(Mặt trận) - Cuối tháng 7-2021, tình hình Covid-19 trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp, khó lường, số ca mắc mới trong cộng đồng liên tục tăng cao. Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố đã đưa ra những quyết định chưa có tiền lệ nhằm sớm cắt đứt các chuỗi lây nhiễm, sàng lọc F0. Từ những chính sách, quyết định đúng đắn, kịp thời cùng với sự vào cuộc cao độ của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến tận khu dân cư, tổ dân phố; sự đồng thuận cao của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Đà Nẵng đã được kiểm soát, từng bước trở lại cuộc sống bình thường mới.
|
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm đại diện hộ gia đình trên địa bàn quận Hải Châu trong thời gian “ai ở đâu thì ở đó”. |
Sự chỉ đạo kịp thời, được ban hành đúng thời điểm, cùng sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương, sự đồng hành, hợp tác của nhân dân, Đà Nẵng đã phát hiện hàng ngàn ca F0; tổ chức khoanh vùng, cách ly triệt để các khu vực nguy cơ, từ đó từng bước kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.
Phòng, chống Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu
Ban Thường vụ Thành ủy xác định, công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, quan trọng nhất, thực hiện xuyên suốt với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; không để mất khả năng kiểm soát dịch bệnh; giữ vững hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của chính quyền, sớm ngăn chặn, đẩy lùi, giảm mức độ nguy cơ dịch bệnh, đưa thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, duy trì cơ bản hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy được ban hành ngày 30-7-2021 trong bối cảnh chưa đầy 3 tuần Đà Nẵng ghi nhận hơn 600 ca mắc Covid-19. Riêng trong ngày 30-7, thành phố ghi nhận 68 ca mắc Covid-19, gồm 10 ca cộng đồng. Theo ngành y tế, thời điểm đó, thành phố ghi nhận cùng lúc 25 chuỗi lây nhiễm, trong đó có những chuỗi nguy cơ rất cao như chuỗi bệnh nhân N.B.K (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà); lò mổ Đà Sơn; Công ty Việt Hoa… Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố diễn ra chiều 30-7, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh: “Mục tiêu của thành phố là kiểm soát, khống chế dịch bệnh trong thời gian sớm nhất. Vì vậy, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, sự ủng hộ, hợp tác tích cực và tự giác thực hiện của cộng đồng doanh nghiệp và mọi người dân trong việc tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt hơn, hiệu quả hơn các biện pháp phòng, chống dịch”.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND, bắt đầu giãn cách toàn thành phố từ 18 giờ ngày 31-7. Các biện pháp phòng, chống dịch được áp dụng trong bối cảnh này cao hơn trong công tác phòng, chống dịch theo nội dung Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm bảo đảm phong tỏa, giãn cách và cách ly trên địa bàn toàn thành phố; vận dụng các quy định pháp luật để áp dụng các biện pháp cấm, hạn chế người, phương tiện đi lại và một số hoạt động trong thời gian nhất định.
Đáng chú ý, ngày 14-8, UBND thành phố ban hành Quyết định 2788/QĐ-UBND bổ sung và điều chỉnh một số biện pháp cấp bách để phòng, chống Covid-19 theo Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 30-7. Quyết định số 2788/QĐ-UBND có hiệu lực từ 8 giờ ngày 16-8 với các biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ với tinh thần “ai ở đâu thì ở đó”. Toàn thành phố bước vào trạng thái phòng, chống Covid-19 mới, với các biện pháp nghiêm ngặt, mạnh mẽ, quyết liệt liệt, xuyêt suốt từ thành phố đến cơ sở. Căn cứ theo tình hình thực tế, lãnh đạo thành phố linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo từng thời điểm khác nhau. Các quyết định số 2836/QĐ-UBND, 2860/QĐ-UBND, 2905/QĐ-UBND của UBND thành phố lần lượt ban hành sau đó đã bám sát tình hình dịch bệnh, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy và Chỉ thị số 05/CT-UBND của UBND thành phố, đặc biệt là Thường trực Thành ủy đã bàn bạc, trao đổi rất kỹ, lấy ý kiến từng thành viên trong Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố.
Tập trung cao độ
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố chiều 14-8, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh: “Công việc trong những ngày tới rất khó khăn, chưa có tiền lệ. Chúng ta có thể coi đây như trận đánh lớn trong công tác phòng, chống dịch. Thành phố phải dốc toàn lực lượng và ra những đòn quyết định để đẩy lùi Covid-19. Việc thành công hay thất bại phụ thuộc hoàn toàn vào chúng ta”.
Để làm được điều này, Thường trực Thành ủy đề nghị UBND thành phố và các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng chặt chẽ quy trình cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân, bảo đảm thực hiện thuận lợi và thông suốt. Đồng thời, thành lập ban điều hành, tổ cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm tại khu dân cư, tổ dân phố; huy động toàn bộ đảng viên, cán bộ, công nhân viên giãn cách tại địa phương cùng tham gia phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, các lực lượng tích cực tuần tra kiểm soát, chốt chặn tại các tuyến đường, khu dân cư, kiệt hẻm, khu chung cư để xử lý những trường hợp vi phạm và yêu cầu chỉ ở nhà. Đặc biệt rà soát từng đối tượng lấy mẫu cụ thể, không để sót lọt bất cứ trường hợp nào. Bởi đây là cơ hội để thành phố phát hiện hết ca mắc Covid-19 trong cộng đồng.
7 ngày đầu “ai ở đâu thì ở đó”, Đà Nẵng phát hiện 969 ca mắc Covid-19 mới. Trong đó, quận Hải Châu: 289 ca, quận Cẩm Lệ: 233 ca, quận Thanh Khê: 183 ca, quận Sơn Trà: 83 ca, quận Ngũ Hành Sơn: 82 ca, quận Liên Chiểu: 49 ca và huyện Hòa Vang: 48 ca. Điều này cho thấy, quận Hải Châu, quận Thanh Khê và quận Cẩm Lệ là tâm dịch mới của thành phố. Trước tình hình đó, Thường trực Thành ủy, UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố đề nghị Sở Y tế làm việc ngay với 3 địa phương này để bàn chiến lược xét nghiệm phù hợp. Đặc biệt, có biện pháp chốt chặn, xử lý việc cách ly, lấy mẫu xét nghiệm ngay đối với toàn bộ người dân tại các điểm nóng, xử lý nhanh những ổ dịch nhỏ, không để bùng phát ra diện rộng…
Ngay sau đó, thông qua hoạt động xét nghiệm, hàng loạt các điểm nóng được ghi nhận, đặc biệt là số ca mắc Covid-19 ở nhà trong các kiệt, hẻm nhiều hơn số ca ở nhà mặt tiền. Một số điểm nóng như K524 Hoàng Diệu, K515 Hoàng Diệu, K354 Trưng Nữ Vương, K488 Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu); K72 Đinh Tiên Hoàng, K327 Nguyễn Phước Nguyên (quận Thanh Khê). Đáng chú ý, khu vực phong tỏa tại phường Tam Thuận, chỉ trong một thời gian ngắn ghi nhận gần 200 ca mắc tại các kiệt, hẻm trên trục đường Trần Cao Vân. Lãnh đạo thành phố, trực tiếp là các đồng chí Thường trực Thành ủy đã có mặt tại các điểm nóng để nghe báo cáo trực tiếp tình hình dịch bệnh. Lần đầu tiên Đà Nẵng áp dụng chính sách giãn dân, di chuyển người dân tại các điểm nóng ở quận Cẩm Lệ, Thanh Khê, Hải Châu để hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo trong các khu vực phong tỏa. Những chính sách tiên phong, áp dụng đúng thời điểm giúp thành phố nhanh chóng xử lý hiệu quả các điểm nóng trên địa bàn.
Tối 1-9, tại cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy mở rộng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng khẳng định, thành phố đã đạt được mục đích quan trọng, đó là cắt đứt được nguồn lây trên phạm vi toàn thành phố. “Nếu thành phố chậm một tuần thì con số này sẽ là con số nhân. Đến nay, ngành y tế vẫn đủ sức cách ly, điều trị F0. Số ca tử vong chỉ khoảng 0,06%, so mặt bằng chung cả nước (2,4%) thì rất thấp. Để có được thành quả bước đầu, thành phố đã đánh giá đúng tình hình, quyết định được các biện pháp mạnh, đúng thời điểm; có được sự thống nhất cao về tổ chức thực hiện từ thành phố đến cấp cơ sở”.
Có thể khẳng định, thời gian triển khai thực hiện triệt để nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó” với mức độ cao nhất, thành phố cơ bản đạt được mục tiêu đề ra trong phòng, chống dịch. Trong đó, đáng chú ý là ngăn chặn, cắt đứt chuỗi lây nhiễm trên diện rộng, từ đó phát hiện và đưa ra khỏi cộng đồng để chữa trị kịp thời một số lượng lớn F0. “Một trong những kết quả đạt được lớn nhất trong đợt phòng, chống dịch lần này là chúng ta khẳng định được sức mạnh của nhân dân, của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, đoàn kết và đặc biệt là truyền thống cách mạng của người Đà Nẵng được phát huy. Tính kiên trì, chịu đựng gian khổ, vượt qua khó khăn, thách thức của người Đà Nẵng được khẳng định. Hệ thống chính trị từ cấp thành phố đến cơ sở đã thể hiện được quyết tâm, chủ động, sáng tạo trong quá trình triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là vai trò của cấp cơ sở. Đây cũng là căn cứ, tiền đề, nền tảng cũng như là chìa khóa để chúng ta tự tin triển khai các biện pháp trong phòng, chống dịch trong thời gian tới với phương châm sống chung với dịch”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng khẳng định.
Thống nhất và đồng thuận cao
Để đưa ra được những quyết định quan trọng, chưa có tiền lệ như trên, Ban Thường vụ Thành ủy đã triệu tập nhiều cuộc họp mở rộng quan trọng. Tại mỗi cuộc họp, nhiều vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch; an sinh xã hội; bảo đảm sản xuất; cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm… được mổ xẻ, bàn bạc, phân tích rất kỹ, cân nhắc nhiều điều, nhiều vấn đề, tựu trung vấn đề sức khỏe, tính mạng của người dân vẫn được đặt lên hàng đầu. Nhiều cuộc họp diễn ra xuyên trưa, từ chiều đến tận khuya, những bữa ăn vội diễn ra ngay trên bàn họp. Từ những đánh giá, phân tích, dự báo, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố đưa ra quyết định cuối cùng, trên cơ sở sự thống nhất và đồng thuận của tất cả các thành viên tham dự họp.
“Để thống nhất và đi đến việc ban hành các quyết định mang tính chất bước ngoặt, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố liên tục tổ chức các cuộc họp mở rộng. Có những cuộc họp diễn ra từ chiều đến tận 23 giờ để trao đổi, phân tích và lấy ý kiến của từng cá nhân xung quanh việc soạn thảo các nội dung liên quan trên tinh thần vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa đáp ứng nhu cầu cần thiết của người dân trong bối cảnh hạn chế đi lại, dịch bệnh bủa vây”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến cho biết.
Bên cạnh việc kịp thời đưa ra những chủ trương, chính sách quyết định, trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội “ai ở đâu thì ở đó”, Thường trực Thành ủy, lãnh đạo UBND thành phố thường xuyên kiểm tra thực tế, động viên các chốt kiểm soát phòng, chống dịch, tổ Covid-19 cộng đồng, các đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất “3 tại chỗ”. Giai đoạn cao điểm phòng, chống Covid-19, Đà Nẵng đã triển khai tất cả các biện pháp theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, đồng thời chủ động và áp dụng các biện pháp mới, quyết liệt với mục tiêu phát hiện sớm nhất các F0 trong cộng đồng. Tính đến ngày 25-9, Đà Nẵng đã đạt 6/7 tiêu chí kiểm soát dịch theo Quyết định 3989/QĐ-BYT ngày 18-8 của Bộ Y tế và đã sẵn sàng mở cửa hoạt động trong trạng thái bình thường mới.
|
Cán bộ, nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố chạy đua xét nghiệm trong thời gian thành phố thực hiện “ai ở đâu thì ở đó”. Ảnh: LÊ HÙNG - Đồ họa: MAI ANH |
Thần tốc truy vết, khoanh vùng và lấy mẫu xét nghiệm
Trong giai đoạn Đà Nẵng thực hiện “ai ở đâu thì ở đó”, ngành y tế và các địa phương tăng tốc thực hiện truy vết, khoanh vùng, dập dịch tại các điểm nóng, đồng thời đẩy nhanh xét nghiệm diện rộng, bao phủ toàn thành phố để tìm ra các F0. Từ đó, đánh giá kịp thời, chính xác mức độ nguy cơ dịch bệnh theo từng khu vực để lãnh đạo thành phố quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp...
Để công tác xét nghiệm đạt hiệu quả cao nhất, Thường trực Thành ủy, UBND thành phố và Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố yêu cầu các địa phương rà soát, lập danh sách đúng, đủ các đối tượng, với mức độ bao phủ rộng. Song song đó, ngành y tế triển khai lấy mẫu xét nghiệm theo kế hoạch đúng tiến độ, không để xảy ra tình trạng trùng lặp, bỏ sót đại diện hộ gia đình.
Bắt đầu từ ngày 16-8, ngành y tế và các địa phương đồng loạt lấy mẫu xét nghiệm diện rộng với tần suất 3 ngày/lần theo nguyên tắc cuốn chiếu tại tổ dân phố, bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch. Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố cho biết: “Để làm được điều này, ngành y tế và các địa phương phải chạy đua và gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Cao điểm có ngày thành phố lấy mẫu xét nghiệm gần 130.000 lượt người. Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay trên địa bàn Đà Nẵng. Thành phố huy động toàn bộ 9 labo xét nghiệm trên địa bàn. Khi nhận mẫu bệnh phẩm từ các địa phương, cán bộ, nhân viên y tế các labo nhanh chóng xét nghiệm, nhập dữ liệu. Tất cả đều làm việc trong tâm thế chạy đua với thời gian để sớm có kết quả, đáp ứng khẩn cấp công tác phòng, chống Covid-19”.
Theo lãnh đạo CDC Đà Nẵng, từ 18 giờ ngày 31-7, khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị 05/CT-UBND, bình quân số mẫu xét nghiệm được xử lý là 48.626 mẫu/ngày. Từ 8 giờ ngày 16-8, khi bắt đầu thực hiện Quyết định số 2788/QĐ-UBND, số mẫu xét nghiệm bình quân mỗi ngày được lấy và xử lý lên tới 104.786 mẫu/ngày.
Qua 7 đợt lấy mẫu xét nghiệm hộ gia đình, thành phố phát hiện 277 ca mắc trong cộng đồng. Từ những ca mắc này, các hoạt động truy vết, cách ly, xét nghiệm những F1, F liên quan tiếp tục được triển khai kịp thời, nhanh chóng. Chỉ trong vòng một tháng, thành phố ghi nhận hơn 2.700 ca mắc Covid-19. Nếu không giãn cách nghiêm ngặt, xét nghiệm trên phạm vi rộng, 2.700 F0 sẽ lây lan nhiều hơn, nguy cơ lây nhiễm của thành phố ở mức báo động.
“Thành phố áp dụng các biện pháp phòng, chống phù hợp với tình hình dịch trong từng giai đoạn. Công tác xét nghiệm kịp thời và đúng đối tượng phát hiện nhiều F0, đồng thời xử lý triệt để các trường hợp F1, F2 và F liên quan theo quy định. Ngoài việc triển khai xét nghiệm toàn dân, để ngăn chặn dịch lây lan từ bên ngoài, Đà Nẵng tổ chức test nhanh kháng nguyên tất cả những người vào thành phố tại các chốt kiểm soát nơi cửa ngõ thành phố. Cũng nhờ vậy, thành phố phát hiện 9 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 từ vùng dịch trở về”, bác sĩ Tôn Thất Thạnh khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến cho biết, bình quân mỗi đợt, ngành y tế phải lấy mẫu xét nghiệm từ 350.000-370.000 lượt người. Đây là áp lực lớn. Nếu trước đây, sau một đợt lấy mẫu diện rộng, ngành y tế có khoảng trống nghỉ ngơi, thì tháng cao điểm vừa qua rất khác. Cứ lấy xong đợt này, nhân viên y tế phải quay lại lấy đợt tiếp theo với cường độ liên tục. Bộ phận lấy mẫu, xét nghiệm và phân tích dữ liệu làm việc liên tục cả ngày lẫn đêm.
“Nhiều đơn vị, địa phương chạy đua với thời gian, rút ngắn được thời gian lấy mẫu xét nghiệm từ 3 ngày xuống còn 2,5 ngày, thậm chí 2 ngày trong mỗi đợt. Đó là sự phấn đấu lớn của lực lượng y tế và các địa phương, vì cùng thời điểm còn phải triển khai công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Kết quả, số ca mắc ghi nhận giảm liên tục. Qua thời gian dài nỗ lực, đến ngày 18-9, sau 70 ngày, lần đầu tiên thành phố không phát hiện F0 ngoài cộng đồng”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến nói.
Thần tốc truy vết tại khu công nghiệp
Một trong những yếu tố giúp Đà Nẵng dập dịch nhanh trong các khu công nghiệp là xét nghiệm diện rộng, thực hiện truy vết, cách ly thần tốc. Còn nhớ, khi phát hiện ổ dịch tại Công ty TNHH TM và DV Trường Minh (đường số 2, Khu công nghiệp Đà Nẵng), quận Sơn Trà truy vết và đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung ngay trong ngày, lấy mẫu xét nghiệm cho gần 12.000 người liên quan đến Khu công nghiệp Đà Nẵng chỉ trong vòng 24 giờ. Quận Sơn Trà khẩn trương huy động toàn bộ lực lượng, từ thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, công an, trật tự đô thị quận, tình nguyện viên, ngành y tế địa phương đến các tổ Covid-19 cộng đồng ở địa bàn khu dân cư tham gia công tác dập dịch.
Bí thư Quận ủy Sơn Trà Trần Thắng Lợi cho biết, để khoanh vùng khẩn cấp, các lực lượng tiến hành thiết lập vùng cách ly y tế đối với Khu công nghiệp Đà Nẵng và 4 cụm dân cư liên quan ngay trong đêm. Bên cạnh đó, các lực lượng tiến hành chốt chặn, phối hợp tổ chức phun khử khuẩn, truy vết và lấy mẫu xét nghiệm cho các đối tượng có nguy cơ cao nhằm nhanh chóng sàng lọc, phát hiện các ca nghi nhiễm. Ngoài những người lao động trong khu công nghiệp, các hộ dân sống lân cận cũng được ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm. Trong thời gian chờ kết quả, quận lo ăn uống cho toàn bộ công nhân trong khu công nghiệp. Khi tất cả có kết quả âm tính, thành phố cho dỡ phong tỏa để khu công nghiệp hoạt động bình thường, chỉ phong tỏa hẹp khu vực Công ty Trường Minh.
“Với sự vào cuộc khẩn trương của các lực lượng, trong 24 giờ chạy đua, các ca mắc tại Khu công nghiệp Đà Nẵng được kiểm soát, xử lý kịp thời. Đây cũng là kinh nghiệm để địa phương triển khai thực hiện các biện pháp khi xuất hiện ổ dịch tiếp theo tại âu thuyền Thọ Quang và một số doanh nghiệp thời gian kế tiếp. Có thể khẳng định, trong những đợt dịch cao điểm xảy ra trên địa bàn quận, cán bộ, nhân viên Trung tâm Y tế quận đã làm việc với tâm huyết chứ không đơn thuần là trách nhiệm. Họ làm việc không ngừng nghỉ với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ lấy mẫu xét nghiệm lên mức cao nhất để địa phương sớm nhận định mức độ, nguy cơ dịch bệnh, từ đó đưa ra những biện pháp phù hợp. Sự phản ứng nhanh, kịp thời, hiệu quả của lực lượng y tế góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống Covid-19 của quận Sơn Trà”, Bí thư Quận ủy Sơn Trà Trần Thắng Lợi khẳng định.
Giữa tháng 7-2021, khi phát hiện trường hợp công nhân Công ty Murata Manufacturing Việt Nam Đà Nẵng (còn gọi Công ty TNHH điện tử Việt Hoa) tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) dương tính với SARS-CoV-2, lập tức Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng phối hợp Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, CDC Đà Nẵng tổ chức cách ly tại chỗ và lấy mẫu xét nghiệm 1.700 người tại đây. Ngay sau đó, lực lượng chức năng tiếp tục thần tốc lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 3.000 công nhân làm việc tại Công ty TNHH điện tử Việt Hoa; đồng thời khẩn trương truy vết những người liên quan để thực hiện các biện pháp dịch tễ, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Các F1 được truy vết kịp thời và cách ly theo quy định.
Bí thư Đảng ủy phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) Lưu Thị Hiền cho biết, khi Công ty TNHH điện tử Việt Hoa xuất hiện ca mắc Covid-19, tình hình dịch bệnh trên địa bàn phường bắt đầu diễn biến phức tạp. Thời gian sau đó, có ngày trên địa bàn phường ghi nhận hơn 10 ca mắc mới. “Ngành y tế phối hợp địa phương nhanh chóng truy vết, khoanh vùng, xét nghiệm diện rộng. Mỗi đợt chúng tôi lấy mẫu xét nghiệm cho gần 22.000 trường hợp, trong đó chú trọng đến số công nhân lưu trú tại các khu nhà trọ. Nhằm tránh tình trạng sót lọt trường hợp lấy mẫu, địa phương cử lực lượng giám sát, quản lý từng giấy mời phát ra, bảo đảm đúng, đủ số lượng được yêu cầu lấy mẫu. Đối với những khu vực kiệt, hẻm nguy cơ cao, khu nhà trọ chật chội, chúng tôi thực hiện biện pháp phòng, chống dịch phù hợp nhất, tránh tình trạng lây nhiễm chéo”, bà Lưu Thị Hiền cho biết.
Hơn 20.000 người là con số mà thành phố đã huy động tham gia phòng, chống dịch trong giai đoạn “ai ở đâu thì ở đó”. Điều này thể hiện sự quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng trên địa bàn thành phố.
Báo Đà Nẵng