(Mặt trận) - “Trầu này trầu tính trầu tình / Ăn vào cho đỏ môi mình, môi ta…”. Câu quan họ của liền anh, liền chị cất lên rộn ràng mời gọi chúng tôi về Nhà văn hóa xóm Trại, xã Úc Kỳ, một trong những cơ sở đi đầu phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa của huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên từ nhiều năm nay.
Từ hội hát bước ra, ông Dương Văn Bảy, Trưởng xóm cho biết: Xóm có 128 hộ, 517 nhân khẩu. Hằng năm xóm có trên 90% số hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Năm 2017, xóm có 117/128 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hoá (91,4%). Từ năm 2016, xóm được UBND huyện khen thưởng 3 năm liên tục đạt danh hiệu Khu dân cư văn hoá.
Tiết mục hát quan họ của Câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ xóm Trại.
Trước đây, xóm Trại thuộc vùng đất khó khăn, vì giao thông không thuận, trình độ canh tác hạn chế, nhiều gia đình chưa đủ lương thực ăn phải đợi vụ, tứ tán đi làm thuê... Ông Dương Văn Thực, Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi của xóm chia sẻ: Đó là chuyện của “ngày xưa”. Còn những năm gần đây, xóm Trại đã đổi thay từng ngày. Bằng sức dân, xóm đã có đường bê tông chạy dọc xóm, về ngõ. Các tuyến đường nội đồng được nâng cấp, việc sản xuất mùa vụ của người dân cũng thuận lợi hơn.
Để có một xóm Trại khởi sắc như hôm nay, mọi người dân trong xóm đã đoàn kết, đồng lòng, góp tiền, góp công để tạo dựng nên diện mạo mới. Đội ngũ cán bộ, đảng viên và đại diện các tổ chức đoàn thể dám nghĩ, dám làm, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin.
Bà Dương Thế Kỷ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận xóm tâm đắc: Trước khi vận động người dân tham gia các phong trào, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, phong trào “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”…, chúng tôi quan tâm đến việc người dân còn khó khăn, vướng mắc ở đâu để phân công cán bộ giúp đỡ; ưu tiên cho hộ nghèo được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi do xã tổ chức; trao đổi kinh nghiệm sử dụng vốn vay hiệu quả; kỹ năng ứng xử hằng ngày trong cuộc sống và kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc. Thông qua hoạt động này đã tạo được sự gần gũi, cảm thông, dễ chia sẻ. Từ đó đội ngũ những người làm công tác phong trào nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của mọi người dân. Cũng vì thế mà những người thuộc hộ nghèo không còn mặc cảm, tự nguyện đăng ký tham gia phong trào và thể hiện được quyết tâm xóa nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Ban Công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đồng thời vận động mọi người dân tích cực tham gia. Đến nay, toàn bộ các chân ruộng của xóm, với tổng diện tích đất 17ha được bà con đưa các loại giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất đại trà, như lúa lai: Syn 6, TH3-3, BTE1… Do chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên các giống lúa này cho năng suất cao, từ 57 đến 60 tạ/ha. Trên diện tích đất của một số hộ sản xuất lúa cải tiến theo phương pháp SRI đạt năng suất hơn 60 tạ/ha. Trong khi đó giống lúa thuần được sản xuất từ các vụ trước đó đạt năng suất bình quân 50 tạ/ha.
Hệ thống kênh mương nội đồng được xây dựng dẫn nước chắc chắn, nguồn nước tưới phục vụ sản xuất đảm bảo nên ngoài 2 vụ lúa, bà con tranh thủ sản xuất thêm vụ Đông, chủ yếu là các loại ngô, lạc, đậu, khoai lang. Cùng với sản xuất nông nghiệp, một số hộ trong xóm mạnh dạn đầu tư làm dịch vụ như xay xát, mở xưởng mộc, kinh doanh hàng tạp hóa cải thiện đời sống. Năm 2017, thu nhập của người dân đạt bình quân 30 triệu đồng/người/năm.
Một buổi họp xóm của người dân xóm Trại.
Kinh tế gia đình ổn định, các phong trào được triển khai tại xóm có chất lượng hơn. Trong năm 2017, nhân dân xóm Trại hoàn thành xây dựng Nhà văn hoá làm nơi hội họp chung. Nhà văn hoá có diện tích xây dựng 200m2, đạt chuẩn Nông thôn mới. Nhà có tổng vốn xây dựng hơn 577 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng, còn lại do nhân dân đóng góp. Trước đó, năm 2016 người dân xóm Trại đã đóng góp hơn 40 triệu đồng để lắp đặt hệ thống đèn điện chiếu sáng trên tuyến đường dài gần 1km; hơn 20 triệu đồng để san ủi 2 tuyến đường nội đồng dài trên 350m. Hằng tuần xóm tổ chức cho bà con làm vệ sinh môi trường, từng đoạn đường xóm đều được giao cho các hội tự quản.
Về xóm Trại, chúng tôi còn được nghe bà con kể chuyện về các phong trào “Sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ” của Chi hội Phụ nữ; phong trào “sạch đồng” của Chi hội Nông dân; nhiệm vụ bảo đảm ánh sáng đường xóm của Chi đoàn Thanh niên… và các hoạt động TDTT ở các lứa tuổi, nhất là câu lạc bộ văn hoá, văn nghệ thu hút được nhiều “liền anh, liền chị” tham gia. Cứ vào độ cuối tuần, Nhà văn hóa lại sáng đèn cho bà con gặp gỡ, chia sẻ việc nhà, việc làng và cùng ngân lên câu hát ca ngợi cuộc sống mới.
Bài và ảnh: Ngọc Phạm