Trao sinh kế để hộ nghèo vươn lên

(Mặt trận) - Cùng chung tay để giúp đồng bào Công giáo vươn lên xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, trong những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) đã triển khai hiệu quả nhiều hoạt động ý nghĩa như hỗ trợ con giống, vật nuôi; các mô hình kinh tế.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

Trao tặng bò cho đồng bào hộ nghèo ở Bố Trạch (Quảng Bình). 

Huyện Bố Trạch có 8 xã có người dân theo đạo Công giáo, chiếm trên 15% dân số. Thực hiện chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước, những năm qua, Ủy ban MTTQ huyện Bố Trạch đã quan tâm công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm các xã vùng có đạo. 

Nhận thấy mô hình trồng nấm cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, năm 2020, sau khi nghiên cứu mô hình trồng nấm ở nhiều nơi, Ủy ban MTTQ huyện Bố Trạch đã triển khai mô hình hỗ trợ hộ nghèo vùng đồng bào Công giáo ở thôn Trằm Mé (thị trấn Phong Nha) và thôn Bồng Lai 2 (xã Hưng Trạch) trồng nấm sò nguyên liệu.

Được biết, trước khi triển khai mô hình, MTTQ huyện phối hợp với Hợp tác xã sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng nấm cho các hộ dân, ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm cho người trồng….

Trong vườn nấm sò của mình, ông Đinh Xuân Hòa (69 tuổi, ở thôn Bồng Lai 2, xã Hưng Trạch) phấn khởi cho biết, giữa tháng 8/2020, gia đình được Mặt trận huyện hỗ trợ 200 bịch nấm sò để trồng nhằm nâng cao đời sống gia đình. “Qua thực tế, tôi thấy nấm sò dễ trồng và dễ chăm sóc; và để nấm sinh trưởng tốt cần phải cung cấp đủ nước, độ ẩm và thu hái, bảo quản đúng kỹ thuật. Gia đình rất vui khi có thêm nguồn thu nhập để vươn lên xóa đói giảm nghèo”.

Để triển khai mô hình trồng nấm, năm 2020, Ủy ban MTTQ huyện Bố Trạch đã hỗ trợ 2 tổ hợp tác (gồm 10 thành viên/tổ), là các hộ nghèo vùng đồng bào Công giáo tại thôn Bồng Lai 2 (xã Hưng Trạch) và thôn Trằm Mé (thị trấn Phong Nha). Mỗi hộ được nhận 200 bịch trị giá 1,6 triệu đồng. Đây là giống nấm dược liệu được Hợp tác xã sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh cung cấp.

Sau một năm triển khai thực hiện, 2 tổ hợp tác đã thu được gần 2.000 kg nấm sò. Lợi nhuận bước đầu từ bán nấm sò đã giúp các hộ nghèo vùng đồng bào Công giáo ở xã Hưng Trạch và thị trấn Phong Nha ổn định cuộc sống, hăng hái vươn lên xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Được biết, từ hiệu quả của mô hình trồng nấm sò, nấm linh chi, đến nay đã có bước lan tỏa. Tại tổ hợp tác giáo họ Mỹ Sơn giáo xứ Khe Ngang, xã Phúc Trạch (gồm 10 hộ nghèo, 3 hộ cận nghèo) do ông Nguyễn Hữu Nghị xây dựng đã cho thu nhập ổn định, tạo việc làm cho người lao động, bình quân thu nhập hàng tháng từ 6 đến 8 triệu đồng.

Triển khai hỗ trợ các mô hình sinh kế cho hộ nghèo, Mặt trận huyện đã trích 600 triệu đồng từ nguồn Quỹ Vì người nghèo để hỗ trợ 40 con bò giống sinh sản cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại các xã Phúc Trạch, Lâm Trạch, Sơn Trạch và Xuân Trạch để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, Mặt trận huyện Bố Trạch đã phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Bình trao 199 con bò giống sinh sản cho các hộ nghèo ở các xã Hưng Trạch, Sơn Trạch, Liên Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch, Lâm Trạch và Hoà Trạch.

Đặc biệt, Ủy ban MTTQ huyện đã tổ chức kết nối giữa các khu dân cư vùng đồng bằng có điều kiện phát triển về kinh tế, xã hội giao lưu, kết nghĩa với các khu dân cư vùng Công giáo còn gặp nhiều khó khăn. Đến nay, hoạt động trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương đã hỗ trợ xây dựng sân thể thao, nhà văn hóa, tặng quà cho hộ nghèo vùng Công giáo với tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng…

Ông Lê Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bố Trạch cho biết: Thực hiện Kết luận số 02 của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận trong công tác tôn giáo (Kết luận 02), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã tích cực tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo tới các địa phương có người dân theo đạo.

“Đồng thời, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, gặp gỡ, vận động các chức sắc, chức việc, bà con giáo dân các giáo xứ, giáo họ thực hiện các hoạt động tôn giáo đúng quy định của pháp luật, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Đặc biệt, để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho giáo dân, Mặt trận huyện đã triển khai các hoạt động hỗ trợ sinh kế, cụ thể như chương trình hỗ trợ con giống, vật nuôi, bò sinh sản, cải thiện nhà ở, vốn sản xuất kinh doanh để phát triển các mô hình kinh tế”, ông Hưng cho biết.