(Mặt trận) - Trở về sau chiến tranh, người lính thành cổ Quảng Trị Thân Văn Lập năm xưa vẫn giữ vững và phát huy tốt phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Nhiều năm giữ cương vị Trưởng Ban Công tác mặt trận thôn Hồ Thanh, xã Nghĩa Hòa, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, ông đã tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương, được nhân dân tin yêu, quý trọng.
Ông Thân Văn Lập, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Hồ Thanh vận động người dân đóng góp kinh phí làm đường giao thông nông thôn.
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, người lính Thân Văn Lập - đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở về quê hương. Lúc đầu, không riêng gì quê hương Nghĩa Hòa mà cả tỉnh Bắc Giang đều đang rất khó khăn, đói kém. Tấm lòng với quê hương, cùng phẩm chất người lính, chàng thanh niên Thân Văn Lập vừa buông tay súng đã bắt tay vào cầm cày, cuốc, khai hoang ruộng đất để sản xuất, giúp gia đình thoát khỏi cảnh nghèo đói, cơ cực, đồng thời tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Từ năm 1980 - 1983, ông làm Đội trưởng Đội sản xuất thôn Hồ Thanh; những năm 1999 - 2005, ông được bầu làm Trưởng thôn và từ năm 2005 đến nay làm Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Hồ Thanh, xã Nghĩa Hòa. Dù ở bất cứ cương vị công tác nào, người cựu chiến binh nặng lòng với quê hương vẫn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ và được Đảng tin, dân mến.
Ông Lập nhớ lại những ngày đầu làm Trưởng thôn, đời sống nhân dân thôn Hồ Thanh còn nghèo, trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có… Ông đã mạnh dạn động viên bà con trong thôn xóm chung tay đóng góp tiền kéo điện về. Do đúng với mong ước của bao lâu nay của người dân nên bà con đã đồng tình đóng góp 100.000/khẩu, kéo mới 5km đường điện quanh thôn. Có điện, cuộc sống, sản xuất của nhân dân trong thôn được thuận lợi hơn rất nhiều.
Tận mắt chứng kiến các cuộc họp thôn phải mượn các nhà trẻ để tổ chức, khi đó các cháu thiếu nhi không có chỗ vui chơi vì thôn chưa có nhà văn hóa, sân thể thao. Ngay đầu năm 2000, ông Lập cùng với ban lãnh đạo thôn tiếp tục vận động nhân dân xây mới nhà văn hóa. Niềm vui được nhân lên khi hàng ngày, lúc sáng sớm và chiều tối, khu vực nhà văn hóa thôn lúc nào cũng đông vui, nhộn nhịp. Mọi người trong thôn có nơi để tham gia các hoạt động văn nghệ, các cuộc thi thể dục thể thao cũng như tổ chức các cuộc họp thôn, các tổ chức đoàn thể.
Ông Lập tâm sự: “Tham gia công tác đoàn thể khá lâu, nhưng mới đầu, tôi cũng không tự tin mình sẽ đảm nhận tốt cả “hai vai” - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu dân cư. Song trước sự động viên, hỗ trợ của các đồng chí trong cấp ủy, chi bộ, sự ủng hộ của người dân cũng như người thân trong gia đình, tôi đã mạnh dạn nhận nhiệm vụ với tâm niệm, mình cứ gương mẫu, nói đi đôi với làm, tất cả vì việc chung, vì lợi ích tập thể thì sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân”.
Giữ chức vụ Bí thư Chi bộ từ năm 2000, lúc đó Chi bộ thôn Hồ Thanh chưa đạt tiêu chí trong sạch, vững mạnh. Phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu, ông Lập cùng với các đảng viên trong Chi bộ cụ thể hóa Nghị quyết Chi bộ gắn với thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công; tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Với nhiệt huyết của người cựu chiến binh, các phong trào ở địa phương đã phát triển rất mạnh, đóng góp tích cực cho sư phát triển của xã. Đến năm 2018, Chi bộ thôn Hồ Thanh đạt trong sạch, vững mạnh 14 năm liên tục; là chi bộ điển hình của xã Nghĩa Hòa, với trên 80% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chi bộ đã lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế hiệu quả. Với hơn 25 ha đất canh tác được nhân dân trong thôn cấy lúa, trồng màu 3-4 vụ/năm; duy trì đàn vật nuôi trên 4.000 con và luôn năng động trong tìm việc làm ở các công ty, doanh nghiệp.
Toàn thôn có 143 hộ dân với 493 nhân khẩu, thì tính đến nay có hơn 70% hộ khá và giàu, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/người/năm; bình quân lương thực đầu người đạt 500kg/người/năm; hộ nghèo, cận nghèo giảm còn 12 hộ.
Trong những thành tích chung của thôn Hồ Thanh thời gian qua, có sự đóng góp không nhỏ của Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Thân Văn Lập. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, ông Lập đã khiến người dân thấy được tham gia xây dựng nông thôn mới vừa là trách nhiệm của bản thân, nhưng người dân cũng chính là người trực tiếp hưởng lợi, nên họ tích cực tham gia. Ví như xây nhà văn hóa theo quy chuẩn nông thôn mới, ông Lập cùng với ban lãnh đạo thôn vận động nhân dân đóng góp 510.000đ/khẩu, hoàn thành việc đóng góp sau 15-20 ngày vận động. Tháng 7/2016, thôn khánh thành nhà văn hóa theo quy chuẩn nông thôn mới.
Trong cứng hóa đường giao thông nông thôn cũng vậy, nhân dân đóng góp 850.000đ/khẩu; hiến 1.800m2 đất và hàng trăm ngày công lao động để cứng hóa gần 2 km đường giao thông nông thôn, nâng tổng số đường thôn được cứng hóa đến nay đạt 10km.
Để có những công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ, trong quá trình thi công, ông Lập luôn có mặt tại công trường vì ông là Trưởng Ban giám sát đầu tư cộng đồng. Mọi vấn đề liên quan đến xây dựng được ông và nhân dân giám sát, phản ánh kịp thời để tránh xảy ra sai sót, lãng phí. Từ quá trình vận động kinh phí đến thi công đều được thực hiện công khai, minh bạch, người dân được trực tiếp bàn bạc và giám sát. Chính vì vậy, các công trình của thôn đều được hoàn thành sớm hơn dự kiến.
Trong xây dựng đời sống văn hóa mới, thôn Hồ Thanh cũng luôn dẫn đầu xã với 83% hộ gia đình văn hóa, năm 2017 là năm thứ 13 liên tiếp thôn đạt danh hiệu làng văn hóa cấp huyện. Những kết quả của Hồ Thanh đã góp phần tạo sức lan tỏa đối với các thôn khác, cùng thi đua xây dựng xã Nghĩa Hòa đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017.
Hình ảnh nhà văn hóa thôn Hồ Thanh (xã Nghĩa Hòa) theo quy chuẩn nông thôn mới.
Không chỉ giỏi tuyên truyền, vận động thực hiện tốt công tác xã hội ở địa phương, người cựu chiến binh Thân Văn Lập còn năng động, sáng tạo trong làm kinh tế. Mặc dù bận rộn với việc chung, nhưng hai vợ chồng ông Lập vẫn tích cực canh tác trên 1 mẫu ruộng/năm, cấy lúa, trồng màu. Ông đã trồng chuối tiêu hồng hơn 3 năm nay với hơn 2 sào. Cùng với đó, nghề ươm cá giống được gia đình phát triển từ năm 1998 đến nay với 1.500m2. Mỗi năm gia đình cung cấp cho bà con trong vùng hơn 2 tấn cá giống các loại như chép, trôi, mè, chắm… Ngoài ra, ông Lập còn là nhóm trưởng thợ mộc gồm người trong thôn, nhận việc làm trong và ngoài xã, góp phần tăng thu nhập trong những lúc nông nhàn. Kinh tế ổn định, ông Lập luôn tiên phong đóng góp trong mỗi chương trình vận động.
Ông Đồng Minh Công - một trong những người làm việc ở xưởng mộc của ông Lập chia sẻ: “Hồi xưa, dân còn nghèo đói, dân trí chưa phát triển, nghề nông là nghề chính của mọi người dân trong thôn, nhưng do thời tiết khắc nghiệt, các vụ màu đều không đạt năng suất. Khi đó chính bác Lập đã mở ra 1 xưởng mộc và nhận chúng tôi vào làm việc, từ đó thu nhập gia đình tôi khấm khá và đầy đủ hơn. Bác ấy là một người luôn luôn tìm tòi mọi phương pháp để giúp cho dân làng ngày một phát triển toàn diện hơn. Chúng tôi thật sự rất biết ơn bác Lập”.
“Giàu 2 con mắt, khó hai bàn tay”, người thương binh chỉ còn 61% sức khỏe, mắt trái vĩnh viễn không hồi phục do hậu quả của chiến tranh, nhưng ở ông Lập, luôn toát lên tinh thần lạc quan, mạnh mẽ, tinh thần trách nhiệm, hết mình vì việc chung và vì lợi ích của nhân dân.
Ghi nhận những đóng góp đó, năm 2012, ông Thân Văn Lập được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen Người có công tiêu biểu; giai đoạn 2013-2016 được Ủy ban MTTQ tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện giám sát đầu tư cộng đồng; năm 2017 được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang khen thưởng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa: “Đồng chí Thân Văn Lập đã chứng tỏ được năng lực khi đảm nhận cả hai vị trí Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác Mặt trận, với cách điều hành công việc vừa mềm mỏng vừa kiên trì, tạo hiệu quả tốt trong tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước”.
Thanh Hương