(Mặt trận) - Với quan điểm “đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam và là động lực to lớn trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”; ngày 29/11/1993, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 08 NQ/TW về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, ngày 26/3/2004, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là nghị quyết đưa ra các quan điểm, mục tiêu, biện pháp đẩy mạnh công tác vận động, phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 27/NQ-CP (ngày 5/4/2016) trong chương trình hành động tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2016-2020. Những nghị quyết, chỉ thị trên đã cho thấy quan điểm rõ ràng của Đảng ta với cộng đồng kiều bào ta trong giai đoạn hiện nay.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gặp mặt kiều bào tiêu biểu nhân dịp Xuân Đinh Dậu 2017. Ảnh: PV
Hiện nay, có khoảng 5 triệu người Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài1, đây là một nguồn lực to lớn trong sự nghiệp phát triển đất nước. Những người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ cung cấp nguồn kiều hối và đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn cho đất nước; mà còn bổ sung nguồn lực tri thức dồi dào và là cầu nối trực tiếp để đưa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè thế giới. Trong những năm gần đây, lượng kiều hối về nước trung bình khoảng 10 tỉ USD2 và tăng gần như liên tục qua các năm. Tính từ năm 1993 đến năm 2015, tổng lượng kiều hối về Việt Nam đã đạt khoảng 108,6 tỉ USD. Nếu năm 1994, kiều hối về Việt Nam chỉ đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ thì đến nay đã đến từ 187 quốc gia và vùng lãnh thổ. Có thể nói rằng, kiều hối chuyển về nước là một nguồn vốn lớn, có thể đây là lượng tiền lớn nhất so với các nguồn ngoại tệ khác, góp phần làm cho cán cân thanh toán tổng thể tiếp tục đạt thặng dư, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo đà phát triển kinh tế trong nước. Đây là một trong những thực tiễn điển hình nhất chứng minh vai trò quan trọng của lực lượng người Việt ở nước ngoài với sự phát triển đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay.
Từ thực tế trên, coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài “là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”3; Đảng ta quan tâm và đặt ra nhiều chính sách, biện pháp cụ thể, kịp thời nhằm hỗ trợ và vận động những người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài tham gia ngày càng hiệu quả hơn vào công cuộc đổi mới đất nước. Tuy nhiên, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, công tác triển khai còn nhiều hạn chế và chưa đạt hiệu quả tương xứng. Để hạn chế những khó khăn và phát huy những thuận lợi, để công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài nhạy bén, hiệu quả, nhằm phát huy tối đa nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cần triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt một số giải pháp sau:
Một là, quán triệt các quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và tăng cường nhận thức của toàn hệ thống chính trị, toàn dân với công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện mọi mặt đời sống xã hội của đất nước. Trong khi đó, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ thuộc phạm vi điều chỉnh của một lĩnh vực, mà là tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, đến văn hoá và đối ngoại. Do đó, sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước với vấn đề này càng đòi hỏi sự quan tâm sát sao và chặt chẽ. Mặt khác, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận của cộng đồng dân tộc Việt Nam, trong đó, mối liên hệ giữa họ với quê hương chủ yếu thông qua chính quyền và đồng bào trong nước. Do tính chất đặc thù, nên chính quyền trở thành công cụ chủ yếu để thực hiện mối liên hệ giữa chính quyền và kiều bào.
Theo đó, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể nhân dân các cấp cần nhận thức sâu sắc nhiệm vụ, vai trò trong việc đẩy mạnh công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Mặt khác, cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 36 và Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, để các chủ trương, chính sách của Đảng được sát thực tiễn, cần thực hiện thu thập ý kiến của kiều bào khắp năm châu, đặc biệt là các trí thức và chuyên gia đầu ngành, thông qua vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Hai là, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nằm trong sự điều chỉnh của nhiều chính sách pháp luật như: Luật Đất đai, Luật Quốc tịch, Luật Nhà ở… Cùng với quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời kỳ đổi mới, hệ thống khung pháp luật, chính sách, cơ chế đảm bảo quyền lợi chính đáng để kiều bào tham gia xây dựng đất nước đã được bổ sung, hoàn thiện một cách cơ bản. Mặt khác, chính sách và các biện pháp bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài cũng đã được triển khai có hiệu quả. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, khẩn trương giải quyết những vụ việc và vấn đề còn tồn đọng trong quá trình triển khai chính sách. Về mặt thủ tục hành chính, cần giảm tải các bước không cần thiết. Các quy định, chính sách mới đưa ra cần phải được rút ngắn thời gian thể chế hoá hơn nữa. Song song với đó, cần phải sửa đổi các chính sách cũ và ban hành các chính sách mới phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới cũng như tâm tư nguyện vọng của kiều bào ở nhiều nơi trên thế giới.
Trong đó, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cần phát huy tối đa vai trò của mình trong việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài thực hiện chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ, định hướng cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức, thành lập các hội đoàn người Việt Nam phù hợp với pháp luật của nước sở tại.
Như đã đề cập, kiều bào đã tạo động lực không nhỏ cho sự phát triển kinh tế đất nước, thông qua lượng kiều hối cũng như nguồn vốn đầu tư trực tiếp. Do đó, cùng với quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế, cần nhanh chóng tạo dựng được hành lang pháp lý khoa học, rộng mở, hiệu quả để thu hút nguồn vốn từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Cần phải tận dụng được nguồn công nghệ và tri thức thông qua các chuyên gia, các trí thức Việt Nam ở nước ngoài để phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước.
Ba là, tiếp tục đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; thực hiện đại đoàn kết dân tộc.
Bối cảnh toàn cầu hoá với thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 khiến cho công tác thông tin trở nên nhanh chóng, dễ dãng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nó cũng chứa đựng nhiều mặt tiêu cực, rủi ro, nếu các cơ quan thông tin không quản lý tốt có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Thông tin đối ngoại là một mặt trận quan trọng của công tác với người Việt Nam ở nước ngoài. Thông qua hoạt động này, kiều bào có thể nắm bắt kịp thời tình hình và những vấn đề đất nước; đồng thời giúp quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Trong mọi hoàn cảnh, nguồn thông tin đối ngoại chính thống cần phải đến với kiều bào nhanh nhất và chính xác nhất. Đây là một trong những yêu cầu rất khó khăn trong tình hình mới, mà chúng ta cần phải đáp ứng được. Bởi vì tính thời điểm của thông tin đóng vai trò quyết định trong nhiều vấn đề quan trọng. Và đây cũng sẽ là biện pháp hiệu quả để chống lại các lực lượng phản động, đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật của chúng. Để thực hiện tốt được công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, cần phải thực hiện một số hướng cụ thể như sau:
- Đầu tư có hiệu quả cho phương thức thông tin chính thống, là kênh truyền hình VTV4, kênh phát thanh đối ngoại VOV5 tại những nơi có kiều bào ta, đặc biệt là những nơi tập trung đông kiều bào sinh sống. Có thể thúc đẩy đưa kênh VTV4 vào Internet và đa dạng hoá ngôn ngữ kênh phát thanh… Đồng thời phải tăng cường hiệu quả truyền tải thông tin qua Internet, tiêu biểu như trang mạng quehuongonline.vn và các diễn đàn cộng đồng người lao động, du học sinh người Việt Nam tại nhiều quốc gia trên thế giới trên mạng xã hội facebook và twister…
- Thúc đẩy đưa sách, báo, tạp chí trong nước đến với cộng đồng người Việt thông qua các thư viện tại các nước sở tại. Thậm chí có thể đẩy mạnh hình thức sách báo online của các tác giả trong nước để nhanh chóng và dễ dàng đến với kiều bào hơn.
- Đổi mới các phương thức hoạt động của hình thức giao lưu văn hoá với các nước trên thế giới. Cần phải đưa cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại trở thành trung tâm của các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, hội chợ, triển lãm. Đưa họ từ khách thể trở thành chủ thể của công tác phổ biến, tuyên truyền cũng như làm giàu, làm sâu sắc nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam.
- Khuyến khích các đoàn nghệ thuật của Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn và các đoàn nghệ sĩ Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước giao lưu văn hoá, nghệ thuật. Đây là một trong những hình thức đã đạt được nhiều hiệu quả và cần được phát huy trong thời gian tới. Từ đó có điều kiện để duy trì và mở rộng hơn nữa các trung tâm văn hoá Việt Nam tại nước ngoài và trung tâm văn hoá nước ngoài tại Việt Nam.
- Trong quá trình tuyên truyền, thông tin, cần tăng cường cảnh giác, kết hợp chặt chẽ với việc đấu tranh với những người Việt lưu vong sống tại nước ngoài đang chống phá Đảng và Nhà nước ta. Đây là một vấn đề nhạy cảm và phức tạp. Cần phải cô lập và ngăn ngừa các hình thức lôi kéo kiều bào của lực lượng trên thông qua xây dựng lực lượng nòng cốt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để thực hiện các nhiệm vụ chính trị liên quan. Bên cạnh đó, cần chủ động trong công tác đấu tranh với các phần tử lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo để chống phá đất nước.
Bốn là, tăng cường công tác bảo hộ với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam.
Trong luật quốc tế hiện đại, theo nghĩa hẹp “bảo hộ công dân ở nước ngoài” được hiểu là việc quốc gia thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tiến hành các hoạt động nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích của công dân nước mình ở nước ngoài khi các quyền và lợi ích này bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ở nước ngoài đó. Còn theo nghĩa rộng thì bảo hộ công dân ở nước ngoài không chỉ là việc quốc gia can thiệp để bảo vệ các quyền và lợi ích công dân nước mình ở nước ngoài mà còn bao gồm cả các hoạt động giúp đỡ về mọi mặt mà quốc gia dành cho công dân nước mình khi ở nước ngoài, kể cả trong trường hợp không có hành vi xâm hại tới công dân của nước này.
Quá trình mở cửa, hội nhập đã khiến số lượng người Việt Nam sinh sống, làm việc, học tập ở nước ngoài ngày càng tăng nhanh. Việc bảo hộ công dân Việt Nam tại các quốc gia trên thế giới cũng đang ngày càng trở thành vấn đề được Bộ Ngoại giao nói chung và các Cơ quan đại diện nói riêng hết sức quan tâm. Tất cả công dân Việt Nam ra nước ngoài đều có quyền được Nhà nước bảo hộ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thực hiện quyền đó cho công dân Việt Nam. Với việc tham gia Tổ chức Di cư quốc tế từ tháng 11/2007 và lập đường dây nóng hỗ trợ công dân (tháng 2/2015), công tác bảo hộ đã cơ bản được duy trì. Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay, việc hỗ trợ về pháp lý khi cần thiết cần được thực hiện có hiệu quả hơn nữa. Theo đó, các cán bộ của cơ quan đại diện không chỉ cần có ngoại ngữ, mà còn phải có hiểu biết sâu về văn hoá, pháp luật của quốc gia đó.
Năm là, cần đầu tư và có chiến lược rõ ràng trong việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.
Các quốc gia phát triển đều rất coi trọng đội ngũ tri thức ở nước ngoài. Trong khi đó ở nước ta nạn chảy máu chất xám, đội ngũ trí thức không quay lại đất nước để cống hiến là một thực tại xót xa. Vì thế, cần phải có những biện pháp để vận động, kêu gọi đóng góp, công sức của lực lượng trí thức để phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước. Phải đưa ra cơ chế thu hút nhân tài trên từng lĩnh vực, thông qua các bộ, ban, ngành khác nhau. Có thể có những kênh thông tin chính thức giữa đội ngũ trí thức nhằm tạo dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các lĩnh vực đất nước đang thiếu và đang yếu. Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ có thể quản lý danh sách các hiền tài thông qua lĩnh vực công tác để nắm được tâm tư nguyện vọng và vận động họ cống hiến cho Tổ quốc. Chính sách đãi ngộ với các trí thức này cần được đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, vì đây là đầu tư “có lãi” mà chúng ta cần theo đuổi.
---------------------------------
1. Số liệu năm 2012 là 4,5 triệu người sinh sống tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo thống kê, từ năm 2012 đến nay, có khoảng 100 nghìn người Việt Nam sang nước ngoài sinh sống.
2. Năm 2014: 12 tỉ USD, năm 2015: 13 tỉ USD, năm 2016: 9.5 tỉ USD.
3. Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị (26-3-2004) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
PGS.TS Nguyễn Hữu Cát - Đoàn Thị Mai Liên
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh