(Mặt trận) - Để không ai bị bỏ lại phía sau trong "cuộc chiến" chống lại dịch bệnh Covid-19 cũng như đảm bảo an sinh xã hội, Chính phủ đã triển khai gói hỗ trợ chưa từng có trong tiền lệ với tổng kinh phí 62.000 tỷ đồng.
|
Với người nghèo gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ được ví như là phao cứu sinh để ổn định cuộc sống. |
Theo đó, các nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp không chỉ tập trung vào những đối tượng bảo trợ xã hội mà còn mở rộng ra ở một số nhóm đối tượng như: đối tượng chính sách, người có công, người lao động hoặc lao động không có hợp đồng lao động. Thậm chí các doanh nghiệp, những hộ kinh doanh cá thể cũng được nhận trợ cấp từ gói chính sách này.
Phao cứu sinh cho những người vừa thoát nghèo
Chồng mất sớm, một nách nuôi 3 đứa con nhưng với quyết tâm không thể để con thiếu thốn và lớn lên trong mác con hộ nghèo, chị Nguyễn Thị My ở Gia Khánh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc xin đi học lớp sơ cấp nghề ngắn hạn rồi đi làm công nhân. Nhờ có tay nghề chăm chỉ làm thêm giờ thu nhập, chị hàng tháng cũng được từ 8 đến 13 triệu đồng. Với mức thu nhập này cuối năm 2018 gia đình chị chính thức được xét ra khỏi hộ nghèo.
Tưởng cuộc sống cứ thế bình yên trôi qua thì đầu năm 2020 dịch Covid-19 đổ ập xuống, nỗi lo cơm áo gạo tiền, vòng luẩn quẩn đói nghèo lại hiện hữu. Dịch rồi cũng đã được khống chế và hết cách ly nhưng chị My vẫn chưa thể đi làm.
Công ty sa thải hàng loạt lao động và chị My là đối tượng cắt giảm đầu tiên vì đã ở ngưỡng gần 40 tuổi. Thất nghiệp ở nhà, cả bốn mẹ con chỉ biết trông vào 3 sào ruộng lúa còn chưa trổ bông.
Đang ở giai đoạn hoang mang, lo sợ chạy ăn từng bữa như năm trước thì chị My được UBND xã trao 3 triệu đồng theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
“Với nhiều người 3 triệu đồng không nhiều nhưng với những người có thâm niên hộ nghèo như tôi thì 3 triệu đồng vô cùng lớn. Nhờ có 3 triệu đồng đó tôi đã có chút vốn đi buôn, thu nhập không bằng đi làm công nhân nhưng cũng đủ nuôi 3 con ăn học”, chị My tâm sự.
Đến giờ dù cuộc sống đã tạm ổn nhưng nhớ lại những ngày nhận tin thất nghiệp vì ảnh hưởng do dịch Covid, chị Tạ Thị Suốt, tỉnh Hà Nam không giấu vẻ lo âu chia sẻ: Tôi một nách 3 con, chồng thì chạy thận, cuộc sống vốn dĩ rất khó khăn, mọi chi tiêu rồi tiền chữa bệnh đều trông vào việc làm thêm của tôi.
Thế rồi dịch Covid ập đến, mọi cơ hội đi làm thêm để mưu sinh đều đóng sầm lại. Đúng lúc hoang mang nhất thì tôi được nhận 3 triệu đồng theo Quyết định 15. Số tiền ấy như phao cứu sinh giúp gia đình tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất khi giãn cách xã hội vì dịch Covid, chị Suốt nói.
Niềm tin vô giá từ gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng
Có lẽ đó không chỉ là niềm vui riêng của chị My, chị Suốt mà là niềm vui chung của hàng chục triệu người dân khi Chính phủ triển khai gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng.
Với quan điểm không để ai bị bỏ lại phía sau, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Theo đó gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng sẽ dành cho 7 nhóm đối tượng: Lao động bị nghỉ việc, mất việc, chấm dứt hợp đồng lao động; người sử dụng lao động khó khăn về tài chính; hộ kinh doanh cá thể có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm; người có công; đối tượng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, cận nghèo; lao động tự do, không có hợp đồng lao động. Điểm đặc biệt và khác biệt nhất của gói hỗ trợ an sinh xã hội này là hỗ trợ cho cả người lao động tự do, không có hợp đồng lao động - lao động phi chính thức, bởi đây là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch Covid.
Liên quan đến việc triển khai gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, tính đến ngày 13/7, theo thông tin từ Kho bạc Nhà nước Việt Nam, đã thực hiện giải ngân khoảng 11.600 tỷ đồng để hỗ trợ cho hơn 11,5 triệu người dân (trong tổng số 15,8 triệu người được phê duyệt) và 9.425 hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 gây ra.
Theo ông Đào Ngọc Dung, đến nay các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc chi trả hỗ trợ đối với nhóm đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, với khoảng 11,2 triệu người. Số kinh phí hỗ trợ khoảng 11.300 tỷ đồng.
Mặc dù trong quá trình triển khai gói hỗ trợ ở nhiều địa phương vẫn còn lúng túng và để xảy ra sai sót, tuy nhiên theo ông Đào Ngọc Dung, Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là gói hỗ trợ rất toàn diện, thể hiện được vai trò “bà đỡ” của Nhà nước. Qua đó, góp phần khẳng định chủ trương hết sức nhân văn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam, hướng tới thực hiện mục tiêu kép.
“Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng là khoản ngân sách không nhỏ, chưa từng có tiền lệ và mang tính cấp bách dành cho người dân và doanh nghiệp (DN), giúp chia sẻ bớt gánh nặng khó khăn. Cái được lớn nhất, thông qua gói hỗ trợ này được các nước trên thế giới cũng như người dân trong nước ghi nhận, đồng tình ủng hộ. Và nó thực sự là phao cứu sinh để góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho những lao động yếu thế. Từ đó niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và Chính phủ được nâng lên. Đây là cái được vô giá!", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Lê Minh Long