Hướng tới “tam nông” hiện đại, văn minh, giàu có

(Mặt trận) -Với những quyết sách, cách làm linh hoạt, phù hợp thực tiễn địa phương, sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết “tam nông” đã làm thay đổi toàn diện nông nghiệp, nông thôn Cần Thơ. Theo đó, sản xuất nông nghiệp phát triển hiện đại, cơ sở hạ tầng vùng nông thôn khang trang. Ðời sống vật chất, tinh thần người dân khu vực nông thôn ngày càng nâng cao.

Mặt trận Tổ quốc huyện Cai Lậy huy động tốt nguồn lực chăm lo an sinh xã hội

Bình Thuân: Lan tỏa yêu thương, chăm lo cho người nghèo

Hiệu quả từ Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo ở huyện Yên Sơn

 Mô hình trồng bưởi cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn huyện Thới Lai.

Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết số 26) đã được cả hệ thống chính trị trong thành phố nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực, từ đó đạt được nhiều kết quả to lớn. Những kết quả mang lại không chỉ làm cải thiện rõ rệt đời sống cho đa số nông dân mà còn đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Một trong những điểm nhấn trong phát triển nông nghiệp chính là thành phố đã kiên trì thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Thành phố mở rộng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” thành phong trào “Cánh đồng lớn” và “Cánh đồng lúa sạch”, với diện tích trên 30.000 ha/vụ. Trong mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” đã hình thành 10.000ha lúa sạch, 100ha sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn Global GAP và 336ha sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Thành phố phát triển nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái, nhất là những loại cây có giá trị kinh tế cao và mang tính đặc trưng của vùng như xoài, nhãn, sầu riêng, măng cụt, vú sữa… Ðến nay, có 17,4ha chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP; xây dựng 37 vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái, góp phần tăng lợi nhuận cao gấp 1,5-2 lần. Lĩnh vực chăn nuôi được chú trọng tái cấu trúc theo phương thức an toàn sinh học và an toàn vệ sinh thực phẩm; hình thành các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung quy mô lớn, liên kết sản xuất theo chuỗi. Thành phố hiện có 4 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi và đã hình thành 198 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung...

Giai đoạn 2008-2021, thành phố tích cực triển khai nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao trong nông nghiệp, với tổng số 149 nhiệm vụ khoa học, công nghệ. Qua đó, đã hình thành 183 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 52 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 275 sản phẩm nông sản và thủy sản, góp phần tăng năng suất, tăng hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu, nâng cao thu nhập cho nông hộ và giảm nghèo bền vững...

Tiếp tục đi vào chiều sâu

Ðến các vùng nông thôn của Cần Thơ hôm nay, dễ dàng nhận thấy một vùng nông thôn văn minh đang hiện rõ với những tuyến đường bê tông thẳng tắp nối dài khắp các xóm, ấp, những ngôi nhà khang trang san sát và cả những người nông dân hăng hái sản xuất. Ðó là kết quả của sự hòa quyện giữa ý Ðảng, lòng dân trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Ðến cuối năm 2020, TP Cần Thơ đã hoàn thành 36/36 xã và 4/4 huyện đạt chuẩn NTM, sớm hơn một năm so với kế hoạch. Cần Thơ là địa phương đầu tiên ở ÐBSCL và thứ ba trong cả nước hoàn thành nhiệm vụ NTM. Ðến nay, thành phố có 17/36 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Là địa phương đầu tiên của TP Cần Thơ hoàn thành chương trình xây dựng NTM và đang tiến gần đến mục tiêu huyện NTM nâng cao, vùng nông thôn của Phong Ðiền đã có những chuyển biến rõ nét. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Ðiền chia sẻ: Thành quả Phong Ðiền đạt được chính là nhờ sự đồng thuận cao, tham gia tích cực của bà con nhân dân, chủ thể xây dựng NTM. Bắt đầu từ những việc giản đơn như công tác vệ sinh môi trường, phong trào khuyến học, thể dục thể thao, cho đến những điều lớn hơn như nông thôn phát triển có quy hoạch và theo quy hoạch, có hạ tầng khang trang với điện, đường, trường, trạm đạt chuẩn... Thay đổi được nếp nghĩ của người dân nông thôn thì chất lượng đời sống sẽ chuyển biến tích cực.

Triển khai từ năm 2018, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã nhanh chóng lan tỏa rộng khắp trên địa bàn thành phố, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi ở khắp nơi, trở thành điểm nhấn quan trọng để nâng cao chất và lượng của chương trình NTM. Chương trình OCOP không chỉ tạo ra sản phẩm mang tính hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi tư duy sản xuất, mà còn tạo nền tảng cho Cần Thơ có những thuận lợi đưa nông sản địa phương vươn ra “biển lớn”. Ðến nay, Cần Thơ đã có 41 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên, trong đó có 2 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao.

Nghị quyết số 26 đã mang lại nhiều thành tựu bứt phá cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân của thành phố. Trong giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Cần Thơ đề ra mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp thành phố từng bước hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, vùng sản xuất nông nghiệp gắn kết với chuỗi liên kết giá trị và các lĩnh vực hỗ trợ. Xây dựng sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận chất lượng, có đăng ký nhãn hiệu, truy xuất được nguồn gốc. Khu vực nông thôn trở thành nơi đáng sống, thu nhập và đời sống người dân được nâng cao...

Ðể đạt mục tiêu trên, ông Nguyễn Ngọc Hè cho biết: Trong thời gian tới, TP Cần Thơ tiếp tục đeo đuổi mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong giai đoạn mới theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ðó là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp đô thị; mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với chế biến và xuất khẩu đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; phát triển chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản. Song song đó, thành phố tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng NTM trong giai đoạn mới, đó là: NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, NTM thông minh gắn với tiến trình đô thị hóa của thành phố. Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch ở nông thôn.

TT