Đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê thì phải lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê và được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép.
Ông Ngô Trần Hùng (Bình Định) công tác tại Trung tâm văn hóa, thông tin cấp huyện, là đơn vị sự nghiệp công. Đơn vị của ông cho thuê mặt bằng tổ chức tiệc cưới, giải khát, các dịch vụ trò chơi trẻ em, câu lạc bộ thể thao... và các khoản thu trong hội trường, nhà thi đấu đa năng.
Ông Hùng hỏi, đơn vị có được cho thuê và sử dụng số tiền thu từ các dịch vụ trên không? Nếu được thì phải làm những thủ tục gì?
Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Theo Điều 55, 57 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Điều 44, 46 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 thì:
- Tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) được sử dụng vào mục đích cho thuê trong các trường hợp:
(i) Tài sản được giao, đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 45 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.
(ii) Tài sản được đầu tư, xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để cho thuê mà không do ngân sách Nhà nước đầu tư.
- Việc sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê phải bảo đảm các yêu cầu:
(i) Được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép (Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt đề án cho thuê đối với tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp).
(ii) Không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao.
(iii) Không làm mất quyền sở hữu về tài sản công; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao.
(iv) Sử dụng tài sản đúng mục đích được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
(v) Phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản.
(vi) Tính đủ khấu hao tài sản cố định, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước theo quy định của pháp luật.
(vii) Nhà nước không cấp kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa đối với tài sản công chỉ được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; ĐVSNCL sử dụng nguồn thu được từ việc kinh doanh, cho thuế, liên doanh, liên kết; ĐVSNCL sử dụng nguồn thu được từ việc kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công theo quy định.
(viii) Thực hiện theo cơ chế thị trường và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.
- ĐVSNCL có trách nhiệm lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê trình cấp có thẩm quyền phê duyệt:
(i) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt đề án cho thuê đối với tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp; tài sản khác có giá trị lớn theo quy định của Chính phủ.
(ii) Hội đồng quản lý hoặc người đứng đầu ĐVSNCL phê duyệt đề án cho thuê đối với tài sản không thuộc trường hợp (i).
- Phương thức, giá cho thuê tài sản và quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc cho thuê tài sản được thực hiện theo quy định tại Khoản 5, Điều 55; Khoản 3, Điều 57 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Khoản 3, Khoản 4, Khoản 7, Điều 46 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.
Việc sử dụng tài sản công trong lĩnh vực văn hóa, thông tin
Ngoài ra, nội dung về tài sản công tại ĐVSNCL trong lĩnh vực văn hóa, thông tin được sử dụng vào mục đích cho thuê được quy định cụ thể tại Khoản 3, Điều 6 Thông tư số 144/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 nêu trên:
“Tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 56, Khoản 1, Điều 57, Khoản 1, Điều 58 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đồng thời đáp ứng các yêu cầu quy định tại Khoản 2, Điều 55 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Khoản 1, Khoản 2, Điều 43 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP. Tài sản được xác định đáp ứng yêu cầu đúng mục đích được giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị là những tài sản phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và tài sản phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị như sau:…
3. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch:
a) Tài sản phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị gồm: Hoạt động tập luyện, thi đấu thể dục thể thao, biểu diễn nghệ thuật, du lịch, điện ảnh và các hoạt động khác theo quy định về chức năng, nhiệm vụ của đơn vị được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt;
b) Tài sản phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ gồm: Cung cấp dịch vụ ăn uống, trông, giữ xe cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị, khách đến giao dịch, công tác, khách tham quan, tham dự các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ về văn hóa, thể thao và du lịch theo chức năng, nhiệm vụ chính của đơn vị được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt”.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp ĐVSNCL có nhu cầu sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê thì phải lập đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê và được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép.
Việc cho thuê tài sản công và quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc cho thuê tài sản thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo Chinhphu.vn