(Mặt trận) - Để phát động toàn quốc Tháng hành động cao điểm “Vì người nghèo”, đồng thời hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau do Thủ tướng Chính phủ đề ra, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” vào hồi 20h00 ngày 17/10 trên sóng VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.
Chương trình nhằm ghi nhận, động viên, tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nhất là doanh nghiệp, doanh nhân, người Việt Nam ở nước ngoài đã và sẽ tiếp tục ủng hộ người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đột xuất, cộng đồng (khu dân cư, xã, huyện) nghèo thông qua Quỹ “Vì người nghèo” và Chương trình an sinh xã hội.
Cùng với đó, chương trình sẽ công bố thông tin kết quả ủng hộ và sử dụng kinh phí ủng hộ; cam kết ủng hộ người nghèo của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân và ghi nhận, công bố tên và số tiền của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ủng hộ, đăng ký ủng hộ qua Quỹ “Vì người nghèo” và Chương trình an sinh xã hội.
Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, MTTQ Việt Nam và sự nỗ lực, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương cũng như sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng, người dân, công tác giảm nghèo qua các năm đã đạt được những kết quả nhất định. Hệ thống chính sách giảm nghèo đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, ngành, nhằm bảo đảm tính hệ thống và đồng bộ hơn. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết số 76/2014/QH13, Nghị quyết số 100/2015/QH13 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TTg xác định các mục tiêu giảm nghèo bền vững cho giai đoạn 2016-2020, trong đó có các mục tiêu cơ bản đến năm 2020, đó là: giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1% - 1,5%/năm (các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3% - 4%/năm); phấn đấu 50% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 20 - 30% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Đồng thời, thông qua sự vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể xã hội, nhiều chương trình trợ giúp từ các doanh nghiệp, cá nhân, các nhà hảo tâm đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội cùng quan tâm hướng tới người nghèo.
Tính từ khi thực hiện (17/10/2000) đến hết tháng 8/2018, thông qua sự vận động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, cơ quan đơn vị, các tổ chức quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài… đã ủng hộ hơn 50.000 tỷ đồng thông qua Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương và quỹ 3 cấp ở địa phương; ủng hộ trực tiếp chương trình an sinh xã hội ở các địa phương...
Từ những nguồn lực trên cùng với ngân sách nhà nước, cộng đồng đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được gần 1,5 triệu căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, trong đó năm 2017 xây dựng và sửa chữa được trên 32.000 căn nhà; hỗ trợ hàng chục triệu lượt hộ nghèo về vốn, tư liệu sản xuất, hàng ngàn công trình dân sinh (trường học, trạm xá, cầu dân sinh, đường giao thông nông thôn...); hàng triệu người nghèo được giúp đỡ nhân dịp Tết Nguyên đán, giúp đỡ cho con đi học, chữa bệnh khi ốm đau nằm viện dài ngày, cứu đói khi cần thiết...
Đặc biệt, nhờ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, MTTQ cùng với ý thức nỗ lực vươn lên của người nghèo, kết quả giảm nghèo từ năm 2016 đến nay đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Theo số liệu về kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cả nước, số hộ nghèo về thu nhập là 1,7 triệu hộ, tương ứng 7,47%/ 9,88% tỷ lệ hộ nghèo cả nước; số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều là 573.270 hộ, tương ứng 2,41%/9,88% tỷ lệ hộ nghèo cả nước.
Đến năm 2017, số hộ nghèo là hơn 1,64 triệu/tổng số 24 triệu hộ dân, tương ứng 6,70%. Các chỉ số thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân đã có sự chuyển biến. Cụ thể, thiếu hụt về giáo dục của người lớn đã giảm từ 19,61% (năm 2016) xuống còn 16,52% (cuối năm 2017). Tình trạng trẻ em được đi học từ 6,77% (năm 2016) đã giảm xuống còn 5,40% (năm 2017). Khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế là 6,2% (năm 2016) giảm xuống còn 5,03% (năm 2017). Bảo hiểm y tế, chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người được cải thiện đáng kể. Về nước sạch vệ sinh, nguồn nước sinh hoạt thiếu hụt 21,21% (năm 2016) đã giảm xuống còn 17,71% (năm 2017). Việc tiếp cận thông tin thiếu hụt 21,25% (năm 2016) đã giảm xuống còn 17,47% (năm 2017). Từ kết quả đo lường mức độ thiếu hụt của người nghèo, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp tập trung chỉ đạo để cải thiện mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.
Hương Diệp