(Mặt trận) - Địa bàn các dân tộc thiểu số sinh sống trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay đã và đang chịu tác động của việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nói chung và của nền kinh tế thị trường nói riêng. Ngày nay, vùng dân tộc thiểu số đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường sống của các tộc người thiểu số. Tuy nhiên, chưa mấy ai chú ý tới sự phát triển, tác động của văn hóa đối với môi trường của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Sự tác động đó có phần lặng lẽ hơn các chương trình kinh tế - xã hội, song chúng ta không thể xem nhẹ.
Đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng ý thức bảo vệ môi trường bằng cách phát huy văn hóa truyền thống dân tộc, sống hài hòa với thiên nhiên. Ảnh: Kỳ Anh
Phát triển văn hóa các tộc người thiểu số ở nước ta hiện nay là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển chung của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Chủ trương xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, "hội nhập chứ không hòa tan" là một chủ trương mang tính chiến lược trong sự phát triển toàn diện của đất nước. Vùng dân tộc thiểu số và các tộc người thiểu số là một khu vực đặc thù, chiếm tỷ lệ lớn về đất đai (3/4 diện tích cả nước), tuy nhiên, lại chiếm tỷ lệ thấp về dân số (14,8% dân số cả nước), đây là vùng có nhiều giá trị, bản sắc văn hóa độc đáo thể hiện mối quan hệ sâu sắc giữa con người với tự nhiên của các tộc người thiểu số.
Môi trường tự nhiên là môi sinh sáng tạo văn hóa của các tộc người thiểu số. Các giá trị văn hóa truyền thống giàu bản sắc, đa dạng và phong phú của các tộc người thiểu số trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số là biểu hiện sinh động kết quả nhận thức, tư duy, tình cảm, tâm hồn,... của con người về thế giới tự nhiên. Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, các giá trị văn hóa đó của các tộc người thiểu số đã và đang chịu những tác động toàn diện.
Bảo tồn và phát triển các tộc người thiểu số là một nội dung quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các tộc người thiểu số ở nước ta không chỉ cư trú ở miền núi mà còn cư trú tại các tỉnh đồng bằng, như: Hoa, Khmer, Chăm... Tuy nhiên, các tộc người thiểu số còn lại thì cư trú trên địa bàn các tỉnh miền núi, cao nguyên - nơi có địa hình và thực trạng môi trường rất đa dạng và phong phú. Đây là khu vực có nhiều vấn đề nổi cộm cần được quan tâm gồm rừng, nước, đất và các tài nguyên thiên nhiên khác như động thực vật, khoáng sản,... có nhiều vấn đề cảnh báo cho chúng ta trong một chiến lược phát triển bền vững lâu dài không chỉ cho khu vực miền núi và cộng đồng các tộc người thiểu số, mà còn có tác động và ảnh hưởng không nhỏ đối với cả nước.
Trong bối cảnh mở cửa hội nhập quốc tế, bảo tồn và phát triển văn hóa của các tộc người thiểu số ở nước ta hiện nay là một nhiệm vụ quan trọng. Vấn đề giao thoa văn hóa mang tính toàn cầu, vấn đề kinh tế thị trường, vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang từng ngày, từng giờ tác động đến yếu tố văn hóa truyền thông của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi. Trước bối cảnh đó, vấn đề văn hóa tộc người thiểu số trước định hướng và nhu cầu phát triển của bản thân nó, đang đứng trước những yêu cầu cần được quan tâm nghiên cứu.
Sự nghiệp phát triển văn hóa các tộc người thiểu số và vùng núi với vấn đề môi trường sông có mối quan hệ mật thiết với nhau. Phát triển văn hóa gắn với bảo vệ môi trường của các tộc người thiểu số là một quan niệm còn ít được đề cập trong nghiên cứu văn hóa và nghiên cứu môi trường ở nước ta hiện nay. Từ các vấn đề nêu trên, chúng ta có thể quan niệm về các loại hình văn hóa gắn với môi trường sống của các tộc người thiểu số ở nước ta là: "Các loại hình văn hóa gắn với môi trường sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nước ta là một khái niệm rộng bao gồm hệ thống các hoạt động sáng tạo của các tộc người trong quá trình lao động, tồn tại, thích ứng với môi trường tự nhiên - môi trường sống cụ thể. Những thành tựu đó được biểu hiện rất đa dạng và bao gồm các tri thức về tự nhiên, tài nguyên và được phản ánh trong phong tục tập quán, trong nếp sống, luật tục, trong hoạt động kinh tế, trong quan hệ gia đình và xã hội, được các thế hệ duy trì trong đời sống của cộng đồng".
Văn hóa theo nghĩa rộng là bao gồm toàn bộ các giá trị vật thể và phi vật thể, các mối quan hệ xã hội của con người được hình thành do quá trình hoạt động của con người tác động vào thế giới tự nhiên cụ thể mà tạo ra, nhằm thỏa mãn các nhu cầu sống, nhu cầu tồn tại và phát triển của mình. Trên ý nghĩa đó, chúng ta có thể nhận thấy các loại hình văn hóa gắn với bảo vệ môi trường của đồng bào các dân tộc thiểu số nước ta về cơ bản được thể hiện qua mấy loại hình sau: Các tri thức dân gian về môi trường và tài nguyên; các luật tục quy định các nếp sống của cộng đồng liên quan đến bảo vệ môi trường; hoạt động kinh tế của con người, của các cộng đồng tộc người với những mức độ khác nhau trong quá trình nông thôn hóa, đô thị hóa. Các yếu tố của các loại hình văn hóa trên gắn với vấn đề bảo vệ môi trường của đồng bào các dân tộc thiểu số nước ta biểu hiện rất đa dạng, phong phú.
Cơ sở khoa học của việc bảo vệ môi trường khi bảo tồn và phát triển văn hóa các tộc người thiểu số ở vùng dân tộc miền núi. Môi trường là cái nôi của văn hóa. Khi có bàn tay của con người tác động vào hay nói cách khác khi có con người sinh sống trong môi trường tự nhiên, văn hóa đã hình thành. Văn hóa của các tộc người thiểu số sinh sống ở miền núi trên những địa bàn, khu vực khác nhau… đều phản ánh mối quan hệ của con người với môi trường qua tri thức dân gian, hoạt động kinh tế, luật tục, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể... Chính vì vậy mà trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc không thể không tính đến yếu tố bảo vệ môi trường. Hay nói cách khác, chính môi trường có nhiều yếu tố, cơ sở khoa học trong quá trình bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc. Như vậy, khi bảo tồn và phát triển văn hóa của các dân tộc thiểu số phải tính đến yếu tố môi trường, đây là cặp đôi song hành tồn tại không tách rời nhau; đó là mối quan hệ tác động biện chứng với nhau. Môi trường sống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung và văn hóa nói riêng đó cũng là một tiêu chí của sự phát triển.
Vấn đề bảo tồn và phát triển văn hóa các tộc người thiểu số với việc bảo vệ môi trường ở miền núi là vấn đề được đặt ra trong chiến lược phát triển quốc gia. Nội dung đó được đặt trong khung nhiệm vụ của các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX về quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế hàng hóa, thị trường đồng thời với việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Văn kiện Đại hội XII của Đảng tiếp tục kế thừa những thành tựu lý luận, đồng thời có bổ sung một số luận điểm mới về văn hóa, nhằm khẳng định thêm những giá trị to lớn của văn hóa cũng như phương hướng, quan điểm chỉ đạo để văn hóa phát huy mạnh mẽ vai trò và chức năng của mình trong sự nghiệp đổi mới. Trước đây, ta nói "xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc", Đại hội XII đã đưa cụm từ "thấm nhuần tinh thần dân tộc" vào thay cho cụm từ "đậm đà bản săc dân tộc". Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XII nhấn mạnh "giữ gìn và phát huy bản sắc con người và văn hóa Việt Nam" đó là mối quan hệ mật thiết, sống còn giữa con người với văn hóa trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Đây là mối quan hệ biện chứng, con người tạo ra văn hóa, đến lượt văn hóa phát triển tạo điều kiện cho con người tiếp tục có điều kiện phát triển hơn trong lòng cộng đồng, trong lòng dân tộc. Cách mạng nước ta đã chứng tỏ điều này. Nhân tố con người luôn là trung tâm và động lực của nền văn hóa dân tộc. Mục tiêu phát triển văn hóa là xây dựng con người Việt Nam "phát triển toàn diện". Vì thế, Nghị quyết Đại hội XII nhấn mạnh: "Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, tinh thần xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật". Để "hoàn thiện bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc" thì sứ mệnh của toàn Đảng, toàn dân là phải nỗ lực, sáng tạo không ngừng, tăng cường hợp tác giao lưu quốc tế và tiếp thu có chọn lọc văn hóa của nhân loại để làm cho con người Việt Nam phát triển đa dạng hơn, văn hóa dân tộc tiếp cận kịp với văn hóa thời đại, được chứa đựng trong nội hàm của cụm từ "phát triển văn hóa" được nhấn mạnh và lặp đi lặp lại nhiều lần trong Nghị quyết.
Đó là quá trình "tác động sâu sắc và toàn diện tới đời sống kinh tế - xã hội - văn hóa - môi trường" của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi. Trong bối cảnh đó, mục tiêu vừa bảo tồn, phát triển văn hóa vừa bảo vệ được môi trường vì sự phát triển bền vững lâu dài của khu vực miền núi và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số là vấn đề không đơn giản, cần được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm nghiên cứu.
Quá trình công nghiệp hóa là quá trình gắn với sự khai khoáng, khai thác rừng, tác động đến đất đai, nguồn nước, khí hậu, đến sự chuyển đổi của hệ động vật, thực vật, đến quy hoạch dân cư... Những hoạt động trên tác động không nhỏ đến các giá trị văn hóa truyền thống trong bảo tồn và phát triển. Vì lẽ đó, để thực hiện được mục tiêu trên, cần phải có một số giải pháp cơ bản nhằm tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người thiểu số và bảo vệ môi trường miền núi bền vững, hiệu quả trong giai đoạn tới.
Một là, phải xây dựng được bản đồ, sơ đồ quy hoạch chiến lược phát triển "kinh tế - xã hội - văn hóa - môi trường" của các vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong chương trình phát triển của quốc gia và địa phương. Lâu nay, chúng ta chưa chú trọng đến yếu tố văn hóa, môi trường mà còn coi trọng yếu tố kinh tế - xã hội hơn trong các chương trình phát triển của quốc gia và địa phương. Phải xem bốn yếu tố trên là nguyên tắc cứng, bất di bất dịch, là tiêu chí để đánh giá các chính sách, chương trình phát triển của một chương trình độc lập hay cho một vùng, một nhóm tộc người cụ thể.
Hai là, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành trong việc nhận thức và tuyên truyền mối quan hệ giữa văn hóa và môi trường cũng như mối quan hệ tất yếu của văn hóa và môi trường với sự phát triển kinh tế - xã hội trong một chiến lược phát triển bền vững của quốc gia và địa phương.
Ba là, phát huy các tri thức truyền thống văn hóa về môi trường và bảo vệ môi trường của đồng bào các tộc người thiểu số vào nhiệm vụ thực hiện Luật Bảo vệ Môi trường. Đây là giải pháp quan trọng cần được đầu tư vì nó phù hợp với tâm lý, phong tục, tập quán, trình độ dân trí của đồng bào và xem đó là cơ sở ban đầu để đưa các khái niệm khoa học trong Luật Bảo vệ Môi trường đến với đồng bào.
Vấn đề bảo tồn và phát triển văn hóa các tộc người thiểu số ở miền núi với việc bảo vệ môi trường là một hoạt động có tầm khoa học, có ý nghĩa kinh tế - xã hội và nhân văn sâu sắc trong chiến lược phát triển bền vững ở nước ta. Tuy nhiên, đây là vấn đề không mới trên thế giới nhưng lại là mới ở nước ta, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhận thức được vấn đề, nội dung bảo vệ môi trường; nhận thức được mối quan hệ sâu sắc giữa văn hóa và môi trường trong chiến lược phát triển lâu dài, trong một trạng thái "động" của sự phát triển. Đây là vấn đề không đơn giản đối với cán bộ hoạch định chính sách, cán bộ quản lý cũng như đối với người dân. Từ nhận thức, khám phá nét mới của vấn đề để đi đến có sản phẩm góp phần bảo vệ môi trường vùng dân tộc thiểu số và miền núi phải qua một "công đoạn" nhận thức và hoạt động nhất định. "Văn hóa và môi trường; Môi trường và văn hóa" là thể hiện sự nhận thức và lao động sáng tạo tài tình của các tộc người thiểu số trong quá trình hình thành và phát triển của mình. Một sự phát triển bền vững chính là sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa và môi trường. Làm gì và làm như thế nào để vừa bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số ở vùng miền núi hiện nay, vừa nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường của đất nước là câu hỏi bức thiết, đòi hỏi các cơ quan chức năng, trong đó đặc biệt là vai trò của cơ quan công tác dân tộc cần quan tâm, đầu tư một cách tích cực, có hiệu quả.
TS. Trịnh Quang Cảnh1 - Nguyễn Duy Dũng2
1. Phó Giám đốc Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc
2. Tạp chí Dân tộc, Ủy ban Dân tộc