Chống dịch từ cơ sở và kinh nghiệm của Hà Nội

(Mặt trận) - Trong trận chiến lần thứ tư chống “giặc” Covid-19, Hà Nội chuyển hướng mạnh mẽ từ phòng ngự sang tấn công, với nhiều nhiệm vụ mới, khó, chưa có tiền lệ. Với tinh thần cầu thị và quyết tâm cao, thành phố đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trở thành kinh nghiệm quý để các địa phương trong cả nước học tập. Trong đó, đáng phải kể đến là Hà Nội đã làm tốt việc phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị cơ sở, trong phòng, chống dịch.

HDBank đồng hành cùng Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Quyết định số 190-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

Kỷ nguyên mới rạng rỡ Việt Nam

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng động viện người dân tham gia trực chốt kiểm soát tại xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì (Ảnh: Viết Thành) 

Lấy kết quả phòng, chống dịch làm thước đo năng lực, trách nhiệm

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư từ cuối tháng 4/2021 là nặng nhất tại Hà Nội từ trước đến nay. Để đối phó với dịch bệnh, thành phố đã chủ động thực hiện các biện pháp “3 trước”, “4 tại chỗ”, phong tỏa điểm nhỏ, khóa chặt nguồn lây theo mô hình “3 lớp”, thực hiện phân vùng chống dịch, xét nghiệm và tiêm chủng diện rộng…

Trong mọi biện pháp, Hà Nội đã chú trọng chuyển từ “phòng ngự” sang “tấn công” với sự chủ động được đẩy mạnh ở các cấp chính quyền từ thành phố tới cơ sở.

Trong suốt “cuộc chiến” dai dẳng với Covid-19, công tác phòng, chống dịch của thành phố Hà Nội đã để lại nhiều dấu ấn, được Trung ương, Chính phủ nhiều lần biểu dương. Trong đó, nhiều ý kiến ghi nhận, Hà Nội đã không chỉ bám sát tình hình, dự báo chính xác mà còn đưa ra giải pháp kịp thời, phù hợp.

Thành phố đã làm tốt việc phân cấp, phân quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo; Chú trọng chuẩn bị “4 tại chỗ” để chủ động trong mọi tình huống, phương án. Ngoài ra, giải pháp duy trì giãn cách xã hội, phân vùng chống dịch, kết hợp với xét nghiệm diện rộng để bóc tách triệt để F0 ra khỏi cộng động, truy vết tận cùng F1 mà Hà Nội đang triển khai thực hiện cũng được đánh giá là giải pháp quyết định giúp thành phố sớm đẩy lùi dịch bệnh, trở lại trạng thái bình thường mới.

Có nhiều bài học kinh nghiệm hay trong cách phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố Hà Nội đã được phổ biến, nhân rộng trên cả nước, mà bài học có ý nghĩa rất quan trọng được thành phố thực hiện tốt là huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; Đặc biệt là hệ thống chính trị ở cơ sở kết hợp với huy động sức dân, các tổ Covid-19 cộng đồng tham gia chống dịch.

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài nhìn nhận, Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt, có sự thống nhất, thông suốt trên, dưới như một trong phòng, chống dịch Covid-19. Việc lãnh đạo thành phố đi kiểm tra tận nơi, xem xét các vấn đề cụ thể từng địa bàn đã tác động rất mạnh tới hệ thống chính trị ở cơ sở, tạo thành sự thống nhất trong cả hệ thống chính trị với tinh thần bao trùm là: “Chống dịch như chống giặc”, coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên số 1.

Quả thật vậy, xuyên suốt hơn 4 tháng qua từ khi dịch bùng phát đợt mới tại Hà Nội, thành phố đã có chỉ đạo từng cấp, ngành, đơn vị trong bất cứ tình huống nào cũng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND, Hà Nội đã áp dụng các biện pháp mạnh nhất gần với Chỉ thị 16 của Thủ tướng để quyết tâm ngăn dịch. Trước hạn chế như ở một số nơi việc thực hiện còn chưa nghiêm túc, người dân ra đường ở một số trục đường, khu vực vẫn rất đông, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã yêu cầu các quận huyện căn cứ vào tình hình thực tế để thực hiện các biện pháp phòng dịch mạnh mẽ hơn.

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phải đảm đương thật tốt vai trò “tư lệnh”, quán xuyến toàn diện công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; Nắm bắt ngay yêu cầu mới, bám sát địa bàn phụ trách, trọng tâm là siết chặt kỷ cương, kỷ luật, tất cả nhằm bảo vệ an toàn sức khoẻ, tính mạng người dân.

Mỗi địa bàn phải tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung của Chỉ thị số 17/CT-UBND và xử lý nghiêm các vi phạm, không để xảy ra tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng”. Chính quyền các cấp, trực tiếp là người đứng đầu phải công khai số điện thoại trực đường dây nóng và trực phòng, chống dịch để người dân biết liên hệ; Tổ chức trực ban 24/7 để kịp thời giải quyết công việc trong mọi tình huống.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nhấn mạnh, "thành phố cần quyết liệt hơn và muốn quyết tâm, quyết liệt thì từ cơ sở phải có chung nhận thức mới thực hiện được".

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh tặng quà động viên Tổ Covid -19 cộng đồng ứng trực ở điểm phong tỏa ngõ 200 Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa) 

Trong công tác đấu tranh và giữ vững thành quả phòng, chống dịch, yêu cầu tiên quyết được thành phố đưa ra là tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, bảo vệ bằng được thành quả công tác phòng, chống dịch vì an toàn và sức khoẻ Nhân dân.

Từng địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương và thành phố; Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và công điện của Chủ tịch UBND TP; Thực hiện rà soát, cập nhật, có phương án, kịch bản phòng, chống dịch cụ thể, chủ động, chặt chẽ, phù hợp thực tiễn và phải chuẩn bị phương án cao nhất.

Cấp ủy các cấp phải lãnh đạo hệ thống chính trị và huy động sự vào cuộc của toàn thể Nhân dân để phòng, chống dịch; Triển khai quyết liệt các biện pháp phát hiện nhanh, khoanh vùng gọn, cách ly kịp thời, thần tốc truy vết, xét nghiệm sàng lọc, điều trị tích cực, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trên diện rộng…

Hà Nội cũng yêu cầu người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn phụ trách với phương châm “4 tại chỗ”; Phân công cán bộ ứng trực để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh; Chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở.

Để siết chặt kỷ cương và kịp thời chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch, các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy thường xuyên bám sát địa bàn được phân công; Kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã trong công tác phòng, chống dịch, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Khi xuất hiện những biểu hiện chủ quan, buông lỏng ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương, thành phố chỉ đạo phải chấn chỉnh ngay.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu, từng nhiệm vụ phải gắn với trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu. Bí thư quận, huyện, thị ủy phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy về tình hình, kết quả thực hiện các biện pháp chống dịch trên địa bàn. Nơi nào, đơn vị nào để xảy ra dịch bệnh trên diện rộng, đình trệ các hoạt động kinh tế-xã hội do nguyên nhân chủ quan thì tùy mức độ sẽ bị xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu…

Sự chỉ đạo đúng, trúng, cùng với tinh thần chống dịch luôn được "lên dây cót" trong cả hệ thống đã giúp công tác phòng, chống dịch của Hà Nội tiến triển tích cực. Trong buổi trả lời báo chí mới đây, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã chia sẻ 5 kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống dịch của thành phố từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay.

Theo đó, một trong những kết quả đáng ghi nhận là hệ thống chính trị ở cơ sở của thành phố đã vào cuộc rất hiệu quả, đặc biệt là sự tham gia của người dân trực tiếp, tự nguyện, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch trên rất nhiều nội dung. Từ việc hỗ trợ, nhường cơm sẻ áo, chia sẻ với người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn của mình đến quyên góp ủng hộ Quỹ vắc xin, Quỹ phòng, chống Covid-19; Tham gia trực tiếp vào công tác phòng, chống dịch, vảo vệ "vùng xanh"... Nhờ đó, các “vùng đỏ” dần được thu hẹp, "vùng xanh" được mở rộng. Cho đến nay, Hà Nội chỉ còn 66 điểm cách ly.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình)

Mỗi xã, phường là một “pháo đài”, mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch

Trong đợt dịch này, thành phố phát huy tinh thần chủ động, quận lo cho quận, huyện lo cho huyện, phường, xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố cũng phải chủ động tự lo cho mình; Từng gia đình, người dân phải có trách nhiệm với chính mình, gia đình và cộng đồng, Thủ đô, đất nước. Phát huy tinh thần đó nhiều quận, huyện, xã, phường đã căn cứ vào tình hình địa phương, xây dựng các phương án chống dịch một cách sáng tạo.

 Từ mô hình 3 lớp tới 3 lớp + của huyện Đông Anh

Những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5, huyện Đông Anh là một trong những "điểm nóng" về dịch bệnh của Hà Nội, khi trên địa bàn có tới 4 ổ dịch có sự lây nhiễm trong cộng đồng, gồm: Thôn Lỗ Giao (xã Việt Hùng), khu tập thể ga Cổ Loa (xã Việt Hùng), thôn Bắc (xã Kim Nỗ) và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (xã Kim Chung).

Trong lúc “nước sôi, lửa bỏng”, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Đông Anh đã có nhiều sáng tạo, nhanh chóng đưa huyện trở thành "điểm nóng an toàn". Trong đó, sáng kiến quan trọng nhất là thực hiện "3 lớp cách ly ".

Cụ thể, ngoài trường hợp F0, F1 đã được đưa đi chữa bệnh, lớp cách ly thứ nhất là "khóa chặt" ổ dịch, đồng thời quản lý tốt công tác cách ly gia đình có người là F1 và các đối tượng F2. Lớp thứ hai là lập chốt kiểm soát sinh hoạt nội bộ tại các ngõ, xóm; Lớp thứ ba là khoanh vùng vòng ngoài đối với tất cả các thôn, làng, tổ dân phố với 1.611 chốt. Đối với lớp thứ ba, để bảo đảm công tác kiểm soát y tế, nhiều khu dân cư đã lập những "chốt cứng" để hạn chế việc đi lại tự do. Tất cả những người ra, vào các khu dân cư trong thời gian diễn ra dịch bệnh phải khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, khai báo điểm đến trong khu dân cư.

Ba lớp này bảo đảm cho việc phong tỏa diện nhỏ khu vực có người nhiễm bệnh nhưng công tác quản lý cách ly tiến hành hết sức chặt chẽ, ít ảnh hưởng đến hoạt động làm ăn, sinh hoạt… của những cộng đồng dân cư khác; Khi có ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, có thể khoanh vùng, truy vết thần tốc và hạn chế dịch bệnh từ nơi khác lây lan đến.

Để thực hiện được ba lớp cách ly kể trên, huyện Đông Anh đã kết hợp các hình thức tuyên truyền, từ loa phát thanh, phát tờ rơi, cho đến các đội tuyên truyền lưu động… huy động sự ủng hộ của người dân. Kết quả, huyện đã huy động được hơn 11 nghìn tình nguyện viên tham gia "cắm chốt". Mỗi ca trực chốt thường có ba người, một ngày có ba ca luân phiên, bảo đảm kiểm soát 24/24 giờ.

Cách làm này khiến huyện Đông Anh nhanh chóng ngăn chặn được việc lây lan dịch, bệnh trong cộng đồng; Tránh được việc phải thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng; Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026…

Trong khi đó tại quận Thanh Xuân, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của quận đã chỉ đạo áp dụng mô hình “3 lớp +” phòng dịch. Mô hình gồm: Chốt trực tại các khu chung cư, chợ, khu dân cư tập trung, siêu thị... Chốt trực của công an phường và liên ngành tại các đường giao thông nội bộ, có phương án ngăn bớt lối đi lại để thuận tiện cho việc kiểm soát; Chốt trực của lực lượng công an quận và liên ngành tại các đường vành đai, xuyên tâm; Bố trí các tổ tuần tra lưu động trên địa bàn quận.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt là sau khi nhận các ca mắc trên địa bàn phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh quyết định phong tỏa, cách ly khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan; Lập các hàng rào cứng ngăn chặn tất cả các ngách, lập 13 chốt kiểm soát có lực lượng công an, dân quân tự vệ; Lắp 10 camera an ninh giám sát, giám sát cả các lực lượng chức năng; Đưa vào 5 loa kéo tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh…

Nhận thấy mức độ lây lan dịch bệnh rất cao trong các khu nhà tập thể cũ, quận Thanh Xuân đã họp chốt phương án, xây dựng kế hoạch phân công các lực lượng di dời người dân khu vực phong tỏa đảm bảo an toàn tuyệt đối đến nơi ở mới. Trong đợt đầu, quận đã chủ động đưa 600 người dân đi chữa bệnh, cách ly tập trung; Đợt 2 đã di dời 1.200 người cách ly tập trung tại ký túc xá Đại học FPT.

Điểm tiêm chủng theo mô hình "Bệnh viện dã chiến" tại Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức 

Nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 và bảo đảm công tác phòng, chống dịch, nhiều điểm tiêm chủng với quy mô lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đi vào hoạt động. Tại quận Đống Đa, Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức đã được trưng dụng để tổ chức tiêm chủng cho người dân.

Một điều đặc biệt tại điểm tiêm Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức là tiêm chủng theo mô hình "bệnh viện dã chiến", sử dụng các vách ngăn để tạo thành các phòng tiêm riêng biệt, đảm bảo giãn cách cũng như hạn chế việc tiếp xúc đông người. Tất cả các khu vực như chờ tiêm, sàng lọc cũng như khu vực tiêm đều được tách biệt. Một quầy tiêm khép kín có diện tích khoảng 8m2 với một nhân viên tiêm chủng và một cán bộ nhập liệu. Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn người dân di chuyển một chiều theo lối đi riêng, đảm bảo đúng quy trình tiêm chủng.

Để đảm bảo tiến độ, các phường trên địa bàn quận Đống Đa đã lên kế hoạch phân bổ thời gian cho người dân, mỗi người sẽ đến theo giờ được sắp xếp để đảm bảo không ùn ứ cùng thời điểm, giãn cách theo qui định phòng chống dịch. Bên cạnh đó, quận cũng bố trí mỗi điểm tiêm có từ 1-2 tổ cấp cứu ứng trực, sẵn sàng phối hợp với các bệnh viện để kịp thời xử lý các tình huống nếu có.

Chốt kiểm soát "vùng xanh" trên địa bàn phường Bưởi, quận Tây Hồ để duy trì những vùng xanh an toàn trên toàn thành phố

Trước yêu cầu siết chặt quản lý “vùng xanh” trong thời điểm giãn cách xã hội nhằm hướng tới thu hẹp “vùng đỏ” và “vùng cam”, đảm bảo an toàn cho người dân, duy trì hiệu quả công tác phòng, chống dịch tại địa bàn, Quận ủy Tây Hồ đã ban hành kế hoạch tăng cường các biện pháp siết chặt quản lý "vùng xanh" an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Tại mỗi chốt kiểm soát, lực lượng chức năng thiết lập 1 lối ra - vào được rào chắn cơ động, phù hợp điều kiện thực tế để xe cấp cứu, cứu hỏa, bán hàng hóa lưu động có thể di chuyển và đảm bảo thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp. Các đường phụ, lối nhỏ, ngách ra vào khu vực thuộc “vùng xanh” an toàn đều phải chốt cứng, không cho ra vào, kể cả người và phương tiện… theo phương châm “giữ chặt, kiểm soát nghiêm”.

Theo Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng, việc triển khai “vùng xanh” an toàn trên địa bàn quận Tây Hồ là nét mới, sáng tạo gắn với văn hóa người Hà Nội, gắn liền với phong trào xây dựng các tổ dân phố an toàn, khu dân cư an toàn chung tay đẩy lùi Covid-19. Quận cũng đã lựa chọn ba phường Yên Phụ, Bưởi, Thụy Khuê là phường điểm thực hiện, từ đó rút kinh nghiệm triển khai đồng bộ tại 8 phường còn lại. Đến nay, 8/8 phường đã xây dựng và triển khai mô hình “Tổ dân phố xanh an toàn”, “chung cư xanh an toàn” với 266 "vùng xanh" an toàn tương ứng với 266 chốt trực.

Trong khi đó tại quận Hoàng Mai, nhằm hỗ trợ và động viên người dân sống trong các “vùng xanh”, chính quyền 14 phường trên địa bàn quận đã có những hành động thiết thực, kịp thời. Điển hình như một số chung cư “vùng xanh” trên địa bàn phường Đại Kim đã được tổ tự quản nhận đi chợ giúp cư dân 2 lần/tuần rồi chuyển qua các trưởng tầng để chia về từng hộ. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường Mai Động đã huy động xe của cán bộ phường mua rau sạch do người dân phường Lĩnh Nam trồng, đem tặng cho các chốt “vùng xanh”.

Xây dựng “vùng xanh” trong cuộc chiến chống Covid-19 đang là giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ sự an toàn ở những vùng chưa có dịch. Liều “vắc xin cộng đồng” hình thành ở mỗi “vùng xanh” là minh chứng rõ nhất cho mọi nỗ lực, sáng tạo và tinh thần vào cuộc của chính quyền cơ sở và người dân.

Tổ Covid-19 cộng đồng đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng 

Lấy sức dân duy trì thế trận phòng, chống dịch

Trong “cuộc chiến” chống “giặc Covid”, quan điểm người dân là trung tâm, chủ thể của công tác phòng chống dịch; Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân thường xuyên được lãnh đạo thành phố nhấn mạnh. Trong lúc chủng mới Delta biến chuyển phức tạp, việc phát huy sức dân càng trở nên quan trọng hơn, đòi hỏi các địa phương phải chủ động, sáng tạo trong vận dụng sức dân để phòng, chống dịch.

Tổ Covid-19 cộng đồng là chỗ dựa của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân, đồng thà một trong những giải pháp có tính chất “chìa khóa” giúp kiểm soát dịch bệnh tại cơ sở. Nhận thức rõ điều này, chỉ đạo xuyên suốt của Thường trực Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội là cấp ủy Đảng, chính quyền từ thành phố xuống cơ sở phải thật sự coi trọng và phát huy cao nhất vai trò của các tổ Covid-19 cộng đồng.

Trong các Công điện, Chỉ thị của Thành ủy, UBND TP đều nhấn mạnh vai trò của các tổ Covid-19 cộng đồng và yêu cầu các địa phương phải phát huy cao độ lực lượng này để tăng cường giám sát di biến động người từ các tỉnh, thành phố khác trở về địa bàn. Hằng ngày, tổ Covid-19 cộng đồng cập nhật, báo cáo chính quyền xã, phường, thị trấn theo mẫu hướng dẫn của Sở Y tế; Kiểm soát chặt chẽ, giám sát người từ các địa phương trở về Thủ đô.

Trước diễn biến phức tạp của chủng mới Delta, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở phải đặt người dân vào vị trí trung tâm, là lực lượng chính quản lý các chốt kiểm soát ở địa bàn dân cư; Lấy sự gương mẫu, tận tụy của cán bộ, đảng viên để lan tỏa, coi tổ Covid-19 cộng đồng làm nòng cốt, chọn những người có uy tín trong cộng đồng làm trung tâm để quy tụ Nhân dân tham gia chống dịch. Tới nay, toàn thành phố đã thành lập gần 26.000 tổ Covid-19 cộng đồng, phủ khắp 579 phường, xã, thị trấn.

Nhờ phát huy vai trò của các tổ Covid-19 cộng đồng tham gia quản lý người dân về từ vùng có dịch, xã Tri Thủy, huyện Phú Xuyên đã kiểm soát rất hiệu quả tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Chủ tịch UBND xã Tri Thủy (huyện Phú Xuyên) Lại Văn Quyết cho biết, khi dịch bùng phát mạnh ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, người dân đi làm ăn xa mong muốn trở về gia đình.

Nắm bắt được nhu cầu đó, xã đã phát huy vai trò của 44 tổ Covid-19 cộng đồng để rà soát, thống kê ngay các gia đình có người đi làm ăn xa; Yêu cầu khi nào về quê phải báo trước để bố trí tiếp nhận, yêu cầu ra trạm y tế khai báo và kiểm tra sức khỏe, ra quyết định cách ly và giao cho thôn, các tổ Covid-19 cộng đồng giám sát. Nhờ vậy, toàn xã Tri Thủy có dân số 11.000 người, gồm 5 thôn và 1 xóm nhưng đến nay cơ bản an toàn.

Để người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch, ngoài việc tuyên truyền ngày 3 buổi trên hệ thống loa truyền thanh, loa kéo, phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) yêu cầu các tổ Covid-19 cộng đồng đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng trở về từ vùng dịch. Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Lương Vương Quốc Tiến khẳng định, 84 tổ Covid-19 cộng đồng phường phát huy tốt vai trò kiểm tra, rà soát, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch. Đến nay, phường đã xử phạt 32 triệu đồng đối với 24 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Trước nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương của Hà Nội tiếp tục giao nhiệm vụ cho các tổ Covid-19 cộng đồng nhằm phát huy vai trò kiểm tra, giám sát, tuyên truyền trong công tác phòng, chống dịch.

Các tầng lớp Nhân dân chung tay giữ vững "vùng xanh" 

Xã Cao Dương gồm 7 thôn, có trục đường 429 xuyên qua xã và 1 chợ dân sinh, có cầu Mụ qua sông Đáy nối 2 huyện: Thanh Oai, Chương Mỹ, giáp với xã Phú Nam An của Chương Mỹ, phương tiện và người tham gia trên trục đường chính tương đối đông.

Để giữ vững "vùng xanh" an toàn, Chủ tịch UBND xã Cao Dương Trần Thế Anh cho biết, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã đã thành lập 7 chốt/7 thôn nằm trên trục đường chính, rào cứng cả đường, ngõ, lối đi tắt được xã rào cứng chỉ còn một đường ra, vào. Để duy trì công việc này, cán bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên, Nhân dân trên huyện đã tích cực tham gia trực chốt; Số lượng người tham gia 7 chốt hiện có 69 người, chốt nhiều nhất là 19 người, chốt ít nhất 12 người, thay nhau trực 3 ca với phương châm "Thôn an toàn không có dịch" từ ý thức cộng đồng.

Góp sức tích cực cho các chốt chống dịch còn có đông đảo lực lượng thanh niên tình nguyện. Trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, Huyện đoàn Thường Tín đã tham gia hỗ trợ lực lượng chức năng tại 4 chốt kiểm soát tại các nút giao Vạn Điểm, xã Vạn Điểm và Khê Hồi, xã Hà Hồi. Tại các chốt kiểm soát, đoàn viên, thanh niên thay phiên nhau trực 24/24 giờ, hỗ trợ lực lượng chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19. Để chung tay ngăn chặn dịch Covid-19, nhiều đoàn viên, thanh niên không quản ngại đêm tối, mưa gió, tích cực hỗ trợ lực lượng chức năng kiểm soát, đo thân nhiệt người ra, vào các cửa ngõ Thủ đô.

Trên địa bàn huyện Đông Anh cũng có hơn 600 điểm chốt trực tại các thôn trên địa bàn huyện, trong đó có khoảng 200 chốt do đoàn viên, thanh niên tình nguyện tham gia trực ca đêm. Bí thư Huyện đoàn Đông Anh Nguyễn Hùng Dũng cho biết, tại các điểm ra vào các thôn, khu dân cư, đoàn viên, thanh niên đã hỗ trợ giám sát y tế, đo thân nhiệt, ghi chép thông tin của người dân ra, vào thôn, tuyên truyền nhắc nhở việc đeo khẩu trang…

Ngoài việc triển khai đội xung kích trực chốt tại chốt kiểm soát, các huyện đoàn còn chỉ đạo các cơ sở Đoàn phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện tích cực triển khai tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Quận đoàn Bắc Từ Liêm đã tổ chức đội hình “Thanh niên tuyên truyền lưu động” phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đội hình gồm các đoàn viên, thanh niên sẽ đi xe đạp, mang theo loa vào các ngõ ngách để tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 kết hợp với việc phát hiện các trường hợp vi phạm phòng, chống dịch.

Cùng với đội ngũ thanh niên, nhiều cán bộ phụ nữ cũng mang theo loa kéo len lỏi vào từng ngõ, ngách để tuyên truyền vận động phòng chống dịch. Mỗi ngày, cứ 6 giờ sáng, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, 61 tuổi, Chi hội trưởng Chi Hội Phụ nữ số 4 phường Láng Thượng (quận Đống Đa) đã đạp xe ra khỏi nhà, phía sau xe chở thêm chiếc loa thùng tới một trong những “điểm nóng” về dịch bệnh của địa phương là khu vực hồ Láng Thượng, nơi có Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Bà Bình cho biết, nếu cứ để mặc kệ cho “loa nói”, thì sẽ không hiệu quả. Vì vậy, hễ thấy ai chưa chấp hành đúng các nguyên tắc phòng, chống dịch, bà nhẹ nhàng nhắc nhở. Thấy ai hoang mang, lo lắng, bà lại tìm cách trấn an tinh thần. Ai chưa nắm hết các quy định thì bà sẵn sàng “dừng xe” lại giải thích…