Một bạn đọc hỏi: Bố của tôi sinh năm 1952, là thương binh hạng 2/4, nhập ngũ ngày 03/07/1971, bị thương và được điều trị tại Bệnh viện Quân khu IV. Năm 1978, bố tôi xuất ngũ về địa phương. Các giấy tờ xuất ngũ của bố tôi ghi năm sinh là 1953; hồ sơ BHYT ghi năm sinh 1953 nhưng chứng minh nhân dân lại ghi năm sinh là 1952, vì thế, khi đi khám, chữa bệnh bố tôi không được hưởng chế độ BHYT. Trường hợp này phải làm thế nào để được hưởng chế độ BHYT?
(Ảnh minh họa)
Trả lời:
Căn cứ Khoản 1, 2 Điều 1 Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 về Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng ngày 16/07/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Khoản 1, Điều 7 Thông tư số 25/2016/TT-BLĐTBXH ngày 26/7/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn xác định, quản lý đối tượng tham gia BHYT theo quy định tại Khoản 4, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật BHYT:
“Chỉ đạo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội cấp huyện cung cấp danh sách người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng cho UBND cấp xã để làm căn cứ lập danh sách tham gia BHYT và triển khai thực hiện việc xác định đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn, đối chiếu với cơ quan BHXH cấp huyện”.
Như vậy, trường hợp của bố bạn, hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ xác nhận là thương binh nhưng giấy tờ tùy thân không khớp về năm sinh, đề nghị liên hệ với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội nơi lập danh sách cấp thẻ BHYT để được hướng dẫn và đề nghị cơ quan BHXH điều chỉnh năm sinh ghi trên thẻ BHYT.
Ban Sổ - Thẻ (BHXH Việt Nam)
Theo Tạp chí BHXH Việt Nam