(Mặt trận) - Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành một nét đẹp trong đời sống của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện Vĩnh Linh. Đây không chỉ là một hoạt động có ý nghĩa xã hội thiết thực, đem lại không khí vui tươi, đầm ấm trong khu dân cư (KDC), mà còn là diễn đàn rộng rãi để mỗi người dân phát huy dân chủ, vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc và lan tỏa tinh thần “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
|
Lãnh đạo huyện Vĩnh Linh trao giấy khen cho các tập thể tiêu biểu tại lễ tổng kết 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc - Ảnh: P.N |
20 năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở huyện Vĩnh Linh luôn được các cấp mặt trận và chính quyền đặc biệt quan tâm và tổ chức chu đáo. Với nội dung xuyên suốt là ôn lại lịch sử dựng nước và giữ nước, truyền thống đại đoàn kết của dân tộc được bồi đắp qua hàng ngàn năm lịch sử, truyền thống MTTQ Việt Nam qua các thời kỳ gắn với vai trò, vị trí và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong khối đại đoàn kết toàn dân... Từ đó, đã góp phần giáo dục, bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, tăng cường tình đoàn kết cũng như sự đồng thuận xã hội để viết tiếp những dấu ấn trên hành trình đưa quê hương đổi mới, phát triển.
Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 18/11, 100% KDC trên địa bàn huyện đều tổ chức ngày hội với nhiều hoạt động vui tươi và ý nghĩa, được đông đảo Nhân dân đồng tình, tham gia.
Trong đó, phần hội nổi bật với các hoạt động như: hội thi các trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ, thể dục - thể thao... đã góp phần bảo tồn, gìn giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống, thuần phong mỹ tục của quê hương, đất nước.
Hoạt động “Bữa cơm đoàn kết” trong KDC đã trở thành nét đẹp riêng của ngày hội, làm gắn kết tình làng nghĩa xóm. Hay như hoạt động tặng quà và xây dựng, sửa chữa nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ mô hình kinh tế cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... đã bồi đắp thêm tinh thần sẻ chia, truyền thống tương thân, tương ái tốt đẹp của dân tộc.
Tính riêng Quỹ “Vì người nghèo”, trong giai đoạn từ 2016 - 2020, đã hỗ trợ sản xuất cho gần 150 hộ gia đình; xây dựng mới và sửa chữa gần 500 nhà Đại đoàn kết, cho 68 hộ nghèo vay vốn làm ăn.
Cùng với đó là các hoạt động biểu dương, khen thưởng hàng nghìn lượt hộ gia đình văn hóa tiêu biểu, các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp ở địa phương, ký kết giao ước thi đua giữa các KDC... đã lan tỏa tinh thần thi đua, ý chí vươn lên sôi nổi giữa các tập thể, tổ chức và cá nhân; góp phần thực hiện tốt các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng gia đình văn hóa”.
Tại ngày hội, ngoài việc đánh giá kết quả hoạt động của KDC trong năm, đây cũng là dịp để mỗi người dân thể hiện quyền dân chủ và quy chế dân chủ cơ sở, được tham gia ý kiến bổ sung quy ước, hương ước KDC; phát huy tinh thần tự quản trong bàn bạc, thảo luận, đưa ra ý kiến đóng góp, tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động do các ngành, MTTQ và các tổ chức thành viên tổ chức.
Nhờ đó, trong những năm qua đã có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo của người dân phát huy hiệu quả và được áp dụng rộng rãi; trên địa bàn xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, những điển hình, nhân tố mới trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, thi đua phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo, góp phần đóng góp tích cực vào quá trình thực nhiệm vụ phát triển KT-XH và xây dựng NTM của địa phương.
Với sự đoàn kết, chung sức của người dân, bộ mặt nông thôn Vĩnh Linh đang ngày càng khởi sắc. Toàn huyện hiện có 15/18 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao, 44 thôn, bản đạt NTM kiểu mẫu; huyện cũng đã đạt 7/9 tiêu chí huyện NTM.
Tình hình KT-XH huyện đang trên đà phát triển với cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phù hợp nền kinh tế thị trường; trong đó, tỉ trọng nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 23,4%; công nghiệp - xây dựng chiếm 31,6%; thương mại - dịch vụ chiếm 45%. Tổng giá trị sản xuất bình quân hằng năm của huyện luôn tăng từ 10-12%.
Thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 55,3 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều giảm còn 2,89%. 142/149 thôn, bản, khu phố được công nhận văn hóa, đạt 95,3%; 113/113 cơ quan, đơn vị được công nhận đạt danh hiệu văn hóa, 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; tỉ lệ người dân tham gia BHYT đạt 96,7%, 42/51 trường học đạt chuẩn quốc gia...
Mặt khác, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã huy động tất cả các thành phần, tầng lớp trong hệ thống chính trị từ cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đến toàn thể Nhân dân trong các KDC cùng tham gia vào các hoạt động đầy ý nghĩa...
Điều này đã phát huy được tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết và sức mạnh tổng hợp của cả chính trị, vai trò làm chủ của Nhân dân tham trong gia xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể ngày càng vững mạnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc”.
Bởi vì, đại đoàn kết dân tộc chính là nhiệm vụ của quần chúng, do quần chúng, vì quần chúng. Đảng có sứ mệnh thức tỉnh, tập hợp, đoàn kết quần chúng tạo thành sức mạnh vô địch trong cuộc đấu tranh vì độc lập cho dân tộc, tự do cho Nhân dân, hạnh phúc cho con người.
Để không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân theo tư tưởng, quan điểm của Bác Hồ vĩ đại “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, trong thời gian tới các cấp mặt trận huyện Vĩnh Linh sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở KDC.
Gắn việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết với triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị, KT-XH tại địa phương. Kết hợp tổ chức ngày hội với công tác an sinh xã hội, biểu dương các gương điển hình và thực hiện tốt công tác vận động xã hội hóa tạo nguồn lực trong việc tổ chức ngày hội cùng các hoạt động ở KDC.
Đồng thời, không ngừng lan tỏa việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” không chỉ trong Ngày hội Đại đoàn kết mà còn cả trong đời sống thường ngày của mỗi người dân.
Phúc Nguyên