Nghĩa tình trao nhau giữa mùa dịch

(Mặt trận) - Những ngày này, TP. Hà Nội đang bước vào thời kỳ cao điểm phòng, chống dịch COVID-19. Dịch bệnh quả thật nguy hiểm, nhưng lạ thay, ngay trong lúc dịch căng thẳng nhất thì tình người lại trỗi dậy hơn bao giờ hết.

MTTQ Việt Nam chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Xoá nhà tạm, nhà dột nát: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa

Những suất cơm gửi đến người dân có hoản cảnh khó khăn. Ảnh: Diệu Anh 
Những điểm tựa để cùng nhau vượt qua đại dịch

Lời hiệu triệu “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh” đang lan tỏa rộng khắp ở nhiều nơi. Mỗi người đang đồng tâm, dồn sức, đồng lòng cùng Đảng và Nhà nước quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chống lại đại dịch toàn cầu. Đây cũng là điểm tựa để một lần nữa tin tưởng rằng, dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi trong thời gian tới.

Bởi vậy, hằng ngày, hằng giờ trên các con đường, các ngõ nhỏ hay giữa trung tâm Thành phố xuất hiện nhiều hành động giúp đỡ, sẻ chia đong đầy yêu thương từ những suất cơm, thùng nước miễn phí trên đường đến những siêu thị 0 đồng, xe buýt 0 đồng…Qua đó, chăm lo vật chất, tinh thần cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, người dân trong khu vực phong tỏa và lực lượng làm công tác tuyến đầu phòng chống dịch, tạo nên sự lan tỏa tích cực trong xã hội.

Là một trong những phường trên địa bàn quận Đống Đa hiện đang có 2 điểm phong toả, Phó Chủ tịch UBND phường Văn Chương Nguyễn Thị Thanh Bình cho biết, trên địa bàn phường hiện có 2 điểm đang bị cách ly với 32 hộ dân sinh sống tại ngách 139 ngõ Văn Chương và ngách 51 Linh Quang. Để hỗ trợ đời sống của các hộ dân trong 2 khu vực phong toả trên, những ngày qua phường đã cung cấp lương thực thiết yếu cho 18 hộ dân (mỗi hộ gồm 5kg gạo, 1 chai dầu ăn, 1 chai nước mắm, 20 quả trứng, 1 túi mì, 1 hộp khẩu trang).

Trong khi đó, là phường có ca F0 liên quan đến điểm dịch Nhà thuốc Đức Tâm (số 95 Láng Hạ), hiện phường Trung Liệt đang tổ chức lập chốt cách ly tại ngách 53/252 phố Tây Sơn. Mới đây, ngày 25/7, Chủ tịch UBND phường Trung Liệt Nguyễn Thao Hùng đã thay mặt Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ, Trạm Y tế phường kịp thời trao nhu yếu phẩm tới các hộ khó khăn đang chấp hành quyết định phong toả tại ngách 53/252 phố Tây Sơn gồm: Mỳ tôm, gạo, rau, củ quả…

Còn tại quận Ba Đình, bà Phạm Thị Diễm, Phó Chủ tịch UBND quận cho biết, quận đã có nhiều việc làm thiết thực để giúp đỡ, chia sẻ với những người lao động, người yếu thế gặp khó khăn do dịch COVID-19. Với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau” cùng đạo lý “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rác”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, UBND quận đã chỉ đạo các cấp, ngành vào cuộc để chăm lo gia đình chính sách, người nghèo, người yếu thế trên địa bàn trong thời điểm bùng phát dịch.

Riêng đối với phong trào, việc làm ủng hộ người nghèo, người yếu thể do dịch COVID-19, UBND quận chỉ đạo các đoàn thể, chính quyền các phường cần có những việc làm thực chất, chân tình. Nhờ đó, việc “đi chợ giúp dân” cho những hộ bị cách ly, già yếu, neo đơn được thực hiện; trao tặng nhu yếu phẩm cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn với “Bữa cơm ấm lòng” được triển khai. Đặc biệt, thời gian qua, tại địa điểm 57 Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá (Ba Đình), trong 1 tiếng buổi sáng mỗi ngày, khoảng 300 suất ăn được phát tới tay người nghèo, người gặp khó khăn, người không có thu nhập.

“Trong thời điểm dịch COVID-19 xuất hiện, các phường trên địa bàn đã tặng hàng trăm suất quà, trị giá từ 500.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/suất. Ngoài ra, các phường còn tặng nhu yếu phẩm gồm gạo, mì tôm, trứng, bánh kẹo, rau... cho các gia đình nghèo, cận nghèo trên địa bàn gặp khó khăn do dịch bệnh. Việc làm này góp phần giúp các hộ nghèo, người mất việc làm có thể duy trì sức khỏe để vượt qua thời điểm dịch bệnh”, bà Diễm chia sẻ.

Tại một số khu phố, ngõ, xóm bị phong tỏa, do phải tiếp nhận quyết định cách ly y tế, nên việc mua nhu yếu phẩm của nhiều gia đình là không thể. Các hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên, cán bộ tổ dân phố… đã gánh vác thêm nhiệm vụ mới là “đi chợ hộ”, tận tình tiếp tế cho những gia đình đang bị cách ly, giúp họ yên tâm vượt qua khó khăn.

Trao quà tới người lao động đang thực hiện cách ly trên địa bàn quận Long Biên qua những chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng”. Ảnh: Diệu Anh 

Ngay sau khi địa bàn có ca bệnh F0, 13 hộ dân tại khu hưu trí, tổ dân phố Hà Trì 1, phường Hà Cầu (quận Hà Đông) nhận được quyết định phong tỏa con ngõ. Để người dân yên tâm, UBND phường Hà Cầu đã cử đại diện Chi hội phụ nữ tổ dân phố Hà Trì 1 hỗ trợ mua nhu yếu phẩm 2 lần mỗi ngày để giúp các hộ dân trong tổ dân phố.

Hay tại ngõ 9 Nguyễn Đức Cảnh (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai), ngày 21/7, khi phát hiện có ca nhiễm COVID-19, UBND phường Tương Mai đã ra quyết định phong tỏa khu vực này. Cùng với việc phong tỏa, UBND phường ngay lập tức bố trí lực lượng hỗ trợ việc đi chợ giúp các gia đình trong khu cách ly.

Chị Bùi Kiều Thu, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Tương Mai cho biết, chị chủ động đề xuất với các gia đình mua thực phẩm theo ngày để bảo đảm chất lượng. Khi có tin nhắn, chị sẽ đi siêu thị, chợ dân sinh mua các loại hàng hóa theo yêu cầu, sau đó bọc gói cẩn thận rồi chuyển về chốt cách ly để đưa đến các hộ sử dụng.

Để lan tỏa sự sẻ chia đến với những công dân lao động khó khăn, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội cũng đã và đang tổ chức các chuyến “Xe buýt siêu thị 0 đồng” trao hàng trăm suất quà bao gồm gạo, dầu ăn, hạt nêm, cá đóng hộp… cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ngoài ra, từ ngày 1/8, "Siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội trái tim hồng" mở cửa sẽ phục vụ cho gần 1.000 người bao gồm lao động nghèo, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và hàng trăm sinh viên đang mắc kẹt tại các khu ký túc xá…

Có thể thấy, trong lúc khó khăn, người yếu thế, người lao động nghèo luôn nhận được sự quan tâm động viên của nhân dân và chính quyền Thủ đô.