(Mặt trận) - Con người có tổ có tông, đất nước có nguồn có cội. Cội nguồn của đất nước đã được các vị vua Hùng dựng lên không chỉ bằng không gian địa lý, mà quan trọng hơn, đó là không gian tinh thần - tâm linh được đời đời dân tộc, triệu triệu trái tim khắc sâu và hướng về.
Lịch sử đất nước không chỉ bắt đầu từ thời kỳ Hùng Vương, mà hầu như toàn bộ tinh hoa, nét đẹp văn hóa của Việt Nam cũng đã được dựng xây từ đó. Qua thời gian, những tinh hoa trong văn hóa dân tộc được hun đúc và tỏa sáng rực rỡ trong thời đại Hồ Chí Minh, trở thành yếu tố tiên quyết cho sự phát triển của đất nước trên trường quốc tế.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu đoàn đại biểu dâng hương trong Hậu cung đền Thượng tại Quốc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2017. Ảnh: PV
Thời kỳ các Vua Hùng đã trở thành một “điểm tựa” lịch sử vô cùng quý giá của dân tộc Việt Nam. Và trong thực tiễn hiện nay, khi ngày càng hội nhập sâu rộng vào quốc tế, càng cần khai thác, tô đẹp thêm điểm tựa ấy, để dân tộc Việt Nam có thể ngẩng đầu sánh vai với bè bạn năm châu. Hơn lúc nào hết, chúng ta càng cần thắp sáng hơn nữa những giá trị bản sắc dân tộc đã được hình thành từ thời Hùng Vương.
Thứ nhất, xây dựng tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái.
Trước cả khi các vị vua Hùng dựng nước, tinh thần đoàn kết, tương ái đã được thể hiện, không thể rõ nét hơn, qua hình ảnh “đồng bào”. Mà quan trọng hơn nữa, đẹp đẽ và tự hào, đó là “bào” của Rồng và Tiên - sự kết hợp diệu kỳ của vẻ đẹp sức mạnh, trí tuệ, hình hài. Sau này, thời đại Hồ Chí Minh khẳng định toàn thể dân tộc Việt Nam là một, chính được khởi nguồn từ ý tưởng đồng bào. Dù ở đâu, lên núi hay xuống biển, vốn dĩ người Việt Nam đều là anh em, đều chung Quốc tổ. Muôn triệu người Việt Nam, dù ở bất cứ nơi đâu, trong hay ngoài nước, địa vị nào, thì vẫn đều là “đồng bào”. Sự gắn kết với nhau không chỉ là thuận theo lẽ tự nhiên của tinh thần đoàn kết đã được đắp xây cả ngàn năm, mà nó còn là sự đòi hỏi mạnh mẽ của thực tiễn. Bởi chỉ có đoàn kết và yêu nước mới có thể thực hiện được các nhiệm vụ cách mạng, phát triển đất nước. Cũng chỉ có đoàn kết và yêu nước thì dân tộc ta mới không bị lép vế, tan rã khi bước vào sân chơi chung của thế giới. Đoàn kết và yêu nước còn là để mỗi người dân ý thức được trách nhiệm với cộng đồng, xã hội; đặt nghĩa lớn lên trên lợi nhỏ,…
Đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước cùng các vị đại biểu thành kính dâng hương tại điện Kính Thiên, Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Ảnh: PV
Thứ hai, phát huy tinh thần cần cù, sáng tạo, ý chí khắc phục tự nhiên, gian lao, thử thách trong công cuộc phát triển kinh tế.
Các vua Hùng đã nêu cao ý chí chinh phục tự nhiên như khai sơn, phá thạch mở mang bờ cõi; tiêu diệt, chinh phục yêu quái, trừ hại cho dân. Chinh phục tự nhiên khắc nghiệt, ở một vị trí địa lý vốn luôn ẩn chứa bão giông, đã luôn gắn liền với dựng xây Tổ quốc. Đó cũng là khi Sơn Tinh khuất phục Thủy Tinh, nước dâng tới đâu núi cao tới đó - hình tượng cha ông trị thủy - trị thiên nhiên. Vị trí địa lý nước ta tuy đem lại những khó khăn do thiên nhiên gây ra. Hoàn cảnh lịch sử khiến dân tộc ta hiện vẫn là nước đang phát triển, vẫn còn thua kém với nhiều quốc gia, dân tộc khác. Với tinh thần của Sơn Tinh, chúng ta sẽ làm chủ tự nhiên. Với tinh thần của Lang Liêu, của Mai An Tiêm sẽ giúp chúng ta phát triển kinh tế, vượt qua nghèo nàn, lạc hậu, vì bản thân mình và vì toàn xã hội, thực hiện “dân giàu, nước mạnh”.
Thứ ba, xây dựng nếp sống văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, lòng nhân văn, lối sống giàu lòng trắc ẩn, vị tha, tình cảm.
Văn hóa của người Việt là thương yêu nhau, hướng tới các giá trị Chân - Thiện - Mỹ, hòa mình với thiên nhiên Trời - Đất, hướng về cội nguồn tri ân với tổ tiên. Thời Hùng Vương, dân tộc ta đã hình thành nên những bản sắc văn hóa tốt đẹp để nối đời phát triển. Đó là tinh thần sáng tạo kết hợp với lòng hiếu đễ khi Lang Liêu dùng gạo nếp thơm chế ra bánh giầy, bánh chưng. Đó là sự cần cù, siêng năng, thông minh trong lao động, sản xuất, thậm chí là làm ăn kinh tế, tinh thần tự lực cánh sinh khi Mai An Tiêm trồng ra dưa hấu, thu hoạch bán cho thuyền buôn. Đó là tình yêu mãnh liệt, trong sáng của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Đó là lòng thành kính với thế hệ đi trước, sống biết trước biết sau, sống hợp đạo lý khi Thục Phán dựng hai cột đá trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thề rằng sẽ kế tục giữ nước và thờ tự các Vua Hùng. Những nét đẹp đó sau này đều được thời đại Hồ Chí Minh nhận rõ và nối tiếp. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng đã khẳng định những giá trị, thuận lợi cơ bản của Việt Nam: “dân tộc ta là một dân tộc anh hùng, có ý chí vươn lên mãnh liệt; nhân dân ta có lòng yêu nước nồng nàn, có truyền thống đoàn kết và nhân ái, cần cù lao động và sáng tạo”.
Thứ tư, nêu cao tinh thần chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Bảo vệ Tổ quốc là ý thức và trách nhiệm của toàn dân tộc Việt Nam. Ngay từ thời Hùng Vương, đất nước ta đã sớm phải đương đầu với ngoại bang có dã tâm bành trướng. Chống ngoại xâm là nhiệm vụ chung của cả dân tộc. Quyết tâm bảo vệ đất nước của cả dân tộc đã hun đúc lên, tụ hội trong hình ảnh Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương. Yêu nước là lẽ tự nhiên, thậm chí từ một đứa trẻ lên ba. Phục vụ đất nước là một lẽ tự nhiên của con dân đất Việt chứ đâu phải màng danh lợi gì, nên đánh giặc xong thì người, ngựa lặng lẽ, bình thản ra đi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát hiện, tổng kết sức mạnh của lòng yêu nước. Người khẳng định: “Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi”. Bảo vệ Tổ quốc có nội hàm rất lớn, bao gồm bảo vệ đất nước, bảo vệ không gian văn hóa, bảo vệ những tinh thần bất diệt được khởi xướng và dựng xây từ khi đất nước ra đời thuở Hùng Vương. Xả thân, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc mà không màng đòi hỏi danh lợi, bận tâm được/mất, sống/còn tiếp tục là nét đẹp của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Dựa trên những giá trị truyền thống cốt lõi như là tinh hoa dân tộc, chúng ta hòa nhập mà không hòa tan, đặc biệt trong thời kì ngày nay, khi mà nhu cầu giao lưu học hỏi với các nước khác ngày càng trở nên bức thiết và là “nước cờ” không thể thiếu trên trường quốc tế thì công tác đối ngoại, ngoại vụ lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, để thời đại Hồ Chí Minh thực sự được tỏa sáng và mãi mãi trường tồn. Thực hiện đường lối lãnh đạo của Đảng, đến giữa thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Việt Nam đã phá được thế bao vây, cô lập, mở rộng quan hệ quốc tế trên phạm vi rộng lớn. Lần đầu tiên, Việt Nam có quan hệ chính thức với tất cả các nước lớn, kể cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và cũng là lần đầu tiên Việt Nam gia nhập ASEAN, một tổ chức khu vực mà trong đó các thành viên đều không cùng ý thức hệ và chế độ chính trị, xã hội với Việt Nam.
Đoàn hành lễ 100 chàng trai - là những thanh niên ưu tú - tượng trưng cho 100 người con được sinh ra từ bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ. Ảnh: PV
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, ngày 27/1/2001, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 07/NQ-TW Về hội nhập kinh tế quốc tế nhằm nhanh chóng đưa Việt Nam vào các thể chế kinh tế, trước hết là AFTA và sau đó là WTO trên tinh thần “phát huy tối đa nội lực”.
Thực tiễn gần 30 năm đổi mới cho thấy, đường lối đối ngoại rộng mở do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra đã được các Đại hội và các Hội nghị Trung ương, Bộ Chính trị, từ khóa VI đến khóa XI tiếp tục bổ sung, phát triển thành đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, thể hiện ở mục tiêu đối ngoại, tư tưởng chỉ đạo chính sách đối ngoại và phương châm đối ngoại. Đường lối đó đã góp phần giữ vững môi trường hòa bình, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Cũng từ đường lối đúng đắn đó, Việt Nam đã tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực, đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, đồng thời hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn vào các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương, góp phần hoàn thiện và tỏa sáng những nét đẹp của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
ThS. Đỗ Anh Ngọc, Sở Ngoại vụ tỉnh Phú Thọ