Cá nhân có thể mua, bán ngoại tệ ở đâu?

Vừa qua, UBND thành phố Cần Thơ đã ra 02 quyết định xử phạt hành chính đối với 01 cá nhân và 01 công ty có hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ. Vậy, nếu có nhu cầu, cá nhân có thể mua, bán, trao đổi ngoại tệ ở đâu?

Hướng dẫn tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

Đề cương tuyên truyền 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân

Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 55 thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 55 năm Ngày mất của Người

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 89/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ cung ứng dịch vụ nhận chi trả ngoại tệ tổ chức kinh tế có quy định: “Tổ chức kinh tế chỉ được thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ”.

Theo đó, điều kiện để tổ chức kinh tế được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ, đó là:

1. Được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Có địa điểm đặt đại lý đổi ngoại tệ tại một hoặc nhiều địa điểm theo quy định sau:

a) Cơ sở lưu trú du lịch đã được cơ quan quản lý nhà nước về du lịch xếp hạng từ 3 sao trở lên;

b) Cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường không, đường thủy);

c) Khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài được cấp phép theo quy định pháp luật;

d) Văn phòng bán vé của các hãng hàng không, hàng hải, du lịch của nước ngoài và văn phòng bán vé quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam;

đ) Khu du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị có khách nước ngoài tham quan, mua sắm.

3. Có cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu hoạt động của đại lý đổi ngoại tệ sau đây:

a) Có nơi giao dịch riêng biệt (phòng hoặc quầy giao dịch không gắn liền với các hoạt động kinh doanh khác, chỉ chuyên làm dịch vụ đổi ngoại tệ);

b) Nơi giao dịch phải trang bị đầy đủ các phương tiện làm việc tối thiểu bao gồm điện thoại, máy fax, két sắt, bảng thông báo tỷ giá công khai, bảng hiệu ghi tên tổ chức tín dụng ủy quyền và tên đại lý đổi ngoại tệ.

4. Nhân viên trực tiếp làm ở đại lý đổi ngoại tệ phải có Giấy xác nhận do tổ chức tín dụng ủy quyền cấp, xác nhận đã được đào tạo, tập huấn kỹ năng nhận biết ngoại tệ thật, giả.

5. Có quy trình nghiệp vụ đổi ngoại tệ, có biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình đổi ngoại tệ.

6. Được tổ chức tín dụng được phép ủy quyền làm đại lý đổi ngoại tệ.

7. Một tổ chức kinh tế chỉ được làm đại lý đổi ngoại tệ cho một tổ chức tín dụng được phép và tổ chức kinh tế có thể thỏa thuận đặt đại lý đổi ngoại tệ ở một hoặc nhiều địa điểm trên địa bàn nơi tổ chức kinh tế có trụ sở chính hoặc chi nhánh.

Như vậy, một tổ chức kinh tế thực hiện hoạt động đại lý đổi ngoại tệ khi đáp ứng đủ điều kiện nêu trên và khi có hoạt động mua, bán, trao đổi ngoại tệ thì công ty sẽ không bị xử phạt. Hiện nay, các ngân hàng đều được cấp phép mua, bán ngoại tệ nên tất cả chi nhánh và phòng giao dịch của ngân hàng thương mại đều là các điểm trao đổi USD, ngoại tệ hợp pháp; ngoài ra, người dân có thể đến các tổ chức tín dụng, tiệm vàng có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp để mua bán, trao đổi ngoại tệ.

Bên cạnh đó, cần lưu ý rằng, theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ, nếu cá nhân vi phạm việc mua, bán, trao đổi ngoại tệ không đúng quy định thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng với số tiền phạt từ 80 đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, hành vi này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam theo quy định tại điểm a khoản 8 Điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP.

Hoài Thương - VKSND Tp. Cần Thơ

Theo Tạp chí Kiểm sát