Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân (nếu đã được hưởng phụ cấp thâm niên quân đội) sau đó được chuyển ngành sang làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội hoặc doanh nghiệp Nhà nước thì khi nghỉ hưu được tính hưởng phụ cấp thâm niên quân đội trong lương hưu.
Bà Đặng Thị Thu (tỉnh Hưng Yên) đề nghị cơ quan chức năng giải đáp trường hợp sau:
Ông Lợi từ tháng 5/1978 đến tháng 6/1988 tham gia quân ngũ, quân hàm khi phục viên là Thượng úy, hưởng phụ cấp thâm niên là 9%. Từ tháng 7/1988 đến tháng 3/2003 ông không tham gia BHXH. Từ tháng 4/2003 đến tháng 4/2018 ông là Chủ tịch Hội nông dân xã, hệ số lương 2,25.
Bà Thu hỏi, khi nghỉ hưu ông Lợi có được tính phụ cấp thâm niên không? Có quy định nào đối với thời gian bị gián đoạn không?
Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:
Theo thông tin bà Thu cung cấp, ông Lợi có thời gian công tác trong quân đội từ tháng 5/1978 đến tháng 6/1988 sau đó phục viên về địa phương, cấp bậc khi phục viên là Thượng úy, hưởng phụ cấp thâm niên là 9%, từ tháng 4/2003 đến tháng 4/2018 là Chủ tịch Hội nông dân xã.
Theo quy định của pháp luật, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân (nếu đã được hưởng phụ cấp thâm niên quân đội) sau đó được chuyển ngành sang làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội hoặc doanh nghiệp Nhà nước thì khi nghỉ hưu được tính hưởng phụ cấp thâm niên quân đội trong lương hưu.
Đối chiếu với quy định này, ông Lợi là sĩ quan phục viên về địa phương, không phải là sĩ quan chuyển ngành nên không được tính phụ cấp thâm niên quân đội vào lương hưu.
Theo Chinhphu.vn