(Mặt trận) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 20/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ.
|
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương |
Chỉ thị nêu: Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021 - 2025, các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết Chính phủ, Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hằng năm; căn cứ vào quy định của pháp luật về thanh tra, hằng năm, Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng chương trình thanh tra và hướng dẫn thực hiện, trong đó, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra đã quan tâm thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ, tập trung vào việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước các cấp đã quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ. Qua thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ, các cơ quan thanh tra và Thủ trưởng các cơ quan quản lý đã phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động công vụ, đồng thời, thực hiện các biện pháp chấn chỉnh hoạt động công vụ và hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra.
Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ vẫn tồn tại những hạn chế, còn nhiều cơ quan, đơn vị chưa tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời nhằm siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ. Ngoài ra, thời gian gần đây có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy công việc; sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định xử lý các công việc thuộc thẩm quyền. Tình trạng này dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây lãng phí thời gian, nguồn lực, cơ hội phát triển, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, gây cản trở công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Xử lý kịp thời hành vi vi phạm đạo đức công vụ
Để khắc phục tình trạng trên, nhằm nâng cao trách nhiệm khi thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước; cần thiết phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, ngành, địa phương, Công điện số 968/CĐ-TTg ngày 16 tháng 10 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý, nhất là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến giải quyết công việc, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp và việc thực hiện chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị.
Trong quá trình kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện vi phạm thì áp dụng hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật để ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức công vụ; trường hợp cần thiết thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra; nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tăng cường xử lý sau thanh tra
Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quán triệt và chỉ đạo chặt chẽ công tác thanh tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao theo đúng quy định của Luật Thanh tra năm 2022, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra. Hằng năm, khi xây dựng kế hoạch thanh tra phải có nội dung thanh tra hoạt động công vụ.
Thủ trưởng các cơ quan thanh tra tăng cường quản lý, chỉ đạo triển khai các cuộc thanh tra hoạt động công vụ theo đúng quy định pháp luật về thanh tra. Đồng thời, tăng cường công tác xử lý sau thanh tra, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; kịp thời xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ.
Giám sát việc tuyển dụng, bổ nhiệm, xử lý kỷ luật cán bộ
Bộ trưởng Bộ Nội vụ rà soát, tham mưu hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động công vụ, nhất là đánh giá, nhận xét việc hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao của cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, khen thưởng, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm trong thi hành công vụ.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí, phương tiện thông tin đại chúng tăng cường thông tin, tuyên truyền về hoạt động công vụ và kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ; trong đó, quan tâm tuyên truyền biểu dương các điển hình tiên tiến có thành tích trong hoạt động công vụ, những cá nhân dám nghĩ, dám làm, có tính đột phá, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, phát hiện, góp ý, phê bình các cá nhân thiếu trách nhiệm, gây cản trở, khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp hoặc có hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân tăng cường giám sát hoạt động công vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức.
Yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện về Thanh tra Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tổng Thanh tra Chính phủ hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này.
Theo VGP