(Mặt trận) - Mấy năm nay, nhờ có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ hoạt động nên nhiều Ban Đoàn kết Công giáo (ĐKCG) của các quận, huyện, thị trên địa bàn thành phố Hà Nội có thêm những sinh hoạt phong phú. Một trong các hoạt động đó là đi giao lưu trao đổi kinh nghiệm công tác với các tỉnh bạn. Hôm vừa qua, tôi được đi giao lưu cùng với Ban ĐKCG quận Tây Hồ tại Nam Định và Thái Bình.
Nơi đoàn đến tập kết đầu tiên là bãi biển Thịnh Long, huyện Hải Hậu, Nam Định. Nhà nghỉ cũng đơn sơ nhưng ngay cạnh bờ biển. May mắn, những ngày đoàn lưu trú, sóng biển êm và nước trong như biển Cửa Lò nên cũng đông du khách đến tắm biển. Sáng 7/6/2018, hai Ban ĐKCG quận Tây Hồ, Hà Nội và huyện Hải Hậu, Nam Định đã giao lưu trao đổi kinh nghiệm với nhau. Hội nghị có sự tham dự của đại diện Ủy ban ĐKCG thành phố Hà Nội, tỉnh Nam Định, MTTQ Tây Hồ và Hải Hậu. Ông Lê Thành Minh - Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban ĐKCG thành phố Hà Nội kiêm Trưởng ban ĐKCG quận cho biết, quận Tây Hồ chỉ có hơn 1.200 giáo dân nhưng Ban ĐKCG có nhiều cách làm hay để tổ chức và hướng dẫn phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo như tổ chức được nhiều buổi tập huấn về luật pháp, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, ký giao ước xây dựng xứ, họ văn hóa, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu… Nhiều người Công giáo trong quận là tấm gương sản xuất giỏi có thu nhập mỗi năm từ 1-2 tỷ đồng, được Ủy ban nhân dân thành phố tặng Bằng khen. Nhưng tổ chức và phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo vẫn còn bị một số người nghi ngại nên chưa được sự đồng thuận cao từ giáo xứ. Gần đây, Ban ĐKCG đã tạo sự cảm thông với cha xứ nên cũng đã tổ chức được hội nghị ngay ở cạnh giáo xứ Thượng Thụy.
Ông Vũ Quang Tĩnh - Trưởng ban ĐKCG huyện Hải Hậu cho biết, huyện có 40% dân số là người Công giáo trong tổng số 29 vạn dân. Nhưng Hải Hậu cũng là lá cờ đầu về mô hình văn hóa của cả nước, là một trong 5 huyện đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của nước ta. Ngay xứ Thịnh Long này cũng có 4.000 giáo dân với 8 nhà thờ lớn của 3 xứ, 5 họ. Người Công giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Chủ tịch Ủy ban ĐKCG tỉnh Nam Định là cha Giuse Hoàng Văn Tuấn - nguyên Chính xứ Thịnh Long. Ban ĐKCG huyện Hải Hậu có 19 vị trong đó có 3 linh mục và 9 ông trùm xứ. Người Công giáo đã góp phần làm nên diện mạo của huyện Hải Hậu hôm nay. Rất nhiều người Công giáo đã đóng góp nhiều trăm triệu đồng cho việc xây dựng nông thôn mới hay xây dựng nhà thờ khang trang to đẹp. Ban ĐKCG cũng góp phần xây dựng lối sống mới trong cộng đồng dân cư như không tổ chức ăn uống trong đám tang, đi ăn cỗ không lấy phần… Phát biểu với hội nghị, với tư cách là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban ĐKCGVN, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ĐKCG thành phố Hà Nội TS. Phạm Huy Thông đã biểu dương và ghi nhận thành tích cũng như cách làm hay của hai Ban ĐKCG Tây Hồ và Hải Hậu. Nhưng mỗi nơi có những đặc điểm riêng, cần vận dụng vào hoạt động của mình cho phù hợp. Nhiều đại biểu của Ủy ban ĐKCG tỉnh Nam Định, huyện Hải Hậu cũng trao đổi để làm rõ hơn nhiệm vụ, chức năng của Ban ĐKCG. Ban ĐKCG quận Tây Hồ đã tặng mỗi đại biểu một cuốn “Sổ tay Công tác tôn giáo” do MTTQ thành phố Hà Nội phát hành năm 2017. Kết thúc, các đại biểu cùng dự bữa cơm thân mật.
Buổi chiều, đoàn Tây Hồ ghé thăm nhà thờ Phú Hóa, cũng thuộc Giáo xứ Thịnh Long. Đây là nhà thờ có kiến trúc đẹp theo lối gotich mới được cung hiến ngày 12/7/2015. Giáo họ Phú Hóa cũng mới được nâng lên hàng giáo xứ và có linh mục coi sóc. Năm 2017, Tông đoàn Gioan Phaolô II của chúng tôi đã về đây tổ chức mừng sinh nhật thứ ba của Tông đoàn với chương trình văn nghệ giao lưu với Giáo xứ. Đoàn Tây Hồ có chụp ảnh kỷ niệm cuối nhà thờ Phú Hoá. (ảnh trên)
Tiếp đó, đoàn đến Giáo xứ Thịnh Long, nơi có phần mộ của cha cố Vinh Sơn Nguyễn Đức Hiệp - nguyên đại biểu Quốc hội khóa X, XI và Chủ tịch Ủy ban ĐKCG tỉnh Nam Định. Thắp hương cho cha, tôi xúc động nhớ lại, có lần họp Quốc hội, cha bảo, hôm nay tớ đọc bài thơ. Tôi ngăn lại, cha muốn đọc thì để về xứ mà đọc, đọc ở đây các đại biểu lại bảo mấy ông linh mục không nghiêm túc. Tôi biết rõ, cha có nhiều công sức khi kiến nghị các cơ quan giúp đỡ cho Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm về làm Giám mục Bùi Chu cũng như giáo phận xin lại nhà thờ Khoái Đồng Nam Định. Nhưng khi cha mất, ông Chủ tịch Hội đồng giáo xứ Thịnh Long Đaminh Vũ Đức Liên cho chúng tôi biết, tổng tài sản cha để lại chỉ có vài chục triệu đồng. Ngôi nhà 2 tầng cha làm khi hưu dưỡng giờ làm nhà mục vụ của giáo xứ.
Giáo xứ Thịnh Long giờ như một công trường. Ngôi nhà thờ cũ được hạ giải sau lễ thánh quan thày Antôn. Ngôi nhà thờ mới sẽ được dựng lên tường, móng đá nhưng cột, xà là gỗ lim để chống chọi với khí hậu khắc nghiệt của biển. 14 cột gỗ lim dài 9m, đường kính 0,70m, bệ cột đá dài 1m đã sẵn sàng. Dự kiến kinh phí 25 tỷ nhưng cha cố Giuse Đinh Viết Thục và gia đình bên Hoa Kỳ đã ủng hộ 10 tỷ.
Ngày hôm sau, đoàn ghé thăm Đền thánh Lòng Thương xót Bác Trạch ở huyện Tiền Hải, Thái Bình. Đây là công trình nguy nga được xây dựng dưới thời cha Augustinô Nguyễn Quang Huy. Đền thánh có chiều dài 92,5m, rộng 32m, tum đầu nhà thờ cao 50m, hai tháp chuông cao 61m treo 6 quả chuông mà quả nặng nhất tới 3 tấn. Chiếc đồng hồ ở tháp chuông có đường kính 4m (ảnh giữa). Công trình hoàn thành năm 2013 và được cung hiến năm 2014. Số liệu về vật liệu xây dựng rất lớn với 46 vạn gạch, 351 tấn sắt thép, 523 tấn vôi, 280 tấn xi măng, 1.000m3 đá, 122 tấm kính tranh màu, 100 pho tượng… với kinh phí lên tới 58,6 tỷ đồng, không kể hàng vạn công lao động. Đức ông Tôma Trần Trung Hà, nguyên đại biểu HĐND tỉnh Thái Bình nhiều khóa làm Giám đốc Trung tâm Đền thánh từ 4 năm nay. Đức ông mới ngã phải mổ nên hiện đang ngồi xe lăn. Ngài khá thân thiện với chúng tôi thời Đức cha FX Nguyễn Văn Sang nên bây giờ gặp rất nhiều chuyện muốn ôn lại (ảnh cuối). Ngài cho người mở cửa Đền thánh để đoàn viếng Mình Thánh và làm giờ kính Lòng Thương xót của Chúa. Ngài cùng dự bữa cơm thân mật với đoàn.
Rời Đền thánh Bác Trạch, đoàn ghé thăm Tòa Giám mục và nhà thờ Chính tòa Thái Bình - một kiến trúc Công giáo vào loại lớn nhất Đông Nam Á. Hôm nay lễ kính Trái tim Chúa và cầu cho các linh mục nên các linh mục trong giáo phận tập trung về đồng tế rất đông. Đoàn xin phép được vào cầu nguyện cho Đức cha FX Nguyễn Văn Sang qua đời ngày 5/10/2017.
Theo Triết Giang / Báo Người Công giáo Việt Nam