ Chỉ Sơn thon dài như như 5 ngón tay, buổi sáng trời trong trông thật gần như có thể chạm tay tới.
Tôi và Phó bí thư Thường trực Đảng ủy tới thôn vùng cao Tả Lèng để thăm các hộ bị ảnh hưởng bởi lũ dữ. Hôm bắt đầu mưa lớn, trưởng thôn Vàng A Chớ đã lên đỉnh núi sau lưng thôn kiểm tra. Một vết trượt, hố nứt lớn kéo dài đang rộng ra trông thấy bằng mắt thường. Không còn nghi ngờ gì nữa, cú lao mình xuống dốc để báo cho dân bản đã mang lại kết quả tích cực. Sau vài giờ di chuyển các hộ trong diện nguy cơ, đến cuối chiều 9/9 ngọn núi như một que kem đang tan chảy, đất bắt đầu lở, sền sệt trôi xuống kéo đổ, san lấp mọi thứ.
|
... và rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. |
Anh Trang A Phưng chỉ vào núi đất đá và cây que ngổn ngang mà bảo: “Nhà mình hôm trước ở chỗ đó. Giờ thì tối ra nhà văn hóa ngủ, vợ, con mỗi người ngủ nhờ một nơi”. Thôn Tả Lèng có hơn 200 hộ dân, hơn 20 hộ đã không thể ở nhà của mình từ ngày 9/9, trong đó có 6 hộ phải dỡ nhà, diện thuộc vùng nguy cơ phải di chuyển lên đến hơn 40 hộ.
Gia đình anh Vàng A Tùng, sinh năm 1988, nhà có 6 khẩu, ngày 13/9 vẫn phải ở nhờ lớp học điểm trường tiểu học Tả Lèng. Ngày 16/9 học sinh trở lại lớp học, bản thân anh Tùng chưa biết tìm gia đình nào để nương nhờ. Ngay gian bên cạnh, vợ của anh Hầu A Mình sắp đến ngày sinh em bé (con thứ 2) nhưng đã 4 đêm phải nằm chiếu trải dưới nền lớp học vì nhà đã dỡ.
|
Một gia đình tại thôn Tả Lèng phải ở nhờ trường lớp học. |
Tranh thủ trước giờ xã họp giao ban, tôi trò chuyện với điển hình làm kinh tế của xã Pa Cheo, anh Sùng A Sài, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh. Anh Sài là người nuôi cá tầm, cá hồi đầu tiên ở xã nghèo. Học tập anh nay có thêm 4 hộ khác thành công. Vậy nhưng chỉ sau một đêm, ảnh hưởng của hoàn lưu bão Yagi đã khiến anh Sài trắng tay, thậm chí còn rơi cảnh nợ nần.
Bí thư Đảng ủy xã Đỗ Đức Chiến cho hay: Xã có 591 hộ thì có 329 hộ diện nghèo (chiếm 56%), hộ cận nghèo cũng đang chiếm con số rất lớn, tỷ lệ hộ nghèo của xã đang cao nhất tỉnh Lào Cai. “Thiên tai có thể làm cho nhiều hộ ở Pa Cheo hóa nghèo trở lại, nghèo lại nghèo thêm”, Bí thư Đảng ủy xã Pa Cheo trăn trở.
|
Một đoàn xe cứu trợ chở hàng tới vùng cao Bát Xát sau khi đường thông suốt. |
Cuối ngày 13/9, chúng tôi trở về thành phố từ xã Pa Cheo khi trong lòng vẫn còn bộn bề, ngổn ngang về hình ảnh xã nghèo nhất tỉnh. Sáng 14/9, thêm một tin không vui với Pa Cheo là trước đó, ngày 13/9, UBND huyện Bát Xát đã ban hành Quyết định đình chỉ công tác đối với Chủ tịch UBND xã, ông Lý A Khoa vì có dấu hiệu: “Cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm”.
Ở chiều ngược lại, vào cuối chiều 14/9 tin vui đến với huyện Bát Xát là cung đường tỉnh 156, đường tỉnh 158 bao quanh vòng cung các xã vùng cao sẽ thông đoạn cuối tại xã A Lù vào khoảng 20 giờ cùng ngày. Tin vui cũng xin khép lại thông tin trang nhật ký của phóng viên viết các điểm cô lập, chia cắt ở vùng cao Bát Xát.
Theo Báo Lào Cai