(Mặt trận) - Đoàn kết là truyền thống quý báu, được hun đúc trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là mục tiêu chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, thông qua chiến lược “Diễn biến hòa bình”, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, nghiên cứu giải pháp tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Tỉnh Đắk Lắk có 47 dân tộc, trong đó, người Kinh chiếm trên 70%; các dân tộc thiểu số, như: Ê Đê, M'nông, Thái, Tày, Nùng... chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh. Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nhân tố có thể gây mất ổn định, như: truyền đạo, phát triển tín đồ, hội đoàn; đòi lại đất đai, nơi sinh hoạt tôn giáo, mua thêm đất đai dưới nhiều hình thức; tăng cường sửa chữa, xây mới cơ sở thờ tự; in ấn kinh sách; tổ chức các lễ hội linh đình, đông người để phô trương thanh thế. Tình hình khiếu kiện, tranh chấp đất đai vẫn xảy ra ở một số nơi, nhất là mâu thuẫn về đất canh tác, đất liên quan đến tôn giáo. Các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá, lợi dụng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo để tạo thành vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” hòng gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Chúng tìm mọi cách xuyên tạc lịch sử, bóp méo, phủ nhận đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Những vấn đề đó đang là thách thức lớn, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải làm tốt công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong giai đoạn hiện nay.
Mặt trận Tổ quốc vận động nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân
Trong những năm qua, dưới sự hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Ủy ban Mặt trận các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên đã phối hợp với chính quyền tích cực tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục pháp luật. Không ngừng nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng; tuyên truyền thực hiện các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, đấu tranh phòng ngừa, tố giác các loại tội phạm,…
Hằng năm, Ủy ban Mặt trận các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên đã phối hợp với chính quyền xây dựng chương trình thống nhất hành động để vận động, tập hợp nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trên địa bàn tỉnh.
Về tập hợp tư tưởng, ý kiến, nguyện vọng của nhân dân: Định kỳ Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với các cơ quan, ban ngành có liên quan tổ chức tiếp xúc cử tri và nhân dân của các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân để tiếp nhận, tổng hợp và phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân đến các cơ quan liên quan. Tổ chức giám sát, khảo sát, điều tra xã hội học theo chuyên đề ở những thời điểm nhất định, thu thập được ý kiến của các tầng lớp nhân dân. Thông qua đó, kiến nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp để giải quyết kịp thời và theo đúng quy định của pháp luật.
Về công tác tuyên truyền về biển đảo và chủ quyền biên giới quốc gia: Trong thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên trong tỉnh đã tích cực triển khai với nhiều hoạt động thiết thực nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao ý thức trách nhiệm và động viên các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện cam kết về “Xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển” giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk (Việt Nam) với Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia).
Công tác tuyên truyền, chăm lo vận động xây dựng khối đại đoàn kết trong đồng bào các dân tộc: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên tăng cường nắm bắt tình hình, tư tưởng của đồng bào các dân tộc, các tôn giáo tích cực tổ chức các hoạt động thăm hỏi tặng quà1 động viên người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, các chức sắc, chức việc nhằm thu hút và phát huy vai trò của họ trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc tham gia phát triển kinh tế - xã hội.
Hoạt động tuyên truyền, vận động xây dựng quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã xây dựng và ban hành các kế hoạch, hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh tổ chức các hoạt động tháng cao điểm “Vì người nghèo”. Năm 2017, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên triển khai thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, góp phần quan trọng vào công tác xoá đói giảm nghèo của địa phương; hoạt động vận động quỹ “Vì người nghèo” năm 2017 của 3 cấp được 13 tỷ 077 triệu đồng; hỗ trợ xây mới 178 nhà Đại đoàn kết cho người nghèo với số tiền 4 tỷ 640 triệu đồng.
Công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp người Việt Nam ở nước ngoài: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã phối hợp với Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức thành viên tổ chức gặp mặt thân nhân kiều bào và kiều bào về thăm thân nhân dịp Tết Nguyên đán hằng năm; vận động bà con kiều bào hướng về quê hương đầu tư kinh doanh, tham gia các hoạt động an sinh xã hội, góp phần xây dựng quê hương đất nước. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị của tỉnh tổ chức Tết Bunpimay cho người Lào tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn với những hoạt động đặc sắc, thu hút hàng trăm người tham gia.
Về tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư: Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã ban hành các văn bản, hướng dẫn Mặt trận cơ sở tuyên truyền kỷ niệm ngày truyền thống Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11) đến khu dân cư và tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết2 toàn dân tộc ở khu dân cư. Năm 2017, có 2.460 trên tổng số 2.478 khu dân cư, đã tổ chức được Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, đạt 99,2%. Trong đó, khu dân cư tổ chức được cả phần lễ và phần hội là 1.976 trên tổng số 2.478 khu dân cư, đạt 80%. Ngày hội Đại đoàn kết năm 2018 được các cấp uỷ đảng, chính quyền quan tâm nhiều hơn, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể đều tham dự Ngày hội tại khu dân cư.
Những vấn đề đặt ra trong tình hình hiện nay về công tác vận động nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc
Để tiếp tục tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, triển khai sâu rộng việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của cấp ủy Đảng các cấp trong hệ thống Mặt trận các cấp, góp phần củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình hiện nay.
Hai là, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ trong hệ thống Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên để nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ đó, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thi đua phát triển sản xuất, kinh doanh làm giàu hợp pháp, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe cho bà con dân tộc thiểu số, đặc biệt gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn và vùng biên giới.
Ba là, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tổ chức và động viên, quy tụ nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng căn cứ kháng chiến cũ, các vùng chiến lược, vùng tôn giáo. Bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập, chăm lo xây dựng các công trình phúc lợi cho nhân dân. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần tự lực tự cường, lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, gắn bó với lợi ích của đất nước và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của người dân.
Bốn là, kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, dập tắt mọi âm mưu, hành động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, kích động lôi kéo đồng bào gây rối, bạo loạn. Tiếp tục vạch trần bộ mặt phản động của các thế lực thù địch, để nhân dân nhận rõ. Đồng thời, vận động bảo vệ đồng bào các dân tộc, tôn giáo tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, nâng cao tinh thần cảnh giác, sự nhạy bén trong nhận diện và tích cực tham gia đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch.
Năm là, vận động nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo thành một khối thống nhất giữa ý chí và hành động trong thực hiện mọi nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Phạm Văn Dương
Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk
Chú thích:
1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tổ chức thăm và tặng quà đối với người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số với số kinh phí gần 50 triệu đồng; phối hợp với chùa Phổ Minh, TP. Buôn Ma Thuột và chùa Huệ Nghiêm, huyện Ea H’Leo tổ chức thăm, tặng quà cho đồng bào và các cháu thiếu nhi buôn kết nghĩa Hiao 2, huyện Ea H’leo nhân dịp Tết Đinh Dậu và Tết Trung thu với tổng số tiền gần 60 triệu đồng.
2. Với nhiều hoạt động, như: tổ chức bóng đá, bóng chuyền, tổ chức thi các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số (đua voi, chạy cà kheo, đua thuyền độc mộc, thi hát nhạc dân ca, ẩm thực vùng miền)…