(Mặt trận) - Trong nhiều năm qua, việc thực hiện chính sách dân tộc ở nước ta đã đạt được những thành tựu cơ bản, các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam luôn đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, một số vấn đề về chính sách dân tộc trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội còn hạn chế, gây bức xúc trong nhân dân,… cần được thể chế hóa một cách đầy đủ và toàn diện.
Những thành tựu cơ bản trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước
Quyền bình đẳng của các dân tộc được đảm bảo trên các lĩnh vực chính trị, trong các quan hệ xã hội và trước pháp luật; các dân tộc ngày càng hiểu biết tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và tăng cường, các dân tộc gắn bó bên nhau, cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ưu tiên đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, như: giao thông, nước cho sinh hoạt và sản xuất, điện, thông tin liên lạc, trạm xá, các thiết chế văn hóa, y tế, trường, lớp học đã làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi (98% xã có đường ô tô đến trung tâm, 98,5 xã có trạm y tế, 100% xã có điện, 94% xã có điện lưới quốc gia, 90% xã được phủ sóng phát thanh - truyền hình, 100% xã có trường mầm non, tiểu học và THCS). Sản xuất ngày càng phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS được nâng lên từng bước, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt (theo tiêu chí cũ: tỷ lệ hộ nghèo trong DTTS giảm khá nhanh, từ 60% năm 2002 xuống còn 23% năm 2015. Các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a giảm bình quân 5%, từ 43,89% năm 2012 xuống còn 38,89% năm 2014, trong khi cả nước là 2%. Theo tiêu chí mới năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trong DTTS còn khoảng 23,1%).
Sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho các DTTS có nhiều tiến bộ, đạt thành tựu to lớn. Đến nay, đã cơ bản xóa mù chữ và phổ cập giáo dục bậc Tiểu học, THCS; các loại hình trường nội trú, bán trú phát triển, tạo điều kiện cho các DTTS phát triển giáo dục, nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực. Đời sống văn hóa, tinh thần của các DTTS ở các vùng, miền có nhiều khởi sắc; các giá trị văn hóa dân tộc tốt đẹp được quan tâm bảo tồn và phát huy (khôi phục các Lễ hội truyền thống, tổ chức Ngày hội văn hóa của các dân tộc; hình thành và bước đầu hoạt động có hiệu quả Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, tổ chức trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam,…). Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe vùng DTTS được cải thiện góp phần nâng cao sức khỏe, thể trạng và chất lượng dân số; đồng bào nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí và hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định; mạng lưới y tế ở vùng DTTS phát triển.
Một số vấn đề về dân tộc và những hạn chế, khó khăn trong vùng dân tộc thiểu số, miền núi hiện nay
Vùng dân tộc, miền núi vẫn là vùng kinh tế chậm phát triển, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Khoảng cách thu nhập và đời sống giữa đồng bào dân tộc thiểu số với thu nhập và mức sống chung của xã hội tiếp tục bị doãng ra (tỷ lệ nghèo DTTS 23,1%, cận nghèo 13,6%, cao gấp 4 lần so với mức bình quân chung của cả nước); Tỷ lệ tảo hôn DTTS 26,6%, trong đó có 19 dân tộc trên 40%, cao nhất 73%; tỷ lệ người DTTS từ 15 tuổi trở lên không biết đọc, không biết viết chữ phổ thông là 20,8%, có 6 dân tộc trên 50%, cao nhất là 65,6…
Việc đầu tư cho vùng dân tộc, miền núi dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, ở một số địa phương hiệu quả còn thấp. Chất lượng cơ sở kỹ thuật hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu còn yếu kém, bao gồm: điện, trường - lớp học, trạm xá, nhà sinh hoạt cộng đồng, mạng thông tin truyền thông; giao thông, nước cho sinh hoạt và sản xuất (năm 2017 cả nước có trên 7.500 công trình hồ chứa có dung tích từ 50.000m3 trở lên, trong đó có 1.150 hồ chứa đang bị hư hỏng, xuống cấp, nguy cơ mất an toàn cao), còn nhiều thôn, bản ở các vùng miền núi phía Bắc và phía Đông dãy Trường Sơn, việc đi lại của đồng bào còn nhiều khó khăn...
Những vấn đề bức xúc về đất ở, đất sản xuất, di cư tự do, tàng trữ, buôn bán, sử dụng các chất ma tuý, buôn bán người… diễn biến phức tạp, chưa được giải quyết triệt để. Các hộ đồng bào DTTS nhiều vùng nông thôn trên cả nước còn thiếu đất ở (80.960 hộ, tỷ lệ 2,74% hộ DTTS), đất sản xuất (221.754 hộ, tỷ lệ 7,49% số hộ DTTS) vẫn rất bức xúc, dẫn đến hàng vạn người thuộc các hộ nghèo đứng trước nguy cơ bị bần cùng hóa tuyệt đối. Tình trạng du canh du cư vẫn còn tồn tại ở một số tỉnh miền núi phía Bắc (năm 2014 còn 1.626 hộ với 5.396 người sống du canh du cư). Hàng vạn hộ dân di cư tự do và cư trú phân tán, nhất là ở các tỉnh miền núi còn phức tạp kéo dài, dẫn đến hệ lụy rừng bị tàn phá; quản lý xã hội về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và ANCT-TTXH rất khó khăn; tỷ suất vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng trên đầu người ở những vùng này rất cao, song hiệu quả sử dụng lại rất thấp.
Bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc đang đứng trước nguy cơ mai một và bị đồng hóa dần (dân tộc Thủy bị đồng hóa vào dân tộc Pà Thẻn; dân tộc Ơ Đu chủ yếu sử dụng tiếng Thổ là chính, chỉ còn dưới 10 người biết tiếng Ơ Đu). Một số dân tộc đã và đang có nguyện vọng, đòi hỏi “trả lại” tộc danh cho dân tộc mình. Trong đời sống thường ngày ở nhiều vùng, văn hóa, vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển. Thông tin, tuyên truyền về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước đến với các vùng này còn hạn chế.
Trên nhiều lĩnh vực, những tàn dư tư tưởng “dân tộc lớn”, “dân tộc hẹp hòi”, “tự ti dân tộc”, tư tưởng “địa phương chủ nghĩa, cục bộ” ngày càng bộc lộ với các biểu hiện, thủ đoạn tinh vi, rất khó bị vạch trần để xóa bỏ tận gốc. Các đối tượng lưu vong và nước ngoài, cùng số đối tượng phản động trong nước đã và đang lợi dụng những khó khăn và bất cập vùng các DTTS để kích động, tuyên truyền lôi kéo đồng bào DTTS, hòng chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc và gây mất ổn định ở các vùng DTTS.
Đề xuất, kiến nghị một số nội dung về chính sách dân tộc
1. Để thể chế hóa một cách đầy đủ, toàn diện đường lối, chủ trương của Đảng và các quy định của Hiến pháp về lĩnh vực dân tộc, chính sách dân tộc, đảm bảo thực hiện các điều ước và cam kết quốc tế, trên cơ sở các quy định của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, cần thiết phải xây dựng các văn bản luật, làm công cụ pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.
2. Về đầu tư quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong vùng DTTS: Cần kiên định xây dựng các điểm dân cư tập trung có trên 40 hộ trở lên ở các vùng DTTS dễ bị thiên tai đe dọa (sạt lở đất, lũ ống, lũ quét). Sớm khắc phục cơ bản tình hình dân cư phân tán vài ba hộ trên một quả núi như ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ưu tiên hỗ trợ, giúp đỡ quy hoạch, xây dựng hoàn thiện các Trung tâm xã và Trung tâm cụm xã để làm nhiệm vụ là động lực, là trung tâm phát triển, làm đầu kéo thúc đẩy cả xã và vùng sâu, vùng xa phát triển. Sớm có văn bản quy phạm pháp luật quy định giới hạn tối đa, tối thiểu về dân số và diện tích đơn vị làng, bản các DTTS ở miền núi. Kiên trì và kiên quyết đưa tất cả các hộ dân ra khỏi các vùng dễ bị thiên tai đe dọa.
3. Tập trung các giải pháp (luật, chính sách, tuyên truyền, vận động, xử phạt hành chính, hình sự…) giải quyết cơ bản, dứt điểm tình trạng di cư tự do vào các khu rừng tự ý phá rừng, dựng nhà, lập làng; tái du canh dư cư. Kiên quyết đưa tất cả các hộ dân ra khỏi các vùng lõi, vùng trọng điểm bảo vệ của rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Đổi mới việc quản lý đất đai và rừng trong vùng DTTS, để đảm bảo người dân biết sản xuất và làm giàu từ rừng, quản lý bảo vệ và phát triển được diện tích rừng; quản lý tài nguyên và đảm bảo môi trường hiện nay ở các vùng DTTS.
4. Đầu tư, hỗ trợ các DTTS phát triển sản xuất hàng hóa, hội nhập vào kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Đẩy mạnh việc dạy nghề và tạo việc làm phi nông nghiệp cho lao động DTTS, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào vùng DTTS. Đầu tư giúp các DTTS khắc phục những khó khăn đặc thù, những khó khăn lớn, kéo dài nhiều năm có tính phổ biến, tập trung chỉ trong một hoặc một nhóm vài dân tộc, ví dụ như: tệ nạn nghiện hút, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết, suy giảm dân số, tỷ lệ hộ nghèo trên 40% (nhóm các dân tộc nghèo cùng cực), nguy cơ mất văn hóa dân tộc, mất tiếng nói…
5. Phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho các DTTS đảm bảo yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực cho thời kỳ công nghiệp 4.0; đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ cơ sở vùng DTTS, nhất là đối với cán bộ người DTTS tại chỗ (người dân tộc gốc ở địa phương). Chăm lo bồi dưỡng, sử dụng nhân tài và phát huy vai trò của người có uy tín trong các DTTS trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chăm lo sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng dân số, thực hiện kế hoạch hóa gia đình trong vùng DTTS.
6. Chăm lo xây dựng đời sống văn hóa mới, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS, đồng thời, xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, giống nòi, cản trở phát triển sản xuất… Đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nghệ nhân dân gian của các DTTS. Nhà nước cần xác định lại tộc danh cho một số dân tộc (Pa hy trong Pa Ko, dân tộc Ka dong trong Xê đăng…).
Vũ Dương Châu
Trưởng ban Dân tôc, UBTƯ MTTQ Việt Nam