(Mặt trận) - Hoà với dòng chảy của văn hoá dân tộc, Phật giáo đã trở thành một tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, với truyền thống “Hộ quốc, an dân”. Trong các triều đại: Đinh, Tiền Lê đến triều Lý, triều Trần, bên cạnh các vị minh quân luôn có các vị cao tăng phò vua giúp nước nên Phật giáo luôn có một vai trò rất quan trọng trong việc “Hộ quốc, an dân”. Trong các cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước, nhiều người con Phật đã đồng hành cùng với đồng bào cả nước "cởi áo cà sa, khoác áo chiến bào" rời bỏ thiền môn lên đường tòng quân đánh giặc cứu nước; góp phần cùng cả dân tộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực chúc mừng Đại lễ Phật đản 2017 tại chùa Bà Đá, Hà Nội. Ảnh: Thành Trung
Trong niềm vui thống nhất “non sông liền một dải” của cả dân tộc, tăng, ni, phật tử cả nước luôn ước nguyện xây dựng một Giáo hội Phật giáo chung trong cả nước nhằm gắn kết với nhau thành khối đoàn kết chặt chẽ trong khối đại đoàn kết dân tộc, hiện thực hóa lý tưởng giác ngộ “chân lý hoà hợp, chúng sinh hoà bình và công bằng xã hội” của giáo lý Đức Phật, nhằm phục vụ dân tộc, Tổ quốc và nhân loại. Những ước nguyện của các vị chư tôn, giáo phẩm trong các hệ phái đã trở thành hiện thực khi tất cả đều đồng tâm, đồng sức xây dựng Giáo hội duy nhất đại diện cho tăng ni, phật tử người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cơ duyên đó được bắt đầu từ ngày 12 đến 14/2/1980, tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chư tôn, giáo phẩm, cùng hàng ngàn nhân sĩ phật tử tiêu biểu ba miền Bắc - Trung - Nam đã gặp mặt để bày tỏ thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, đi đến quyết định thành lập Ban Vận động thống nhất Phật giáo do Hoà thượng Thích Trí Thủ làm Trưởng ban. Thành viên Ban Vận động thống nhất Phật giáo gồm 9 tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước. Từ ngày 4 đến ngày 7/11/1981, tại Thủ đô Hà Nội, 187 đại biểu của 9 tổ chức hệ phái Phật giáo đã cùng dự Hội nghị và nhất trí thành lập một Giáo hội Phật giáo chung thống nhất trong cả nước. Sự thống nhất các tổ chức hệ phái Phật giáo trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử Phật giáo nước nhà, nhằm tiếp nối truyền thống vẻ vang của 2000 năm truyền bá giáo lý Đức Phật trên đất nước ta. Đại hội đã xác định rõ: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Phật giáo duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam về mọi mặt quan hệ ở trong nước và nước ngoài. Sự đoàn kết, thống nhất các tổ chức hệ phái của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là sự nối tiếp lịch sử đồng hành cùng dân tộc của tăng, ni, phật tử cả nước”. Với phương châm hoạt động “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, đây là sự lựa chọn đúng đắn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thể hiện tinh thần tiếp tục đồng hành cùng dân tộc để thực hiện mục tiêu “tốt đời, đẹp đạo”, thực hiện chính sách nhất quán, trước sau như một của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.
Trải qua 36 năm xây dựng, phát triển, là tổ chức thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với bảy kỳ Đại hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng phát triển, lớn mạnh và đã đạt được nhiều thành tựu Phật sự quan trọng trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của Giáo hội. Từ lúc ban đầu chỉ thành lập được 27 Ban Trị sự cấp tỉnh/thành, đến nay Giáo hội đã thành lập được Ban Trị sự tại 63/63 tỉnh/thành trong cả nước, gồm 3 cấp hành chính: Trung ương, tỉnh thành phố và quận huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh với gần 50 ngàn tăng ni, hơn 18 ngàn tự viện, với hơn 16 triệu phật tử và hàng triệu người có tín ngưỡng đạo Phật. Công tác giáo dục đào tạo tăng, ni đã khởi sắc, mở rộng quy mô và loại hình đào tạo với 4 Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Huế, Tp.Hồ Chí Minh và Tp. Cần Thơ, cùng 30 trường Trung cấp Phật học tại các tỉnh thành. Công tác hoằng pháp được mở rộng và đi vào chiều sâu cho các phật tử. Công tác nghiên cứu Phật học ngày càng được phát huy tính trong sáng và tích cực trong giáo lý đạo Phật, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu đạo Phật của tăng, ni, phật tử và các nhà khoa học xã hội. Cùng với việc xây dựng Giáo hội ngày càng lớn mạnh, Giáo hội cũng đẩy mạnh công tác đối ngoại và các hoạt động của Giáo hội trong những năm gần đây, đã góp phần làm cho bạn bè thế giới ngày càng biết nhiều về Việt Nam, về một quốc gia độc lập, có chủ quyền dân tộc và hiện đang hội nhập và phát triển mạnh mẽ; đã tham gia các đại lễ, hội nghị, hội thảo Phật giáo quốc tế tại các nước trong Liên minh châu Âu, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ... tiếp các phái đoàn Phật giáo quốc tế tới thăm Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Phật giáo khu vực và quốc tế, tăng cường tham gia đối thoại tôn giáo nhằm hợp tác, bảo vệ hoà bình của nhân loại. Hình ảnh và uy tín của Phật giáo Việt Nam ngày càng được khẳng định trong cộng đồng Phật giáo thế giới. Đặc biệt, với việc Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã giao cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai 2 lần Đại lễ Vesak Liên hợp quốc vào các năm 2008 tại Hà Nội và 2014 tại Bái Đính (Ninh Bình). Việc tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong 2 lần đăng cai, với sự tham gia đông đảo của nhiều chư tôn đức giáo phẩm, lãnh đạo các tông môn, pháp phái của Phật giáo, các học giả của khoảng gần 100 nước đến tham dự, đã khẳng định với thế giới về tinh thần đoàn kết tôn giáo và đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam; giới thiệu hình ảnh, hoạt động văn hóa, kiến trúc Phật giáo Việt Nam đến bạn bè thế giới, góp phần nâng cao vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và của cả đất nước trên trường quốc tế về đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hoà bình, thân thiện, hoà hợp và đoàn kết... Thông qua đó, bạn bè trên thế giới càng hiểu hơn về chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Giáo hội đã tổ chức nhiều đoàn hoằng pháp thăm viếng, thuyết giảng và tổ chức lễ cầu an đầu năm, lễ Phật đản, lễ Vu lan… tại các Trung tâm Văn hóa Phật giáo ở châu Âu cho các phật tử Việt Nam ở nước ngoài. Đến nay, Giáo hội đã công nhận được các hội Phật tử Việt Nam ở hải ngoại như Hội Phật tử ở Cộng hoà Czech, Liên bang Nga, Ba Lan, Ukraina… Điều đó đã nói lên rằng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam rất quan tâm đến đời sống tinh thần, văn hoá, đặc biệt là tín ngưỡng Phật giáo của đồng bào người Việt đang sinh sống ở nước ngoài.
Với phương châm hoạt động của Giáo hội là: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, như: Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" trước đây; Cuộc vận động “Toàn dân xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Cuộc vận động "Quĩ vì người nghèo"; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”…; sự hưởng ứng tích cực, chủ động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được đông đảo tăng, ni, phật tử cả nước tham gia. Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn tích cực tham gia thực hiện công tác từ thiện xã hội, cứu khổ độ sinh, giúp đỡ người già neo đơn, trẻ em tàn tật, mồ côi, người khó khăn, tham gia xoá đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hoá trong cộng đồng với nhiều kết quả thiết thực đóng góp vào phong trào thi đua, yêu nước của các tầng lớp nhân dân cả nước. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã coi công tác từ thiện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Giáo hội trong những năm qua. Số tiền giúp cho những người nghèo, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, quỹ từ thiện trong nước mỗi năm các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vận động đóng góp được hơn 2.000 tỷ đồng. Không chỉ tham gia hoạt động trong nước, Giáo hội tích cực tham gia ủng hộ bạn bè quốc tế không may bị thiên tai, bão lũ, điển hình là đợt ủng hộ nhân dân Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi động đất, sóng thần; gửi thư chia buồn sâu sắc đến Chính phủ và lãnh đạo Phật giáo Nhật Bản, Myanmar, Campuchia… về những thảm họa do thiên tai gây ra.
Sự đóng góp của Phật giáo Việt Nam đối với dân tộc đã được lịch sử Việt Nam ghi nhận và được Đảng, Nhà nước 2 lần tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhà nước đã công nhận 257 chùa là di tích lịch sử cấp quốc gia và có một số đường phố được mang tên các vị cao tăng có nhiều đóng góp cho Đạo pháp - Dân tộc như: Thiền sư Vạn Hạnh, Quốc sư Khuông Việt, sư Liễu Quán, sư Thiện Chiếu, sư Thích Quảng Đức... Đảng và Nhà nước cũng đã trao tặng danh hiệu cao quí cho nhiều vị cao tăng của Giáo hội, như trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Hoà thượng Thích Đức Nhuận, Hoà thượng Thích Thiện Hào, Hoà thượng Thích Thanh Tứ... và nhiều vị cao tăng khác đã được Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng nhiều Huân, Huy chương, Kỷ niệm chương cao quí vì đã có thành tích trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hiện nay, các cấp trong Giáo hội đang chuẩn bị tiến hành Đại hội cấp huyện, cấp tỉnh và hướng tới Đại hội lần thứ VIII Giáo hội Phật giáo Việt Nam với mục đích tiếp tục kế thừa và phát huy lòng yêu nước, thương nòi, sát cánh với dân tộc, hoà mình vào dân tộc, quán triệt thuyết “vô ngã” trong mọi Phật sự, hành đạo và truyền đạo đều vì “lợi lạc, quần sinh”, lấy thực tại đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam để làm thực tại của Giáo hội, không ngừng phát huy truyền thống đoàn kết mọi giới đồng bào thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội, dân chủ, công bằng văn minh”. Dưới sự điều hành của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các tăng, ni, phật tử cả nước đang tích cực thực hiện chương trình hành động của Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VII, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, theo tôn chỉ của đạo Phật “Duy tuệ thị nghiệp”, dùng trí tuệ làm sự nghiệp để thức tỉnh chính mình và thức tỉnh chúng sinh, cùng mưu cầu hạnh phúc cho muôn loài, thực hiện tốt phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” gắn bó mật thiết với Tổ quốc và dân tộc, cùng nhau xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội - một cõi niết bàn ở trần gian đất Việt Nam.
Để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển 36 năm qua trong ngôi nhà chung của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần tiếp tục phối hợp thống nhất hành động với Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng tới tổ chức thành công Đại hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2017 - 2022), cụ thể như sau:
1. Phối hợp với chính quyền, giúp đỡ, tạo điều kiện để các Ban Trị sự Phật giáo tổ chức thành công Đại hội Phật giáo cấp huyện, cấp tỉnh và tiến tới Đại hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2017- 2022), tập trung vào các nhiệm vụ như: Công tác kiện toàn và phát triển tổ chức Giáo hội; công tác Tăng sự; công tác giáo dục đào tạo tăng ni; công tác hoằng dương chính pháp; công tác văn hóa Phật giáo: giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc; công tác nghi lễ Phật giáo; công tác hướng dẫn phật tử; công tác từ thiện xã hội; công tác nghiên cứu Phật học; công tác đối ngoại Phật giáo; công tác truyền thông Phật sự; công tác kinh tế tài chính; và công tác xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...
2. Phối hợp, tạo điều kiện giúp đỡ để Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ tập hợp, vận động tăng ni, phật tử luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, phụng sự nhân sinh làm trọng tâm, định hướng cho các hoạt động Phật sự, làm cho tinh thần đoàn kết hòa hợp giữa các tổ chức, hệ phái Phật giáo và đông đảo tăng ni, phật tử ngày càng bền chặt, phát triển, tạo thành sức mạnh cho ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
3. Phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam vận động tăng ni, phật tử thực hiện lời dạy của Đức Phật: “Hội họp trong tinh thần đoàn kết, bàn luận Phật sự trong tinh thần đoàn kết, bế mạc cuộc họp trong tinh thần đoàn kết” và đồng hành cùng dân tộc, phát huy truyền thống “Hộ quốc an dân”.
Ths. Nguyễn Mạnh Quang
Phó Trưởng ban Ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam