Tôi mua cho con trai (13 tuổi) một chiếc Ipad để sử dụng trong việc học hành. Vừa rồi, tôi phát hiện cháu đã tự ý bán cho ông H với giá 9 triệu đồng. Tôi xin chuộc lại nhưng H không đồng ý. Vậy, tôi làm thế nào để yêu cầu ông H trả lại chiếc Ipad này?
Ảnh minh họa (internet)
Câu hỏi của bạn, chúng tôi trả lời như sau:
Tại khoản 3 Điều 21 BLDS năm 2015 có quy định: “Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.”
Đại diện theo pháp luật của cá nhân được quy định tại Điều 136 BLDS năm 2015: “1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên. 2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định. 3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này. 4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.”
Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này (khoản 1 Điều 125 BLDS năm 2015)
Đối với trường hợp bạn hỏi, việc con trai bạn bán chiếc Ipad cho ông H là không đúng quy định của pháp luật vì con bán mới chỉ 13 tuổi, giao dịch khi chưa được sự đồng ý của bố, mẹ và việc bán chiếc Ipad không phải phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
Bạn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu. Theo đó, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
Theo Cao Minh /Tạp chí Kiểm sát