(Mặt trận) - Trong phiên làm việc buổi sáng ngày 27/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Phiên thảo luận được truyền hình và phát thanh trực tiếp.
Chú ý đặc thù vùng miền
Các đại biểu bày tỏ ấn tượng với kết quả đạt được sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2010 – 2020), đồng thời cho rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt, năng động của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tinh thần cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử. ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) khẳng định, kết quả này đã thổi luồng sinh khí mới vào cuộc sống của người dân, tạo nên diện mạo mới ở vùng nông thôn ở khắp mọi miền đất nước, tạo niềm tin mạnh mẽ của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, để xây dựng nông thôn mới thực sự chất lượng, đi vào chiều sâu, bền vững, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị, Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá kỹ các tồn tại, hạn chế cùng với những nguyên nhân được chỉ ra từ quá trình tổ chức thực hiện vừa qua để rút ra bài học kinh nghiệm, cơ chế phối hợp giữa các chủ thể trong tổ chức, vận hành chương trình cũng như việc đánh giá, công nhận, huy động nguồn lực xã hội, trong đó có vấn đề truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm của mình với cộng đồng, cũng như khơi dậy sự tự nguyện, đồng thuận của xã hội trong xây dựng nông thôn mới.
|
ĐBQH Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh
|
Theo ĐBQH Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang), Chính phủ phải khắc phục cho được những vấn đề từ giai đoạn trước, như: một số địa phương đã đạt chuẩn nhưng các tiêu chí đạt được còn thiếu tính bền vững, trong đó, môi trường vẫn là tiêu chí khó với nhiều địa phương; sản xuất nông nghiệp còn phân tán, hiệu quả chưa cao, sản xuất chưa gắn với thị trường. Đại biểu nhấn mạnh, Chương trình trong giai đoạn tới phải hướng đến mục tiêu cao nhất là xây dựng nông thôn mới trở thành nơi đáng sống, thu nhập, đời sống vật chất và đời sống tinh thần của người dân đều phải được nâng lên.
|
Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa). |
Về nguồn lực xây dựng nông thôn mới, ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) băn khoăn khi dự kiến ngân sách Trung ương bố trí cho giai đoạn 2021 – 2025 chỉ bằng 61% so với giai đoạn 2016 – 2020. Ông đề nghị Chính phủ nên hỗ trợ các địa phương vẫn còn phải cân đối ngân sách từ Trung ương, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách dự kiến gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch Covid – 19.
Theo đề xuất của Chính phủ, tỷ lệ đối ứng vốn ngân sách của địa phương là khoảng 156.700 tỷ đồng, chiếm 6,4% trong cơ cấu tổng thể nguồn lực thực hiện Chương trình, trong đó, dịch bệnh chưa biết lúc nào kết thúc, các địa phương đang sử dụng mọi nguồn lực, tăng cường cho công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội. Nêu thực tế này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị, cần cân nhắc phù hợp hơn với tình hình thực tiễn về nguồn vốn đối ứng này. Bên cạnh đó, trong xây dựng, ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức hỗ trợ cần chú ý đến đặc thù vùng, miền; chú trọng đến vùng miền núi, Tây Nguyên để bố trí nguồn vốn, như dựa vào diện tích tự nhiên khu vực nông thôn, dân số, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ người dân tộc thiểu số để giúp cho các địa phương thực sự khó khăn có thêm nguồn lực triển khai chương trình...
"Tri thức hóa" người dân nông thôn
|
ĐBQH Châu Quỳnh Giao (Kiên Giang) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh
|
Cho rằng hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông ở vùng nông thôn rất cần thiết để "tri thức hóa" người dân nông thôn, ĐBQH Châu Quỳnh Giao (Kiên Giang) nêu rõ, nhờ công nghệ này, người dân đã cập nhật được dự báo thời tiết, biết được mình sẽ trồng cây gì, nuôi con gì có giá trị kinh tế cao, cách trồng, cách nuôi thế nào để đạt năng suất, bán ở thời điểm nào, ở đâu có giá. Đặc biệt trong thời kỳ đại dịch Covid – 19, nhờ công nghệ thông tin ở vùng sâu vùng xa, người dân biết được diễn biến tình hình, từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác không lơ là, chủ quan và trẻ em vùng sâu vùng xa có thể dừng đến trường nhưng không phải dừng học.
Tuy vậy, đại biểu tỉnh Kiên Giang cũng chỉ rõ, trên bản đồ phủ sóng internet còn nhiều khoảng trống ở một số vùng, ví dụ Tây Bắc, Tây Nguyên, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng internet chỉ đạt 46,1%; hay một số tỉnh phía Bắc, thậm chí tỷ lệ này có tỉnh chỉ đạt khoảng 13%. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại. Trong khi đó, chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đề cập đến chính sách hỗ trợ cho 550.000 hộ nghèo điện thoại di động. Nếu những hộ này ở vùng thôn, bản chưa có lưới điện và internet thì liệu có khả thi hay không? Đặt câu hỏi này, đại biểu Châu Quỳnh Dao đề nghị, Chính phủ cần thực hiện đồng bộ giải pháp hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông. Có chính sách ưu đãi cho các dự án đầu tư nghiên cứu phát triển chuyển giao công nghệ. Nếu chỉ dùng kỹ thuật số mặt đất thì tỷ lệ phủ sóng ở vùng bị chia cắt vẫn rất khó khăn. Do đó, theo đại biểu, cần có giải pháp để bà con không bị "nghèo" về truyền thông.
|
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, để phát triển bền vững, bên cạnh việc tiếp tục phát triển hạ tầng, cần chú trọng hơn những giá trị mới cần gắn kết được cơ cấu lại nền nông nghiệp với chương trình xây dựng nông thôn mới.
“Cơ cấu lại nền nông nghiệp là động lực để thực hiện nguyên tắc “Nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, cần chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, lấy kinh tế nông nghiệp là nền tảng để phát triển nông thôn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, cơ cấu lại nền nông nghiệp với những mô hình nông nghiệp mới như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh gắn với chuỗi ngành hàng thì mới có thể thực sự phát triển bền vững.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, có 17 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận, các ý kiến thảo luận đã bao quát toàn diện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến các đại biểu để hoàn thiện dự thảo, gửi đại biểu Quốc hội cho ý kiến trực tiếp trước khi trình Quốc hội thông qua.
Hoàng Ngọc/Đại biểu Nhân dân