(Mặt trận) - Mỗi người cán bộ Mặt trận cơ sở, bằng cách riêng của mình, đang góp phần tập hợp thành công sức mạnh đoàn kết toàn dân, là cầu nối quan trọng giữa Đảng, chính quyền và nhân dân. Ở họ có một điểm chung nhất là lòng nhiệt tình với công việc cộng đồng, luôn gắn bó với nhân dân, không ngại khó khăn, vất vả. Hiệu quả từ công việc của họ góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.
Xây dựng nếp sống văn hóa
Gần 13 năm làm công tác Mặt trận, 10 năm đảm đương vai trò Chủ tịch Uỷ ban MTTQ thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh), ông Hoàng Văn Toàn luôn tận tụy, tâm huyết với công việc; là một nhân tố tích cực trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua. Đặc biệt, ông đã vinh dự được nhận Bằng khen của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, MTTQ tỉnh, UBND huyện vì có thành tích xuất sắc trong công tác Mặt trận, trong phong trào “Cán bộ Mặt trận làm theo lời Bác”, phong trào “thi đua xã NTM, phường, thị trấn văn hóa”; được Bộ Công an tặng Kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh (bên trái), động viên hộ ông Hoàng Ngô với mô hình nuôi ong mật cho hiệu quả kinh tế cao.
Chúng tôi đến gặp ông Toàn vào một ngày giữa tháng 8/2017, khi ông vừa trở về cơ quan sau buổi sáng đi đến từng khu dân cư nắm tình hình sau cơn mưa dông kéo dài bất ngờ. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về ông là cách nói chuyện đến tác phong làm việc đều từ tốn mà dứt khoát, rõ ràng, khoa học. Ông Toàn chia sẻ: “Thị trấn Ba Chẽ là phường trung tâm của huyện, nên đời sống văn hoá ở đây khá phong phú. Tuy nhiên, mặt trái của hiện tượng này chính là lối sống, sinh hoạt, tập tục cũng trở nên phức tạp. Để nếp sống văn hoá, văn minh được phổ biến sâu rộng trong cộng đồng dân cư, Uỷ ban MTTQ thị trấn đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các tổ chức thành viên và ban công tác mặt trận từng khu phố để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động tới từng khu dân cư. Trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng “Văn hóa con người Ba Chẽ”, phát huy tinh thần sáng tạo, tự quản của nhân dân. Để thực hiện được mục tiêu đã đề ra, tôi cùng các đồng chí trong tổ chức thành viên đã vào cuộc tuyên truyền, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động nhân dân xoá bỏ các phong tục rườm rà, tốn kém, mê tín dị đoan. Tuy nhiên, việc thay đổi nhận thức của người dân không thể trong một sớm một chiều. Vì vậy, chúng tôi đã phải vận động liên tục, bền bỉ theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”.
Xây dựng thị trấn Ba Chẽ đạt văn minh đô thị, hiện nay, ý thức người dân về tổ chức hiếu, hỷ đã thay đổi theo nếp sống mới, các thủ tục mê tín dị đoan được xoá bỏ; việc tổ chức lễ hội diễn ra trang trọng, khơi dậy được nét đẹp văn hoá dân tộc... Thông qua hệ thống loa truyền thanh hàng ngày và lồng ghép trong buổi sinh hoạt của khu dân cư, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã đi vào đời sống và tạo môi trường sống văn hoá, lành mạnh; góp phần đảm bảo an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội ở địa phương. 100% khu dân cư triển khai đầy đủ 5 nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; 98% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa trên địa bàn dân cư, không vi phạm các quy ước chung.
“Hạt nhân” khối đoàn kết toàn dân
“Để làm tròn nhiệm vụ của một người cán bộ Mặt trận, phát huy tốt vai trò gìn giữ khối đại đoàn kết toàn dân, tôi luôn dặn mình phải thực sự tận tâm, tận lực với công việc, gắn bó với cơ sở; đồng thời phải luôn nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm; chủ động trong tự phê bình và tiếp thu ý kiến phê bình, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân”. Đó là những chia sẻ của ông Hồ Sìu Phúc, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Nà Thổng, xã Quảng An, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh.
Ông Hồ Sìu Phúc, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Nà Thổng, xã Quảng An, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh (bên phải) hướng dẫn người dân ký cam kết giữ vệ sinh môi trường nông thôn.
Thôn Nà Thổng hiện có 135 hộ dân với 6 dân tộc cùng chung sống, trong đó người Dao chiếm hơn 75%. Những năm gần đây, đời sống kinh tế của người dân dần được cải thiện, diện mạo của thôn đang trên đà khởi sắc. Kết quả này có được một phần là nhờ công sức của tập thể cán bộ thôn luôn sâu sát với nhiệm vụ. Trong đó phải nhắc đến ông Hồ Sìu Phúc, người cán bộ Mặt trận “miệng nói, tay làm”, được người dân yêu mến, kính trọng.
Luôn tâm niệm rằng muốn làm tốt công tác Mặt trận thì phải bám sát địa bàn dân cư nên dù bất kể ngày mưa hay nắng, ông Phúc đều sẵn sàng đến từng hộ dân để nắm bắt tình hình đời sống, sinh hoạt của nhân dân, nếu có vấn đề gì vướng mắc cần giải quyết thì chủ động có hướng tháo gỡ; đồng thời cũng tìm hiểu để có kế hoạch hỗ trợ kịp thời cho các hộ còn khó khăn.
Bên cạnh đó, với vai trò là người có uy tín của thôn, ông còn chủ động phối hợp với tổ an ninh tự quản Công an xã, tổ hoà giải thôn, tham gia hoà giải các vụ việc tranh chấp đất đai, kịp thời giải quyết các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự ngay từ cơ sở, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Thậm chí cả việc hoà giải những bất hoà nho nhỏ trong cộng đồng hay những gia đình “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” ông cũng chẳng ngại tham gia, cứ ở đâu có chuyện cần giải quyết là ông có mặt.
Ông Phúc kể: “Muốn công tác tuyên truyền, vận động tới bà con nhân dân được hiệu quả, trước hết bản thân tôi và gia đình phải gương mẫu, đi đầu trong chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương để bà con cùng làm theo. Việc thường xuyên gần gũi nhân dân, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của bà con cũng đồng thời đảm bảo việc tập hợp ý kiến, kiến nghị đầy đủ, chính xác để phản ánh kịp thời với Đảng, chính quyền và Uỷ ban MTTQ xã để xem xét giải quyết”. Nhờ vậy mà khi thôn được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường liên thôn, nội thôn và hệ thống thuỷ lợi, nhờ cách làm nói trên mà ông Phúc cùng các đồng chí cán bộ thôn đã vận động thành công các hộ hiến trên 3.000m2 đất, trên 500 cây keo, nhãn, vải và kinh phí gần 200 triệu đồng để làm đường, nạo vét kênh mương. Hiện thôn Nà Thổng đã làm được 6 tuyến đường trong đó 3 tuyến liên thôn và 3 tuyến nội thôn với tổng chiều dài trên gần 4 km. Bản thân ông Phúc và gia đình cũng tiên phong hiến trên 300m đất và đóng góp 17 triệu đồng để làm đường nội thôn.
Đặc biệt, ông Phúc còn thường xuyên trao đổi với cán bộ nông nghiệp xã để nắm bắt kỹ thuật, phương pháp trồng quế, hồi, keo hiệu quả. Từ đó vừa áp dụng thành công tại gia đình, vừa giúp người dân trong thôn định hướng, làm theo để phát triển kinh tế kết hợp bảo vệ đất rừng. Gia đình ông hiện đang trồng và chăm sóc trên 2 ha quế và 3ha keo, hàng năm ươm và bán ra thị trường trên 10.000 cây quế giống.
Bài và ảnh: Hoàng Giang