Hà Nội: Đạt 92% kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2, phát hiện 49 mẫu dương tính

(Mặt trận) - Ngày 21-8, các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng đối với khu vực nguy cơ cao và 13 nhóm người nguy cơ cao.

MTTQ Việt Nam chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới

Phát huy vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Xoá nhà tạm, nhà dột nát: Hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ khi xây mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. 
Đạt 92% kế hoạch lấy mẫu
Tính đến 16h hôm nay, toàn thành phố đã lấy được 788.106 mẫu, đạt 92% so với kế hoạch. Hiện, tổng số mẫu đã được xét nghiệm là 383.357, trong đó số mẫu dương tính là 49 và số mẫu âm tính là 383.308, còn 404.749 mẫu đang tiếp tục chạy máy. Kết quả này cho thấy, sự nỗ lực của toàn ngành Y tế Thủ đô trong những ngày qua.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, 49 mẫu dương tính được phát hiện trong đợt lấy mẫu diện rộng lần 2 này, gồm: 4 mẫu thuộc đối tượng sinh sống trong khu vực phong tỏa đều ở phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm; 45 mẫu là người sinh sống trong khu vực nguy cơ tại 4 quận, huyện: Đống Đa (21), Hoàng Mai (13), Hoài Đức (6), Hà Đông (5).
Trước đó, theo kế hoạch, trong đợt 2 lấy mẫu xét nghiệm diện rộng (diễn ra từ ngày 18 đến 20-8), thành phố triển khai lấy tổng số 856.422 mẫu, trong đó có 64.999 mẫu trong khu vực phong tỏa; 416.330 mẫu thuộc các khu vực nguy cơ và 375.093 mẫu thuộc đối tượng nguy cơ.
Để đáp ứng được số lượng mẫu xét nghiệm lớn như vậy, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, điều quan trọng nhất đối với ngành Y tế thành phố là phải có lực lượng đi lấy mẫu, có máy xét nghiệm, có labo thực hiện được kỹ thuật RT-PCR... Hà Nội đã huy động sự tham gia của sinh viên Trường Cao đẳng y tế Hà Đông và Hà Nội, cùng với đó là 21 đơn vị y tế tư nhân nên lực lượng y tế có thể sẵn sàng đáp ứng lấy được đủ số mẫu theo đúng yêu cầu. Tuy nhiên, việc lấy mẫu có hoàn thành được hay không còn phụ thuộc vào khâu tổ chức triển khai lấy mẫu của chính quyền địa phương, các ban, ngành và sự tham gia của người dân.
"Trong quá trình triển khai việc lấy mẫu, có nơi nhân viên lấy mẫu phải đợi chờ người dân. Có người nhận được giấy báo 8h đến lấy mẫu, nhưng phải 10h họ mới đến điểm lấy mẫu. Một số người có tâm lý ngại đi lấy mẫu do lo sợ nguy cơ lây nhiễm", ông Khổng Minh Tuấn nói.
Người dân cùng tham gia
 Nhân viên y tế phường Việt Hưng, quận Long Biên lấy mẫu xét nghiệm cho người nguy cơ cao trên địa bàn.  
Trong đợt 2 này, thành phố tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 tại các khu vực "vùng đỏ", khu vực nguy cơ, khu vực trọng điểm và những ổ dịch mới phát sinh. Ngoài ra, lấy mẫu xét nghiệm cho các đối tượng nguy cơ cao căn cứ theo yếu tố dịch tễ, các đối tượng di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều...
 Theo ông Khổng Minh Tuấn, mục tiêu chính của việc lấy mẫu là phải nhanh để kịp thời khoanh vùng, dập dịch. Dù vậy, việc triển khai vẫn phải bảo đảm an toàn, đáp ứng đầy đủ quy định phòng dịch, tuyệt đối không thể làm nhanh mà ẩu.
 Với việc triển khai lấy một lượng mẫu xét nghiệm lớn trong một thời gian ngắn thực sự là áp lực đối với lực lượng y tế tại các quận, huyện, thị xã. Trong những ngày triển khai lấy mẫu xét nghiệm là những ngày nắng nóng cao điểm, thậm chí có lúc lên tới 36-37 độ C. Nhân viên y tế phải mặc bộ đồ bảo hộ trong nhiều giờ liền. Tại một điểm lấy mẫu trên địa bàn quận Đống Đa, sau khi phải chờ người dân đến lấy mẫu suốt gần 5 tiếng đồng hồ dưới điều kiện thời tiết nắng nóng trong bộ đồ bảo hộ kín mít, có nhân viên lấy mẫu đã ngất xỉu. Do đó, ngành y tế rất cần sự hợp tác, tham gia của người dân.  
 "Khi được mời đi lấy mẫu xét nghiệm, mỗi người dân cần trang bị khẩu trang đầy đủ là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, mỗi người cần tuân thủ quy định về giãn cách. Công sức của lực lượng chống dịch có thể bị lãng phí, nếu người dân phớt lờ quy định giãn cách, tạo điều kiện cho mầm bệnh di chuyển trong cộng đồng", ông Khổng Minh Tuấn đưa ra lưu ý.
 Bên cạnh đó, người dân có thể tham gia giám sát về việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch tại các điểm lấy mẫu. Theo ông Khổng Minh Tuấn, nếu người dân phát hiện hiện tượng, nhân viên lấy mẫu cho người này, chưa sát khuẩn tay mà đã lấy mẫu cho người kia, thì cần yêu cầu người lấy mẫu sát khuẩn đầy đủ trước khi thực hiện lấy mẫu cho mình. Nếu thấy điểm lấy mẫu tập trung đông người, không bảo đảm an toàn phòng dịch, người dân có quyền đóng góp ý kiến với chính quyền địa phương.