Mối quan hệ giữa “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát” với “dân thụ hưởng” và những vấn đề đặt ra

(Mặt trận) - “Dân thụ hưởng” là một trong những điểm mới rất quan trọng tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong tổng thể phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đảng ta bổ sung thành tố “dân thụ hưởng” là sự khẳng định sâu sắc bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, vừa là mục tiêu,vừa là động lực của sự phát triển. Đó cũng là cũng là mối quan hệ biện chứng về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử, phù hợp với xu thế thời đại giải phóng con người vươn lên làm chủ cuộc sống của mình.

Ban Chỉ đạo của Chính phủ: Hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học thực trạng và một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong thực hiện phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng 

Đảng ta luôn chú trọng đặt quyền lợi của người dân vào vị trí trung tâm mọi chủ trương, đường lối, thể hiện sự quan tâm thiết thực đến đời sống của nhân dân, với mục đích cuối cùng là người dân được thụ hưởng mọi thành quả của sự phát triển. Đây là một điểm mới, mang tính đột phá, xuyên suốt trong 3 trụ cột phát triển: Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được mở rộng; phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ.

Mối quan hệ giữa “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát” với “dân thụ hưởng”

Tại Đại hội VI (tháng 12/1986), Đảng ta nêu quan điểm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, đó là nền nếp hằng ngày của xã hội mới, thể hiện chế độ nhân dân lao động tự quản lý Nhà nước của mình”.

Đại hội VIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ cần phải xây dựng cơ chế cụ thể trong thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước; thực hiện tốt cơ chế làm chủ của nhân dân thông qua các cơ quan dân cử, làm chủ trực tiếp bằng hình thức tự quản, bảo đảm dân chủ trong quá trình ra quyết định và thực hiện các quyết định.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục nhấn mạnh: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến”. Văn kiện Đại hội XII cũng khẳng định: “vai trò của nhân dân đã được phát huy trong việc bảo đảm việc thực thi thực chất, đầy đủ và rộng rãi quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát””.

Mối quan hệ giữa “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát” với “dân thụ hưởng” là mối quan hệ biện chứng, phải đồng thời thực hiện, không thể tách rời. Có thể khái quát trên một số nội dung cốt lõi sau đây:

Thứ nhất, “dân thụ hưởng” là người dân được nhận, được hưởng những thành quả của sự phát triển; nhưng để có thành tựu “ thụ hưởng” phải có sự hưởng ứng, thực hiện của toàn dân.

“Dân thụ hưởng” nhấn mạnh nhân tố lấy “dân làm gốc”, trọng dân, tin dân, để nhân dân được thụ hưởng đầy đủ những thành tựu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Đất nước phát triển nhanh và bền vững tạo nền tảng bảo đảm các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người dân được quan tâm, nâng cao, đời sống nhân dân được cải thiện. Việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội giúp nhân dân, đặc biệt là bộ phận yếu thế trong xã hội, nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ổn định sản xuất, đời sống, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững. Qua đó, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội. “Dân thụ hưởng” hướng đến quyền cơ bản của con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013, bảo đảm công bằng xã hội, góp phần xây dựng một xã hội hài hòa, đồng thuận, không bỏ lại ai phía sau, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững đất nước.

Thứ hai, “dân thụ hưởng” là việc thỏa mãn các lợi ích đa dạng trong xã hội của nhân dân, biến lợi ích trở thành động lực cho sự phát triển. Muốn thỏa mãn “dân thụ hưởng” phải gắn liền “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát”, gắn liền với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, ích nước, lợi nhà, hướng mọi người vào mục tiêu chung, luôn tạo động lực mới.

“Dân thụ hưởng” nhấn mạnh việc thực hiện hóa nguyên tắc “làm theo năng lực, hưởng theo lao động”, “có làm có hưởng” - đây là quy luật thực tiễn khách quan. Động lực chính cho sự phát triển là lợi ích - hài hòa tổng thể lợi ích của cá nhân, tập thể và xã hội. Đồng thời, “dân thụ hưởng” không đơn thuần hướng đến ý nghĩa sâu xa, bao quát, mà đó chính là việc thỏa mãn những lợi ích chính đáng, đa dạng, phong phú, có chiều sâu trong xã hội của người dân, biến lợi ích trở thành động lực cho sự phát triển.

Thứ ba, “dân thụ hưởng” là mọi chủ trương, chính sách, pháp luật phải tạo ra sự thay đổi tích cực trong đời sống của nhân dân. Đó là quá trình phát triển quan điểm “dựa vào dân”, “lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho nhân dân”; “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát” gắn liền với nâng cao dân trí, với việc công dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, thụ hưởng thành quả của sự phát triển .

Đường lối, chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước phải xuất phát từ thực tiễn và từ chính nhu cầu chính đáng, hợp pháp của nhân dân. “Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”. Khi đường lối, chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật đúng ý dân, hợp lòng dân, phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân trong tổ chức, triển khai thực hiện với phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát”, nhân dân sẽ tham gia hưởng ứng tích cực, trở thành phong trào sâu rộng, nhanh chóng hiện thực hóa trong cuộc sống.

Như vậy, việc thụ hưởng của nhân dân không chỉ là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các chủ trương, chính sách chăm lo, đảm bảo cuộc sống của nhân dân mà còn được nâng lên thông qua sự chủ động của nhân dân khi tham gia thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhân dân không chỉ được quyền cung cấp thông tin về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, được quyền bàn bạc và chất vấn các văn bản hành chính, được quyền kiểm soát thực thi các chính sách, mà còn được quyền thụ hưởng những thành quả tốt đẹp, tiến bộ của sự phát triển đó. Đó là những quyền lợi hết sức sát sườn, thiết thực, từ sự phát triển kinh tế - xã hội đến môi trường sống lành mạnh, trong sạch, an toàn. Đây cũng là biểu hiện sinh động của ý Đảng hợp với lòng dân, là quá trình tiếp tục củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Thứ tư, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” là của đại đa số nhân dân lao động, mọi giai cấp, mọi tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, không phải là của số ít những tầng lớp, những nhóm xã hội đặc biệt.

“Dân  biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” nhấn mạnh tính bao trùm, đến tuyệt đại đa số nhân dân, mọi giai cấp, mọi tầng lớp đều có cơ hội bình đẳng, cơ hội tiếp cận phát triển, về thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, về được hỗ trợ cùng phát triển và cùng thụ hưởng thành quả của sự phát triển; không phải là một số nhóm xã hội hay những tầng lớp có ưu thế hơn. Đây là động lực to lớn thúc đẩy việc bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối, chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong tiến trình lãnh đạo cách mạng.

“Dân thụ hưởng” biểu hiện sự quan tâm đến đời sống, đến những quyền lợi sát sườn, đến những nhu cầu, quyền lợi chính đáng được hưởng của người dân. “Dân thụ hưởng” thể hiện quan điểm rất thực tiễn của Đảng - thụ hưởng vật chất và thụ hưởng tinh thần đều rất quan trọng đối với mọi người dân.

Phát triển kinh tế không chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm người mà phải là mang lại lợi ích cho toàn dân, mang lại cuộc sống tốt đẹp nhất cho con người. Việt Nam hướng đến một xã hội phát triển không chỉ giàu có và thịnh vượng về mặt kinh tế, không chỉ bảo vệ được môi trường mà còn là một xã hội cân bằng và hài hòa lợi ích giữa các giai cấp, giữa các tầng lớp, giữa các nhóm xã hội - một xã hội hài hòa theo hướng đoàn kết, hợp tác, hướng đến sự cân bằng,  cơ hội tiếp cận và thụ hưởng thành quả sự phát triển cho mọi người.

Ông Ngô Sách Thực, Nguyên Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam

Tác động của các chính sách, sự phục vụ của bộ máy nhà nước và những vấn đề đặt ra trong thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”

Việc thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng là chủ trương rất lớn của Đảng, hợp lòng dân, ý Đảng, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. “Dân thụ hưởng” là điểm mới trong văn kiện của Đảng, là giá trị đích thực, mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta đang hướng tới. Những vấn đề đặt ra trong thực hiện phương châm này là:

Thứ nhất, Các chủ trương, chính sách, pháp luật phải tạo ra được sự thay đổi tích cực trong đời sống nhân dân

Các chủ trương chính sách có hay đến đâu, cũng phải biến thành hiện thực mới là thành công thực tế. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu: “Không phải Đại hội bế mạc là coi như xong. Đây mới là bước đầu. Làm được hay không, có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có cho đất nước và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đó mới là thành công thực tế của Đại hội”. Hiện nay, tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật vẫn còn điểm chồng chéo, còn có những nút thắt, chưa thông suốt, còn biểu hiện lợi ích nhóm, cục bộ. Cách thức lấy ý kiến nhân dân, mặt trận, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân trong xây dựng chính sách, pháp luật còn hình thức.

Nội dung quy định trong văn bản pháp luật của Nhà nước cần có chế tài và các điều kiện bảo đảm thực thi: Dân làm thì khá rõ, mọi thành công đều có sự thực hiện của người dân; dân biết còn nhiều nội dung phải làm, nhiều nội dung phải thực hiện công khai, dân chủ; dân bàn, biểu quyết quyết định trực tiếp và để cấp có thẩm quyền quyết định cũng đã khá rõ; “dân kiểm tra”, “dân giám sát”, “dân thụ hưởng” cần phải làm rõ thêm, nhất là nội dung qui định mỗi công dân có quyền xác minh, thu thập thông tin, bằng chứng về hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực như thế nào để cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền, giữ bí mật và bảo vệ người cung cấp thông tin. Thước đo của dân thụ hưởng là là đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng cải thiện, nâng lên, là sự hài lòng của người dân qua thực hiện các chủ trương, chính sách. Cần có cách thức lấy sự hài lòng một cách thức chất, tránh hình thức.

Thứ hai, Phải hài hòa giữa các lợi ích, biến lợi ích trở thành động lực của sự phát triển

“Dân giám sát, dân thụ hưởng” phải thỏa mãn các lợi ích đa dạng trong xã hội của nhân dân, biến lợi ích trở thành động lực cho sự phát triển. “Dân thụ hưởng” nhấn mạnh việc thực hiện hóa nguyên tắc “làm theo năng lực, hưởng theo lao động”, “có làm có hưởng” - đây là quy luật thực tiễn khách quan. Động lực chính cho sự phát triển là lợi ích - hài hòa tổng thể lợi ích của cá nhân, tập thể và xã hội. Đồng thời, “dân thụ hưởng” không đơn thuần lợi ích trước mắt mà hướng đến ý nghĩa sâu xa, bao quát, mà đó chính là việc thỏa mãn những lợi ích chính đáng, đa dạng, phong phú, có chiều sâu trong xã hội của người dân, từ đời sống vật chất, tinh thần ngày càng nâng lên, cơ hội tiếp cận thông tin, các dịch vụ xã hội, môi trường sống, an ninh, an toàn… biến lợi ích trở thành động lực cho sự phát triển.

Đất nước phát triển nhanh và bền vững tạo nền tảng bảo đảm các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người dân được quan tâm, nâng cao, đời sống nhân dân được cải thiện. Việc thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội giúp nhân dân, đặc biệt là bộ phận yếu thế trong xã hội, nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ổn định sản xuất, đời sống, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo nhanh, bền vững. Qua đó, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội. “Dân thụ hưởng” hướng đến quyền cơ bản của con người, bảo đảm công bằng xã hội, góp phần xây dựng một xã hội hài hòa, đồng thuận, không có sự loại trừ, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững đất nước. Các thành tựu phát triển chỉ thực sự vẹn toàn ý nghĩa khi mang lại lợi ích thiết thân cho người dân.

Yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm phát huy quyền con người, quyền công dân được Hiến định, trong đó có bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, dẫn dắt của đầu tư công, thành phần kinh tế nhà nước, cơ hội tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của đất nước, đặc biệt là nguồn lực đất đai, công dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Chú trọng quy định về chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tạo hành lang pháp lý để kiến tạo mô hình hệ thống an sinh xã hội với các trụ cột cơ bản, phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro, phòng, chống lợi dụng chính sách và thụ động trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ.

Thứ ba, Khơi dậy khát vọng vươn lên của toàn dân tộc, xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt, không bỏ lại ai phía sau

Thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước thời gian qua bên cạnh những kết quả, thành tựu cũng còn nhiều mặt hạn chế, hình thức, chạy theo thành tích, phong trào bề nổi, chưa có chiều sâu.  “Dân giám sát, dân thụ hưởng” đòi hỏi sự quan tâm thiết thực đến đời sống của người dân, nghĩa là người dân có quyền được biết, được làm, giám sát, kiểm tra và được thụ hưởng những thành quả tốt đẹp, tiến bộ của sự phát triển. Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế… Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Khi người dân được thụ hưởng, được thỏa mãn những lợi ích hợp pháp, chính đáng sẽ tạo thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi người hăng hái cống hiến, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước.

Một số truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc đang bị phai nhạt vì lối sống cá nhân, ích kỷ và thực dụng. Cuộc sống phải tự mình; đạo đức là phải tự thấy, tự soi, tự sửa; thương người như thể thương thân, giúp người là tự giúp mình; mình vì mọi người và mọi người vì mình. Thụ hưởng không phải là lối sống hưởng thụ, xa hoa mà phải dựa trên thành quả lao động, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế. Tại sao nhiều nước kinh tế không mạnh nhưng có chỉ số hạnh phúc rất cao. Đức hy sinh lợi ích của cá nhân, quên mình cống hiến vì cộng đồng, vì đất nước vẫn được nhân dân tôn vinh, là những giá trị văn hóa cần được lan tỏa.

Thứ tư, Là phải thực hành dân chủ rộng rãi, thực hiện dân chủ ở cơ sở

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Đảng ta cũng chỉ rõ: Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật. Ở một số nơi, việc thực hiện dân chủ vẫn còn hình thức, nhân dân không được biết những vấn đề, nội dung liên quan đến quyền lợi thiết thân của mình. Năng lực, phẩm chất, ý thức kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao; còn tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp. Việc thực hiện “dân thụ hưởng” còn những khiếm khuyết, thiếu thực chất và chưa đầy đủ, tạo thành rào cản lớn đối với sự phát triển của đất nước. Một số tổ chức cơ sở đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu, chưa thực sự tôn trọng ý kiến, kiến nghị của nhân dân và giải quyết kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của người dân. Đó còn là sự lãng phí nguồn lực nội sinh.

Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực từ tháng 7/2023 có nhiều điểm mới, nhất là sáng kiến nhân dân, tự quản ở cộng đồng cần phải hướng dẫn và tổ chức thực hiện, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Thực hành và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân một cách thực chất, gắn với khơi dậy sức sáng tạo của Nhân dân, khơi dậy nguồn lực của Nhân dân vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc là vấn đề luôn đặt ra.

Thứ năm, xây dựng hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, vì nhân dân, gắn bó với nhân dân, phục vụ nhân dân

Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có.

Cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và nhân dân về vai trò, trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ một cách thực chất, hiệu quả, góp phần thực hiện phương châm “dân giám sát, dân thụ hưởng” một cách thiết thực.

Vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò “nòng cốt” của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội và nhân dân trong phát huy thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã được phân tích ở các phần trên. Trong hệ thống chính trị, nhà nước đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thực hiện phương châm trên, thể hiện trên những khía cạnh sau: Nhà nước đề ra các kế hoạch, chính sách,pháp luật và thiết lập môi trường thể chế để định hướng và tập hợp sức mạnh của cả dân tộc; Nhà nước đưa ra các cơ chế bảo đảm thực hiện và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; Nhà nước phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân; Nhà nước xây dựng và phát triển nền văn hóa, phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc; Thứ năm, Nhà nước đóng vai trò thực hiện các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế và bảo vệ an ninh quốc gia. Cần có các giải pháp phát huy vai trò của các cấp chính quyền trong thực hiện phương châm này, làm sâu sắc hơn “ Dân vận khéo chính quyền”, trong đó có tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe và giải quyết.