Đối tượng đánh người, ném đá vào nhà có thể bị xử lý thế nào?

Theo luật sư, hành vi ném đá làm hư hỏng tài sản và đánh người nếu thương tích trên 11% thì đối tượng có thể sẽ bị xử lý hình sự.

Hướng dẫn tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

Đề cương tuyên truyền 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 55 thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 55 năm Ngày mất của Người

Như đã thông tin, theo phản ánh ban đầu của chị Triệu Phương Th. (trú tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), khoảng 15h ngày 7/9, hai vợ chồng chị lấy xe ra cổng đi công việc thì bất ngờ bị 3 thanh niên xông vào hành hung, dùng gạch đá ném vào khu vực cửa nhà.

Theo chị Th. nguyên nhân dẫn đến sự việc có thể do gia đình đã nhiều lần tố cáo vi phạm trật tự xây dựng.

 Anh T. đang được điều trị tại Bệnh viện Quân y 103.

Sự việc xảy ra, chị Th. đã nhanh chóng trình báo lên cơ quan chức năng để điều tra làm rõ theo quy định, đồng thời đưa chồng đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 103. Ngay sau khi nhận được tin báo, cơ quan chức năng đã nhanh chóng đến hiện trường thu thập thông tin để điều tra làm rõ vụ việc theo quy định.

Về phần anh T., bước đầu, các bác sĩ chẩn đoán bị bầm tím trên người, “sai khớp cùng đòn vai trái do bị đánh” dẫn đến phải nhập viện để mổ cấp cứu.

 

Hình ảnh camera an ninh ghi lại sự việc.

Về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) chia sẻ: Hành vi ném gạch đá vào nhà nếu gây thiệt hại đến tài sản công dân có thể bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm hư hỏng, hủy hoại tài sản người khác theo điều 143 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Theo đó, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội trên, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Người phạm tội với một trong các hành vi có tổ chức; dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; gây hậu quả nghiêm trọng; để che giấu tội phạm khác; tái phạm nguy hiểm; gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng có thể sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Người phạm tội gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

 

Gạch đá bị ném vào trước cửa nhà anh T. gây hư hại tài sản.

Những người gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 15 năm hoặc tù chung thân.

Luật sư Thơm nói thêm, để có căn cứ, bị hại cần mời cơ quan công an đánh giá mức độ hư hại tài sản để làm căn cứ xử lý theo khung hình phạt đã quy định.

Trường hợp, các đối tượng đến trước cổng nhà đánh chủ gây thương tích, có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe người khác theo điều 104 Bộ luật hình sự.

Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác, tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% có thể sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Nếu đến nhà gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác dưới 11% nhưng dùng hung khí nguy hiểm như gạch đá, ra tay với người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, tái phạm nhiều lần vẫn có thể áp dụng mức phạt trên.

 

Chị Th. cho biết đã làm đơn đề nghị khởi tố vụ án lên cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, nếu người có hành vi phá phách, làm hư hại tài sản chưa gây hậu quả nghiêm trọng, chưa thiệt hại về tính mạng người khác có thể áp dụng hình thức xử phạt về hành vi gây rối trật tự công cộng theo nghị định 167 năm 2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự.