Xây dựng Nông thôn mới ở Hà Nội: Chương Mỹ sẵn sàng về đích

(Mặt trận) - Năm 2013, xã Thụy Hương - xã điểm của huyện Chương Mỹ được Trung ương lựa chọn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được công nhận đạt chuẩn. Từ đó đến nay, 29 xã của huyện đã lần lượt "về đích. Đối với các tiêu chí NTM cấp huyện, Chương Mỹ hiện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí và đang hoàn tất những công việc cuối để sẵn sàng đón nhận danh hiệu trong năm nay.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

Đoàn thẩm định NTM thành phố Hà Nội khảo sát việc thực hiện tiêu chí NTM tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Tường Vy

Bước ngoặt thay đổi diện mạo nông thôn

Chương Mỹ là huyện ngoại thành với số đơn vị hành chính nhiều đứng đầu thành phố Hà Nội (30 xã, 2 thị trấn). Người dân địa phương chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do là vùng rốn lũ, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang từ Hòa Bình, Quốc Oai, Sơn Tây dồn về nên sản xuất nông nghiệp đã khó lại càng thêm khó. Cùng với đó, tập quán canh tác manh mún, nhỏ lẻ, chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất khiến năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi không cao. Dù người dân cần cù, chăm chỉ lao động nhưng thu nhập bình quân toàn huyện năm 2010 chỉ đạt khoảng 11,3 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 17%. Đáng chú ý, thời điểm đó trên địa bàn huyện có 15 xã trọng điểm phức tạp về tình hình an ninh, trật tự, các vấn đề về ô nhiễm môi trường vượt ngoài tầm kiểm soát. Hệ thống hạ tầng cơ sở cũng còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Từ khi Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được triển khai đã tạo ra bước ngoặt lớn làm thay đổi diện mạo nông thôn của huyện. Sau quá trình phấn đấu bền bỉ, đến nay, 30/30 xã của huyện đã được TP. Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn NTM. Qua rà soát, đánh giá huyện có 9/9 tiêu chí đạt theo bộ tiêu chí huyện NTM quy định tại Quyết định số 558/QĐ-CP ngày 5.4.2016 của Thủ tướng Chính phủ. Hệ thống hạ tầng cơ sở ngày càng hoàn thiện, sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao làm gia tăng năng suất, chất lượng nông sản.

Chương Mỹ giờ đây là vùng quê trù phú với các vùng sản xuất chuyên canh, các mô hình trang trại quy mô lớn với doanh thu hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Các làng nghề truyền thống vươn mình phát triển mạnh mẽ với đa dạng sản phẩm thu hút sự quan tâm của khách hàng trong và ngoài nước. Thu nhập bình quân toàn huyện hiện đã đạt gần 60 triệu đồng/người/năm.

Thay đổi của Chương Mỹ có lẽ thể hiện rõ nhất ở hệ thống hạ tầng cơ sở ngày càng đồng bộ, khang trang, hiện đại. Toàn bộ đường giao thông trên địa bàn được nhựa hóa, bê tông hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại, phục vụ sản xuất của người dân. Hệ thống trường học và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp, không còn phòng học tạm, phòng học cấp 4 dột nát, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt trên 76 %. Hệ thống trạm y tế, điện nông thôn, kênh mương nội đồng, chợ thương mại cơ bản đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Bên cạnh đó, huyện luôn chú trọng bảo vệ môi trường. Đặc biệt, người dân đã tích cực hưởng ứng, chung tay tham gia giữ gìn, vệ sinh môi trường, góp phần đem lại cảnh quan ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Phát huy vai trò chủ thể của người dân

Để có được thành quả hiện tại, trong xây dựng NTM, Chương Mỹ luôn phát huy cao nhất vai trò chủ thể của Nhân dân. Huyện luôn tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Người dân được tham gia bàn bạc, thảo luận, giám sát những công việc trực tiếp liên quan đến lợi ích, nhất là xây dựng quy hoạch, đề án NTM, việc triển khai các công trình, phần việc... Qua đó, tạo được lòng tin và sự phấn khởi trong Nhân dân.

Trong xây dựng NTM, ngoài nguồn lực từ ngân sách thì sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân có vai trò quan trọng. Xác định được điều này, huyện đã có nhiều giải pháp huy động các nguồn lực xã hội trên cơ sở phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân. Báo cáo của UBND huyện cho thấy, trong hơn 10 năm thực hiện xây dựng NTM, huyện đã huy động người dân đóng góp 98.279 ngày công, 2.286m2 đất thổ cư, 57,12ha đất nông nghiệp để mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng và trên 1.000 tỷ đồng tiền mặt, hiện vật. Tiêu biểu có ông Nguyễn Xuân Đông - Giám đốc Công ty TNHH An Quý Hưng đã đầu tư xây dựng nhà đa năng trường THCS Trường Yên, diện tích 520m2; đổ bê tông sân trường Tiểu học xã Trường Yên với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa cho biết, bên cạnh nỗ lực thực hiện nhiều cách làm mới, sáng tạo, các địa phương trên địa bàn huyện luôn tích cực học tập kinh nghiệm xây dựng NTM của các đơn vị đã thực hiện thành công, vận dụng vào điều kiện cụ thể của địa phương để triển khai, thực hiện. Nhờ đó, huyện Chương Mỹ đã đạt chuẩn NTM cấp huyện trước 1 năm và hiện đang hoàn tất các thủ tục để đón Đoàn thẩm định NTM Trung ương về đánh giá kết quả thực hiện trong tháng 11.

Về kế hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Với phương châm xây dựng NTM không có điểm kết thúc, sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM cấp huyện, Chương Mỹ sẽ tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn. Phấn đấu đến năm 2025, sẽ có 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 10 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người đạt 85 - 95 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 1%.