Trường hợp các hộ chỉ nhận khoán đất của nông, lâm trường thì hộ gia đình, cá nhân nhận khoán không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác ngắn liền với đất (sổ đỏ) do quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng của nông, lâm trường.
Việc cấp giấy chứng nhận cho người dân qua các thời kỳ thuộc thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết của chính quyền địa phương
Năm 1993, gia đình ông Đặng Nam Thăng (Quảng Ninh) được UBND huyện Tiên Yên cấp giao bảo vệ bảo tồn và sử dụng diện tích rừng tự nhiên, với diện tích là 12,3ha có sổ xanh, biên bản bàn giao đất kèm theo.
Tuy nhiên, năm 2010 thửa đất đã bị lâm trường khai phá toàn bộ diện tích để trồng cây keo cây lâm sản lâu năm giờ cây đến tuổi khai thác. Lâm trường đã khai thác từ đầu năm 2018.
Gia đình ông Thăng đã mang sổ xanh đi xin cấp đổi sang sổ đỏ từ năm 2002 nhưng được các cán bộ ở xã trả lời là chưa cần thiết cấp đổi. Gia đình ông đã gửi đơn đề nghị lên UBND xã, huyện nhưng được trả lời sổ xanh không có giá trị pháp lý.
Ông Thăng hỏi, nếu được cấp năm 1993 là không có giá trị pháp lý thì năm nào mới có giá trị pháp lý? Trong khi qua các năm gia đình ông cũng đã đề nghị đổi sổ nhưng cán bộ các cấp không giải quyết. Ông Thắng đề nghị cơ quan chức năng giải đáp về vấn đề này.
Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Do nội dung ông Thăng hỏi liên quan đến quyền sử dụng đất của lâm trường. Vì vậy, về nguyên tắc trường hợp các hộ chỉ nhận khoán đất của nông, lâm trường thì hộ gia đình, cá nhân nhận khoán không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) do quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng của nông, lâm trường.
Trường hợp có căn cứ xác định việc sử dụng đất của gia đình không liên quan đến lâm trường mà đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận phù hợp với quy định của pháp luật qua các thời kỳ trước đây thì mới có cơ sở xem xét giải quyết.
Việc cấp giấy chứng nhận cho người dân qua các thời kỳ thuộc thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết của chính quyền địa phương nơi có đất do đó Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường không có đủ hồ sơ, tài liệu cụ thể để trả lời cụ thể. Về vấn đề này, Tổng cục Quản lý đất đai đề nghị ông Thăng liên hệ với UBND cấp tỉnh nơi có đất để được chỉ đạo hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật.
Mặt khác tại Điều 204 của Luật Đất đai năm 2013 đã quy định:
“Điều 204. Giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai
1. Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.
2. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.”
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp ông Thắng nhận thấy quyền lợi của mình bị vi phạm thì có quyền khiếu nại, khởi kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính theo quy định của pháp luật.
Theo Chinhphu.vn