“Ông ơi! Cháu có khăn đây, ông lau mắt đi”. Đến trường tiểu học đón đứa cháu đang cùng bạn bè hớn hở như đàn chim non, sau buổi học cuối cùng để nghỉ hè, tôi xúc động. Cháu thấy vậy, nhưng tôi xúc động vì sao thì cháu đâu đã đủ năm tháng để hiểu.
Ở tuổi U80, ký ức nhanh chóng đưa tôi về 14 mùa hè phải xa thầy xa bạn ở thời cắp sách đến trường. Dù đã thuộc lòng những dòng thơ của Xuân Tâm: “Trong phút chốc sách bài là giấy cũ/ Nhớ làm chi thầy mẹ đợi em trông”, lòng tôi ở thời xa xưa đó vẫn man mác buồn. Giờ đây, nỗi buồn ấy như được gấp lên nhiều lần. Trên 100 thầy cô giáo kính yêu của tôi từ cấp một đến cấp đại học đã tạ thế tới 8 - 9/10. Trên 200 đồng môn thân thương đã mất tới 1/2. Song người mất nhưng kỷ niệm đẹp mãi còn.
Nhiều người khi đến tuổi già thường hoài niệm về quá khứ, về những năm tháng xưa cũ bên cạnh những người thân, bạn bè.
Vẫn văng vẳng đâu đây áng văn Thép Mới qua giọng đọc ngọt ngào của thầy cô dạy tôi hồi học lớp 3, lớp 4, thời chống Pháp: “Đêm nay anh đứng gác ở trại, trăng ngàn và gió núi bao la khiến lòng anh man mác nghĩ tới Trung thu và nghĩ tới các em… Anh nhìn trăng và nghĩ tới ngày mai. Ngày mai, các em có quyền mơ tưởng một cuộc sống tươi đẹp vô cùng. Ngày mai cũng dưới ánh trăng này, làm chạy máy phát điện, ở giữa biển rộng, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới…”. Vẫn dạt dào lòng yêu nước được trích từ bài báo "Thử lửa" của nhà văn Xô Viết I. Êrenbua viết vào cuối tháng 6/1942, thời kì khó khăn nhất của nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh chống phát xít Đức, mà các thầy cô dạy tôi thời cấp hai, truyền cho học trò nhận thức giản dị nhưng vĩ đại: lòng yêu nước bắt đầu bằng lòng yêu nhà, yêu làng xóm, quê hương... Vẫn còn giọng bình giảng truyền cảm của các thầy cô dặn dò lớp học trò tuổi trăng tròn thời cấp 3, khi cả nước bắt đầu triển khai hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận… để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời; sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người” (lời của tác gia thiên tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” N.Ostrovski). Tiếp đến là nhưng thiên hùng ca Iliát Odixê thời cổ đại La Mã, Hy Lạp mà các thầy cô truyền cho sinh viên tại Khoa Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán tại Thái Nguyên trong những năm đầu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ… Tất cả, tất cả đã biến thành hiện thực của chính cuộc sống của mình và bạn bè mình khi ra trường hòa vào cuộc sống kiêu hùng toàn dân...
“Ồ! Ông lại cười như mọi lần rồi” - cháu tôi reo lên. Cháu vui thấy tôi vui trở lại, nhưng vì sao mà vui, thì cháu đâu đã đủ năm tháng để đoán định. Bảy mươi năm qua - tôi tính - kể từ ngày mình học tiểu học như đứa cháu hôm nay, tôi đã cùng bạn bè lớn lên, trưởng thành, gánh vác đầy trọng trách công việc. Thế hệ chúng tôi là vậy. Ai ai cũng vậy. Lời Bác Hồ dặn dò học sinh trong năm học đầu tiên của chế độ mới dẫn nhận thức của chúng tôi từ ngỡ ngàng đến hiện thực: “Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên toàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Đèo đứa cháu nhỏ từ trường về nhà, tôi nghĩ tới ngày mai. Ngày mai cháu tôi khôn lớn, hiểu được thế hệ ông nó mà noi gương “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Theo Dương Quang Minh / Báo Người Công giáo Việt Nam