(Mặt trận) - Định hướng mới trong công tác phòng, chống dịch được người đứng đầu Chính phủ nhiều lần nhắc nhở, chỉ đạo mạnh mẽ tại các cuộc họp, làm việc, đi kiểm tra thực tế tại các điểm nóng dịch bệnh.
|
Người dân ra, vào chốt kiểm soát ngõ Văn Chương cần có các giấy tờ theo quy định như giấy đi đường, giấy tờ cá nhân. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN) |
Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến thế giới và Việt Nam. Từ đầu năm 2021 đến nay, đặc biệt trong các tháng 7, 8 và nửa đầu tháng 9, đợt dịch lần thứ 4 với chủng mới Delta có khả năng lây lan nhanh và nguy hiểm đang kéo dài ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương có khu công nghiệp lớn, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân và tình hình an ninh, trật tự xã hội.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều ngày qua đã dồn toàn lực trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa tăng cường chống dịch, vừa chăm lo phát triển kinh tế-xã hội.
Theo sát diễn biến tình hình dịch bệnh và nhìn xa hơn thế để có kịch bản ứng phó thích hợp, có thể thấy sự chuyển hướng kịp thời trong chỉ đạo và quyết liệt trong thực hiện của Chính phủ cũng như người đứng đầu Chính phủ.
Cùng với sự thống nhất, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, những diễn biến khả quan trong khống chế dịch bệnh tại các địa phương trọng điểm những ngày gần đây đã cho thấy sự đúng đắn trong chiến lược phòng, chống dịch.
Phải thực sự bắt đầu từ cơ sở, từ người dân
Liên tiếp trong hai ngày 22 và 23/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành các Công điện 1099, 1102 và các chỉ đạo tiếp theo về việc tăng cường thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Các chỉ đạo này được đưa ra trên cơ sở sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm thực tiễn phòng, chống dịch thời gian qua, có kế thừa, bổ sung và đổi mới, trong đó xác định phương châm: Lấy xã, phường, thị trấn, nhà máy, xí nghiệp làm “pháo đài,” mỗi người dân là “chiến sỹ” phòng, chống dịch.
Trung tuần tháng 8/2021, chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An... những địa phương đang phải gồng mình ứng phó với diễn biến dịch COVID-19 hết sức phức tạp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu từ tập trung cao độ ở cấp tỉnh, thành phố, chúng ta chuyển sang phòng, chống dịch vừa tập trung vừa phân tán xuống đến tận cấp phường, xã.
Định hướng mới trong công tác phòng, chống dịch được người đứng đầu Chính phủ nhiều lần nhắc nhở, chỉ đạo mạnh mẽ tại các cuộc họp, làm việc, đi kiểm tra thực tế tại các điểm nóng dịch bệnh.
Công tác phòng, chống dịch được triển khai với phương châm “mỗi xã, phường, thị trấn là một pháo đài,” “mỗi người dân là một chiến sỹ,” kết hợp linh hoạt, hài hòa, hiệu quả giữa tập trung chỉ đạo và phân cấp tổ chức thực hiện tại địa bàn gần dân nhất, sát dân nhất (xã, phường, thị trấn) và tiếp nhận, đáp ứng nhanh nhất các yêu cầu của người dân. Sự chuyển hướng trong công tác phòng, chống dịch được đưa ra trên cơ sở phân tích tình hình thực tiễn và sự thống nhất của các bộ, ngành, địa phương.
Ngay đầu tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo với lãnh đạo các địa phương. Cuộc họp bàn về công tác phòng, chống dịch nói chung nhưng tập trung vào trọng tâm là làm rõ nhiệm vụ cấp xã/phường/thị trấn.
Thủ tướng nhấn mạnh, điều này rất phù hợp với hệ thống chính trị Việt Nam, vì người dân sống ở xã, phường, thị trấn; xã, phường, thị trấn là nơi gần dân nhất, hiểu dân nhất, tiếp xúc nhiều nhất, trực tiếp nhất với dân.
Sự chuyển đổi hướng về cơ sở đã được cụ thể hóa rõ nét trong triển khai công tác phòng, chống dịch. Đích thân Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 và các thành viên của Ban Chỉ đạo đã trực tiếp thị sát, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại xã, phường, thị trấn của các địa phương là điểm nóng trong đợt dịch thứ 4 này. Đó là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang... với những diễn biến đặc biệt phức tạp, hay thủ đô Hà Nội với những tiềm ẩn nguy cơ nếu không quyết liệt, rốt ráo.
Sự sâu sát của lãnh đạo Chính phủ tới từng địa bàn trọng điểm, đã tạo sự chuyển động mạnh mẽ trong tư duy và cách làm của từng địa phương, đơn vị trong công tác phòng, chống dịch. Qua kiểm tra, những điểm yếu, bất cập, hạn chế đã được chỉ ra, chấn chỉnh kịp thời để công tác phòng, chống dịch phải thực sự bắt đầu từ cơ sở, bắt đầu từ người dân. Đây là thành trì trọng yếu nhất để phòng, chống COVID-19 cũng như duy trì thành quả khi đã khống chế dịch bệnh.
Các cuộc họp quan trọng của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-9 đã được kết nối trực tuyến với không chỉ lãnh đạo các tỉnh, thành phố, mà cả lãnh đạo các cấp chính quyền cơ sở. Đơn cử, đầu tháng 9 cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 đã được kết nối trực tuyến với lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố, 705 huyện, thị xã và 9.043 xã, phường, thị trấn.
Những chỉ đạo sâu sát trong phòng, chống dịch hay những kinh nghiệm tốt, cách làm hay và việc chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện đã được truyền đạt trực tiếp xuống tận cấp sơ sở.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mỗi xã, phường, thị trấn phải là một “pháo đài,” người dân là “chiến sĩ,” là chủ thể, trung tâm trong phòng, chống dịch COVID-19. Theo tinh thần đó, các địa phương đã có sự chuyển động tích cực, cụ thể hóa sự chỉ đạo từ Trung ương bằng những cách làm sáng tạo, qua đó phát huy vai trò "thành trì" trong chống dịch của các "pháo đài" và chủ thể trung tâm của công tác này, đó chính là người dân.
|
Chốt cứng 'vùng xanh' tại phố Phan Huy Ích cắt ngõ Hàng Bún. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN) |
Chuyển biến tích cực
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) Phạm Thị Thanh Hiền, nơi vừa công bố cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, huyện tập trung vào các giải pháp tuyên truyền để mỗi người dân phải là chiến sĩ thật sự trên mặt trận phòng, chống dịch.
Chính người dân đã phát hiện những người đi đến từ nơi khác để báo cáo chính quyền địa phương về khai báo y tế. Huyện đã thành lập các chốt "cứng", chốt "mềm", chốt di động, bảo đảm người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, phòng trọ cách ly phòng trọ, bởi trên địa bàn có rất nhiều khu trọ với mật độ dày đặc...
Ngay khi được triển khai mô hình “Khu dân cư xanh an toàn, Tổ dân phố xanh an toàn, Chung cư xanh an toàn” theo Kế hoạch số 43-KH/QU ngày 04/8/2021 của Quận ủy Tây Hồ (Hà Nội) để tạo nhiều “vùng xanh,” quận đã xác định việc xây dựng các mô hình tự quản để phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư dưới sự chỉ đạo của cấp uỷ chi bộ có ý nghĩa quyết định.
Từ ngày đầu thiết lập với 141 “Khu dân cư Xanh an toàn, Tổ dân phố Xanh an toàn, Chung cư Xanh an toàn” và lập 301 chốt an toàn, tất cả đường chính, đường phụ, lối mở, ngõ ngách từng phường và toàn quận được kiểm soát chặt chẽ.
Việc tham gia các chốt trực “vùng xanh” không chỉ có sự tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của thành viên Tổ COVID cộng đồng, mà còn có sự tham gia của từng người dân, đó là đoàn viên, hội viên, bảo vệ dân phố, dân quân, cán bộ, đảng viên nghỉ hưu, đảng viên đang công tác, qua đó góp phần giữ vững “vùng xanh an toàn.”
Trong các cuộc thị sát, làm việc với các địa phương là điểm nóng của đợt dịch thứ 4, các chỉ đạo nhất quán tập trung hướng về cơ sở đã được quán triệt sâu sắc.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính họp về công tác phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Không báo trước, đầu tháng 9/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thâm nhập thực tế một số cơ sở tại Hà Nội để kiểm tra công tác phòng, chống dịch. Kiểm tra đột xuất tại phường Thanh Xuân Trung - nơi đang là điểm nóng nhất về dịch bệnh tại Hà Nội lúc đó, Thủ tướng nhắc nhở và phê bình lãnh đạo phường, quận cần nghiêm túc hơn trong phòng, chống dịch, chăm lo tốt hơn cuộc sống cho người dân.
Mới đây nhất, ngày 17/9, khi chủ trì cuộc làm việc của Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ về thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu Kiên Giang tiến hành đánh giá lại nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, huyện, thị xã, thành phố đến xã, phường và tới tận từng ấp, tổ dân phố, khu phố, “càng chi tiết càng tốt.”
Tại cuộc làm việc với tỉnh Tiền Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu tỉnh Tiền Giang tiếp tục giữ vững từng “pháo đài” xã, phường, thị trấn, bởi bên trong từng “pháo đài” lại chia nhỏ, nắm sát từng thôn, ấp, tổ dân phố, khu phố, từ đó đánh giá nguy cơ và thực hiện biện pháp phòng, chống dịch, kể cả xét nghiệm sát với thực tiễn. “Tiến tới chống dịch là phải nắm được tình hình của từng cá nhân, từng gia đình, từng đơn vị nhỏ nhất,” Phó Thủ tướng nói.
Sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, đúng hướng của Chính phủ đã đem lại những kết quả tích cực. Trong số 23 địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, đến nay, đã có 8 địa phương kiểm soát dịch tốt gồm Hậu Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Phú Yên, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau. 12 địa phương còn lại gồm Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch.
Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương đã có nhiều cố gắng, tình hình đang chuyển biến theo hướng tích cực. Tiêu biểu, Thành phố Hồ Chí Minh đã bao phủ vaccine phòng COVID-19 hơn 90% mũi 1 và gần 20% mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên; số ca tử vong đang giảm dần.
Tại 40 địa phương còn lại, tình hình dịch vẫn đang trong tầm kiểm soát, trong đó Cao Bằng chưa có dịch.
Những chuyển biến đạt được đã khẳng định các biện pháp phòng, chống dịch đề ra là đúng đắn, kịp thời, đặc biệt là sự chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; lấy xã, phường, thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sỹ, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân./.
Quỳnh Hoa