Quảng Trị: Phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

(Mặt trận) -Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Quảng Trị đã chủ động phối hợp với ngành Tài nguyên và Môi trường tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT) cho đội ngũ cán bộ mặt trận, đoàn thể, vận động các tầng lớp nhân dân, đồng bào các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở khu dân cư.

Mang Tết đến với người nghèo huyện Tri Tôn

Niềm vui được đón Tết trong những ngôi nhà mới ở Quảng Trị

TP Đà Nẵng: Phát động chương trình Xóa nhà tạm, nhà dột nát” năm 2025

 Tặng quạt điện cho các hộ dân gặp khó khăn tại buổi lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới” tại thôn Thuận Chánh An do Hội LHPN xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng tổ chức.

Ngành Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị thực hiện các chương trình, hoạt động BVMT, huy động cộng đồng tham gia, phát triển thành các phong trào BVMT. Gắn việc triển khai các mô hình điểm BVMT, lấy đó làm một trong những tiêu chí để đánh giá, bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”.

Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng tôn giáo về BVMT và ứng phó với BĐKH thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền, thuyết giảng trong quần chúng nhân dân, tín đồ về BVMT, ứng phó với BĐKH và thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm để tạo sự chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi, sống có trách nhiệm với xã hội. Tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo, các buổi thuyết giảng giáo lý, giáo luật, trong đó có lồng ghép phổ biến về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BVMT, ứng phó với BĐKH.

Qua triển khai thực hiện chương trình phối hợp, các tôn giáo xây dựng được nhiều mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và từng tôn giáo, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào các tôn giáo và người dân ở cộng đồng trong công tác BVMT, ứng phó với BĐKH.

Nhiều nội dung đã được lồng ghép vào việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân tham gia BVMT” nên đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các ngành và đoàn thể; sự hưởng ứng tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân, các tầng lớp nhân dân cũng như các cộng đồng tôn giáo.

Ở nhiều địa phương, các tôn giáo đã có những mô hình hiệu quả, cách làm hay, tiêu biểu như: xây dựng mô hình điểm cấp tỉnh về “BVMT và ứng phó với BĐKH trong các tôn giáo” tại Giáo xứ Bố Liêu, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong. Giáo xứ Tân Lương, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng với cách làm thông qua các buổi lễ đã truyền thông cho giáo dân, tín đồ về công tác BVMT, ứng phó với BĐKH.

Hằng tháng đã huy động giáo dân và phối hợp với người dân trên địa bàn tổ chức vệ sinh môi trường bằng các hoạt động cụ thể như thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh, trồng cây xanh, hoa ven đường và giao trách nhiệm cho các hộ giáo dân chăm sóc, quản lý.

Mô hình “Giáo xứ bình yên, đảm bảo an ninh trật tự, BVMT và ứng phó BĐKH” ở thôn Hội Điền xã Hải Phong, Hải Lăng được xây dựng với phương châm “trồng cây xanh, thắp sáng đường quê, sử dụng nước hợp vệ sinh, xóa ao tù nước đọng, thu gom, xử lý rác thải”.

Chùa Quy Thiện, xã Hải Quy, huyện Hải Lăng xây dựng mô hình “BVMT, ứng phó với BĐKH và phong trào nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”; mô hình Phật tử chùa Phước An ứng phó với BĐKH và đảm bảo an ninh trật tự xã Hải An, huyện Hải Lăng. Giáo hội Phật giáo huyện Triệu Phong xây dựng hệ thống lọc nước sạch tại thôn Linh Chiểu, xã Triệu Sơn với tổng giá trị gần 1 tỉ đồng cho hơn 350 hộ dân ở trong vùng sử dụng.

Thành phố Đông Hà xây dựng mô hình điểm về “BVMT và ứng phó với BĐKH” tại Khu phố 2, Phường 5 với cách làm hay, sáng tạo như phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình, xây dựng tuyến đường hoa gắn với đèn đường, cột cờ, tạo cảnh quan môi trường sáng-xanhsạch-đẹp.

Các tổ chức tôn giáo đã cùng mặt trận và các tổ chức đoàn thể thực hiện các phong trào “Ngày Chủ nhật xanh, khu dân cư tự quản về BVMT”, tổ chức tổng vệ sinh trên các tuyến đường như ở Nhà thờ Thạch Hãn, Niệm Phật đường Thạch Hãn, “Đường hoa yêu thương” ở các chùa và niệm phật đường ở huyện Cam Lộ; mô hình đường hoa ở Niệm Phật đường Đạo Đầu, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong.

Mô hình “Khu dân cư BVMT và ứng phó với BĐKH” tại thôn Bình Long, xã Phong Bình, huyện Gio Linh; mô hình “Nước sạch cho người dân” ở giáo xứ Ngô Xá, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong với phương châm xây dựng hệ thống lọc nước đạt chuẩn cung cấp cho giáo dân và người dân ở trong vùng và người dân tự nguyện góp kinh phí mỗi khi lấy nước về dùng; mô hình “Làng Vân Kiều không thuốc lá, rượu bia” của các tín đồ Tin lành ở thôn Vùng Kho, xã Đakrông, huyện Đakrông.

Dự án nước sạch, công trình vệ sinh của Hội thánh Tin lành Quảng Trị với tên gọi “Giếng nước tình thương” đã làm 20 giếng khoan nước, 10 giếng nước đào, 30 bể chứa, 1 bể lọc, 30 lọc nước, 15 nhà vệ sinh với tổng giá trị 1,75 tỉ đồng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân tôn giáo luôn đoàn kết xây dựng, bảo vệ cảnh quan xanh, sạch, đẹp; các chùa, niệm phật đường, tịnh xá, nhà thờ... đã được cải tạo, trùng tu hoặc xây mới đảm bảo khang trang, sạch đẹp để bà con có đạo thực hiện các hoạt động tín ngưỡng, lễ bái.

Các tổ chức tôn giáo thực hiện công tác BVMT bằng các hoạt động cụ thể. Nhiều chức sắc, chức việc trong các buổi lễ tôn giáo đã nhắc nhở, vận động tín đồ thực hiện nếp sống văn minh, không đốt tiền và vàng mã, hạn chế sử dụng túi nilon, chai nhựa.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có khoảng 136 cơ sở thờ tự, cơ sở tôn giáo xây dựng các mô hình BVMT, ứng phó với BĐKH, đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới với sự tham gia của hàng ngàn tín đồ và người dân.

Thông qua các mô hình với cách làm sáng tạo, phù hợp của từng địa phương, từng tổ chức tôn giáo với các mô hình đã phát huy được hiệu quả, sự đoàn kết đồng lòng của các tín đồ và người dân trên địa bàn trong việc chung tay BVMT, ứng phó với BĐKH.

Từ đó, xây dựng nên các khu dân cư, thôn, xóm sáng, xanh, sạch, an ninh trật tự được đảm bảo, xây dựng những làng quê đáng sống, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”.

Khanh Lâm