Quảng Bình nỗ lực giảm nghèo bền vững: Ý chí, nội lực của hộ nghèo là điều kiện tiên quyết

(Mặt trận) - Giai đoạn 2016 - 2020, cùng với cả nước, Quảng Bình đã thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần bảo đảm an sinh, tạo động lực cho phát triển. Tuy nhiên, những thay đổi về tiêu chí đo lường trong giai đoạn mới và tác động của dịch bệnh Covid-19 cũng đặt ra những khó khăn, thách thức không nhỏ, đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc của chính quyền, người dân.

Lan tỏa Mô hình Khu dân cư kiểu mẫu

Hòa Bình: Xóa nhà dột nát giúp người nghèo ổn định cuộc sống

MTTQ các cấp huyện Châu Thành củng cố khối đại đoàn kết

Nhiều mô hình, sinh kế trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả 

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Bình luôn hỗ trợ, đồng hành với người nghèo, cận nghèo theo phương châm “trao cần câu chứ không trao con cá”. Rất nhiều chính sách được ban hành, triển khai hiệu quả đã tạo động lực để người dân vươn lên thoát nghèo.

Lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ 

Về thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, hỏi anh Nguyễn Đức Cường ai cũng biết bởi anh là điển hình vươn lên thoát nghèo ở địa phương. Theo chia sẻ của anh Cường, mỗi năm gia đình anh nuôi từ 1 - 2 lượt chim cút đẻ, 300 - 400 ngan, gà cung ứng giống cho người dân trong vùng… Bên cạnh làm trang trại kinh tế tổng hợp, anh còn trồng sen bán hạt và chăm sóc 2 mẫu lúa. Nhờ đó, mỗi năm gia đình thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

Còn với anh Hồ Minh ở bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, từ nguồn vốn vay ngân hàng, anh đầu tư mua bò, trâu, dê núi và giống keo để trồng rừng. Nhờ đó, mỗi năm gia đình thu khoảng 150 triệu đồng và đã thoát nghèo (năm 2018). Đặc biệt, giai đoạn 2017 - 2021, anh được UBND tỉnh Quảng Bình tặng bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.

Cũng như anh Hồ Minh, gia đình ông Trần Văn Thuận (thôn Kim Sen), trước đây là hộ nghèo của xã Trường Xuân. Nhờ được tham gia các lớp tập huấn về trồng cây ăn quả, ông Thuận quyết định chuyển đổi 1,2ha đất đồi trồng keo sang trồng hồ tiêu; trồng thêm 10ha keo tràm, 8ha thông lấy nhựa, nhiều loại cây ăn quả và nuôi thêm 35 đàn ong lấy mật. Với mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt, sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông Thuận thu về gần 200 triệu đồng.

Hay như với gia đình ông Cao Tiến Sơn ở xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, nhờ nguồn vốn của các chương trình, dự án và được ưu tiên hỗ trợ con giống, kỹ thuật sản xuất nên đến nay gia đình ông đã thoát nghèo… “Gia đình ông Sơn là một trong những hộ dân được xã tập trung hỗ trợ thoát nghèo. Nếu như trước đây, các nguồn hỗ trợ sản xuất từ các chương trình, dự án ưu đãi của Đảng và Nhà nước thường được chia đều cho tất cả người dân thì những năm gần đây, xã đã thay đổi cách làm. Thay vì hỗ trợ dàn trải, xã tập trung nguồn vốn cho một số hộ nghèo (luân phiên) để bà con có số tiền lớn hơn mua cây, con giống có giá trị, đầu tư sản xuất”, Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn Đinh Hồng Tuyên chia sẻ.

Thực tế, để giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, mỗi địa phương ở Quảng Bình có những cách làm khác nhau phù hợp với thực tiễn. Đại diện lãnh đạo UBND huyện Minh Hóa cho biết, những năm qua, huyện đã lồng ghép các nguồn vốn (Chương trình 30a, 135…) hỗ trợ người dân mua các giống vật nuôi như: Bò lai sind, lợn ngoại và dành 5,5 tỷ đồng phát triển chăn nuôi; hỗ trợ cây giống phát triển trồng rừng kinh tế; khuyến khích người dân phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Với những cách làm cụ thể, mỗi năm, huyện giảm được khoảng 4% hộ nghèo…

Cùng với đó, huyện đã chọn giải pháp xuất khẩu lao động và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM để giúp người dân thoát nghèo. Đơn cử, trong sản xuất nông nghiệp, huyện ưu tiên phát triển đàn bò lai để nâng cao giá trị chăn nuôi và thu nhập cho nông dân… Với những bước đi phù hợp, đến nay, Tuyên Hóa là địa phương dẫn đầu tỉnh về tỷ lệ bò lai sind (hơn 70% tổng đàn).

Thay đổi tư duy, phương thức hỗ trợ

Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng, miền, đặc biệt ở khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS, những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều chính sách đầu tư lớn của Đảng và Nhà nước như: Quyết định số 1722/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn, Nghị quyết 30a giảm nghèo nhanh, bền vững… Thông qua đó, người nghèo đã tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của Nhà nước; cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường, đời sống của người dân từng bước được cải thiện.

Bên cạnh đó, thông qua các chính sách về dân tộc, Đảng và Nhà nước đã đầu tư nhiều kinh phí để xây dựng các mô hình sinh kế nhằm góp phần phát triển sản xuất, chăn nuôi cho người dân. Nhiều mô hình, sinh kế mang lại hiệu quả như: Nuôi ong (huyện Minh Hóa); trồng keo (huyện Tuyên Hóa); các trang trại chăn nuôi lợn, gà, vịt (huyện Bố Trạch); mô hình lúa - cá, trồng mướp đắng, bí đỏ (huyện Lệ Thủy)…

Theo số liệu của Sở LĐ, TB và XH tỉnh Quảng Bình, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 (áp dụng cho năm 2021) đã giảm từ 14,42% (năm 2016) xuống còn 3,24% (năm 2021); tính theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 (áp dụng cho giai đoạn 2022 - 2025) hộ nghèo năm 2021 chiếm 6,52%... Thành tích nổi bật nhất trong công tác giảm nghèo ở Quảng Bình thời gian qua là nhiều hộ nghèo đã thay đổi được nếp nghĩ để có cách làm mới vươn lên thoát nghèo.

“Có được kết quả này nhờ thay đổi tư duy về giảm nghèo, chuẩn nghèo ở các cấp, ngành và mỗi địa phương, từ cán bộ cơ sở đến người dân. Phương thức hỗ trợ hộ nghèo chuyển từ cho không sang trợ giúp một phần, có đối ứng. Các địa phương từng bước xây dựng nhiều mô hình liên kết sản xuất nhằm tạo điều kiện cho người nghèo sử dụng hiệu quả chiếc “cần câu”, giảm nghèo bền vững”, đại diện Sở LĐ, TB và XH tỉnh chia sẻ.

Kết quả giảm nghèo của tỉnh chưa thực sự bền vững. Ảnh: Châu San 

Mặc dù có nhiều nỗ lực song đến nay, toàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn hơn 16.000 hộ nghèo và hơn 13.000 hộ cận nghèo... Thực tế đó, đòi hỏi tỉnh phải điều tra xác định rõ nguyên nhân nghèo để có giải pháp đến từng hộ, từng địa phương; xác định ý chí, nội lực của hộ nghèo là điều kiện tiên quyết để giảm nghèo bền vững.

Nguy cơ tái nghèo còn cao

Giảm số hộ nghèo là mục tiêu quan trọng nhưng không dễ triển khai. Tại Tuyên Hóa, năm 2021, toàn huyện có 1.263 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều (chiếm 5,07%); cận nghèo 1.439 hộ (chiếm 5,78%). Còn theo kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2022 - 2025, huyện có 2.192 hộ nghèo (chiếm 8,78%); 1.591 hộ cận nghèo (chiếm 6,37%)... Phó Chủ tịch UBND huyện Hồ Vũ Thường cho biết, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện vẫn còn không ít khó khăn như: một số xã chưa phát huy tốt nội lực và tiềm năng thế mạnh, chưa chủ động lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với công tác giảm nghèo; chính sách đầu tư tạo sinh kế cho người nghèo chưa nhiều... Do đó, chưa tạo được sự đột phá, nguy cơ tái nghèo cao.

Tương tự Tuyên Hóa, đại diện lãnh đạo UBND huyện Minh Hóa cho biết, huyện gặp 3 khó khăn đặc thù trong công tác giảm nghèo. Đó là: điều kiện địa lý khó khăn, ảnh hưởng đến bố trí đất sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; phong tục tập quán lạc hậu, mặt bằng dân trí thấp; việc tiếp cận thông tin còn chậm, ứng dụng kỹ thuật mới vào công việc còn hạn chế… “Thiên tai tác động và ảnh hưởng nặng nề đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo của huyện. Sau những đợt thiên tai bão lũ, trên địa bàn huyện tiếp tục có nhiều hộ tái nghèo”, đại diện UBND huyện chia sẻ thêm.

Còn với huyện Lệ Thủy, công tác tuyên truyền tại một số xã, thị trấn còn hạn chế; một bộ phận người dân chưa hiểu tầm quan trọng của việc tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo nên vẫn còn tình trạng khai báo chưa trung thực, che giấu tài sản, nhân khẩu… Theo số liệu từ công tác thực hiện rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, toàn huyện có 2.922 hộ nghèo (chiếm 6,98%); 1.909 hộ cận nghèo (chiếm 4,56%).

Tuyên Hóa, Minh Hóa hay Lệ Thủy chỉ là ba trong số nhiều huyện khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang phải loay hoay với chỉ tiêu giảm nghèo. Bởi, xét trên tổng thể, kết quả giảm nghèo của tỉnh Quảng Bình chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn còn cao so với mức trung bình cả nước. Việc hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo còn thiếu nguồn lực. Kết cấu hạ tầng tại các địa bàn đặc biệt khó khăn chưa đồng bộ. Một bộ phận hộ nghèo chưa chủ động vươn lên thoát nghèo; nguy cơ tái nghèo vẫn còn cao…

Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo giảm nghèo của một số cấp ủy, chính quyền có lúc, có nơi chưa quyết liệt; ngân sách địa phương đầu tư cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các địa bàn nghèo để giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tiêu thụ, chế biến sản phẩm và cải thiện thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; chất lượng giáo dục, y tế tại các xã khó khăn chưa được cải thiện…

Thay đổi hướng tiếp cận về giảm nghèo 

Tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2022 của HĐND tỉnh, Bí thư Huyện ủy huyện Minh Hóa Bùi Anh Tuấn đề nghị tỉnh huy động, lồng ghép các chương trình, dự án giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm phù hợp để tăng nguồn lực cho công tác giảm nghèo; khuyến khích các doanh nghiệp liên kết tạo sản phẩm và ưu tiên về tiêu thụ, đầu ra cho sản phẩm; tăng thêm sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân... Đồng thời, quan tâm đến những người yếu thế trong xã hội, thể hiện tinh thần “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Cũng từ góc độ địa phương, Bí thư Huyện ủy huyện Tuyên Hóa Nguyễn Hoài Nam đề xuất, tỉnh cần sớm cụ thể hóa Nghị quyết về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 bằng các chính sách, nguồn lực hỗ trợ cụ thể, thiết thực để từng bước rút ngắn khoảng cách về tỷ lệ hộ nghèo giữa các địa phương. Đồng thời, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh thấp hơn hoặc bằng bình quân chung của các tỉnh Bắc Trung bộ; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân mỗi năm từ 1% trở lên (giảm tỷ lệ hộ nghèo ở huyện mới thoát nghèo, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ 4% trở lên), UBND tỉnh Quảng Bình đã đề ra nhiều nhóm giải pháp, như: đổi mới, nâng cao chất lượng phổ biến, quán triệt, thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo. Trong đó, thường xuyên thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện công tác giảm nghèo; nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo; xác định ý chí, nội lực của chính hộ nghèo là điều kiện tiên quyết để giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo; lấy sự phát triển của người nghèo làm mục tiêu trong các chương trình, dự án. Tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện; xây dựng và phát triển đồng bộ các giải pháp giảm nghèo; tăng cường vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong việc vận động nguồn lực, kiểm tra giám sát việc thực hiện các chính sách, dự án về giảm nghèo… Đồng thời, huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về giảm nghèo…